Công ty Cổ phần trà Bách Shan - phục hưng danh trà cổ

15:39, 26/09/2013

HGĐT - Chè Chốt, trà Mạn Hảo... là danh trà nổi tiếng vùng Hà Giang đã bị thất truyền. Những hương thơm, vị đượm độc đáo, có một không hai của danh trà này, chỉ còn đọng lại trong ký ức người lính chấn giữ Bắc ải mấy mươi năm trước và người già ở thôn, bản vùng cao. Thế nhưng, ở vùng chè cổ Thượng Sơn (Vị Xuyên) có doanh nghiệp đang nuôi tham vọng phục hưng danh trà thất truyền.


NÂNG GIÁ TRỊ VÙNG CHÈ

 

Hơn chục sản phẩm, với những tên gọi hấp dẫn như trà Mạn Hảo, Mật Hồng trà, Hồng trà, Pái Hảo, chè Chốt, chè Chốt công phu, trà Móc câu... chế biến từ những búp chè thượng hạng vùng Thượng Sơn vừa tung ra thị trường, được người sành chè đánh giá cao. Tiếp cận vùng chè Thượng Sơn từ tháng 9 năm 2012, Công ty Cổ phần trà Bách Shan xác định chiến lược kinh doanh không chạy theo số lượng, tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại như hệ thống máy vò, máy sấy, phòng lên men... nhằm sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao, hướng đến phân khúc thị trường là khách hàng VIP và xuất khẩu.



               Sao chế chè tại Công ty Cổ phần trà Bách Shan 

Vừa làm, vừa học hỏi và xuất phát từ niềm đam mê, sau hơn một năm đi vào hoạt động, những người lao động của Công ty đã tạo ra nhiều dòng chè thượng hạng. Để làm ra những sản phẩm chè chất lượng cao, Công ty đã liên kết với người nông dân trồng chè, cung cấp dụng cụ bảo quản và đặt hàng thu hái. Giá chè búp tươi trên thị trường hiện dao động từ 10-12 nghìn đồng/kg, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào chế biến chè thượng hạng, được Công ty thu mua từ 50-80 nghìn đồng/kg. Sự liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân trong tiêu thụ sản phẩm, đã từng bước thay đổi quan niệm thu hái, chăm sóc vườn chè. Từ chỗ ít được người tiêu dùng biết đến, giá thu mua không cao, cuộc sống người trồng chè chưa khấm khá, khi Công ty Cổ phần Trà Bách Shan đặt cơ sở sản xuất, giá trị vùng chè Thượng Sơn được nâng lên rất nhiều.

 

PHỤC HƯNG DANH TRÀ THẤT TRUYỀN

 

Những năm 80 của thế kỷ trước, khắp vùng Hà Giang lưu truyền một dòng chè gắn với người lính chấn giữ biên cương - chè Chốt. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Lượng, một người lính tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc Hà Giang: Những khoảng thời gian bình yên hiếm hoi của trận chiến, người lính ra khỏi hầm, đi hái búp chè to, mọng trồi lên từ cành chè bị pháo phạt đứt. Những búp chè này được mang về hầm, dùng than cây nghiến bị pháo bắn cháy đốt nóng mũ thép để sao chè. Sự kỳ công từ khâu lựa chọn búp chè, thời điểm hái và cách sao đã tạo ra sản phẩm chè thượng hạng, những ai chỉ một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên. Biên giới bình yên, người lính trở về hậu phương, chè Chốt chỉ còn đọng lại trong ký ức!

 

Tưởng rằng danh trà này đã thất truyền, thế nhưng lên Thượng Sơn, tôi thực sự ngạc nhiên khi tay chạm trực tiếp vào từng búp chè Chốt, thưởng thức hương vị tuyệt vời của chè Chốt. Anh Trần Lê Trung, cán bộ Công ty Cổ phần trà Bách Shan - người đang theo đuổi con đường phục hưng chè cổ cho biết: Từ nhỏ, anh đã nghe kể và may mắn được thưởng thức hương vị tuyệt với của chè Chốt. Khi có cơ hội quản lý, trực tiếp tham gia chế biến, anh đã tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu cách làm chè của người xưa. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và áp dụng công nghệ mới, sau thời gian ngắn, anh đã phục hưng thành công sản phẩm chè Chốt, cánh chè trắng như tuyết, hương thơm quyện đặc quanh chén trà.

 

Ngoài ra, anh Chung đang tiếp tục nghiên cứu, bước đầu phục hưng được cách làm trà Mạn Hảo. Theo tác giả Trịnh Quang Dũng - Văn minh trà Việt, Mạn Hảo là một danh trà quý, đắt tiền, dành cho tầng lớp quý tộc ngày xưa. Nguyên liệu chế biến được lấy từ trà Shan tuyết cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang, mọc tự nhiên trên những dãy núi cao 800 - 2.000 m, quanh năm sương phủ. Nhưng, từ giữa thể kỷ 20, trà Mạn Hảo, trà Mạn dần biến mất, nó để lại nhiều hoài niệm cho hậu thế.

 

Xây dựng cơ sở chế biến ngay giữa trung tâm vùng chè cổ thụ, nơi trước đây người dân thôn vùng cao Bó Đướt (Thượng Sơn) đã chế biến trà Mạn Hảo. Chè búp được người dân dùng chế biến trà Mạn Hảo hái từ những cây chè hàng trăm năm tuổi mọc ở đầu nguồn nước khoáng, ống vầu cũng được lựa từ những cây mọc quanh nguồn nước quý hiếm này. Nắm bắt được bí kíp của người xưa, anh Chung đã bắt tay vào nghiên cứu và con đường phục hưng trà Mạn Hảo đang hứa hẹn nhiều triển vọng. "Chỉ trong thời gian ngắn nữa, những người sành chè sẽ được thưởng thức hương vị tuyệt vời của dòng chè đã thất truyền", anh Trần Lê Trung khẳng định.

 

TỪNG BƯỚC TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG

 

Tiếp cận vùng chè cổ Thượng Sơn, Công ty Cổ phần trà Bách Shan đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến theo quy trình hiện đại. Tuy nhiên, có nhiều dòng sản phẩm như Hồng trà, chè Chốt đòi hỏi quy trình thực hiện rất công phu, tốn nhiều thời gian, chế biến theo hình thức thủ công, có sự can thiệp của bàn tay con người trong tất cả các công đoạn nên không thể sản xuất ồ ạt với số lượng lớn. Mặc dù được người sành chè đánh giá cao, nhưng "sinh sau đẻ muộn", lại không có nguồn kinh phí tổ chức các chiến dịch quảng bá rầm rộ, việc đưa trà đến với người tiêu dùng luôn là bài toán khó.

 

Trước thực trạng đó, Công ty chọn hướng đưa sản phẩm vào thị trường bằng cách mở các Hiên trà nhằm giới thiệu, quảng bá, phân phối hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Đến nay, Công ty đã mở được 3 Hiên trà tại Hà Nội. Ở các Hiên trà, khách hàng được thưởng thức hương vị tuyệt hảo của chè Thượng Sơn, được góp ý trực tiếp về chất lượng sản phẩm. Những Hiên trà do Công ty mở, đã và đang trở thành nơi giao lưu của người yêu mến dòng chè Shan tuyết Hà Giang. Tại thành phố Hà Giang, Công ty cũng xây dựng điểm bán, giới thiệu sản phẩm trên đường Nguyễn Trãi, điểm này thu hút được nhiều khách du lịch tham quan, thưởng trà. Với hướng đi đúng, ngay năm đầu tiên xuất hiện trên thị trường, các sản phẩm của trà Bách shan đã được người tiêu dùng đón nhận. Không chỉ như vậy, sản phẩm của Công ty còn được tiêu thụ tại thị trường Bắc Kinh (Trung Quốc), Hồng Kông với giá lên đến 11 triệu đồng/kg. Gần đây, thông qua con đường du lịch, sản phẩm trà Bách Shan đã tiếp cận được với khách hàng thị trường Đông Âu - nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống.

 

Với cách làm chuyên nghiệp, xác định rõ phân khúc khách hàng, và theo đuổi ý tưởng phục hưng những danh trà thất truyền, trà Bách Shan đang tạo thế đứng vững chắc trên thị trường, đưa giá trị chè cổ Thượng Sơn luôn tỏa sáng.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cơ giới hóa nông nghiệp góp phần thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới ở Bắc Quang
HGĐT - Là huyện động lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Bắc Quang có diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 8.000ha, diện tích trồng lạc trên 2.000ha, diện tích trồng ngô trên 3.200ha. Đây cũng được coi là địa bàn có diện tích trồng chè, cam, quýt nhiều nhất so với các huyện trong tỉnh... Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm trên 34% trong cơ cấu kinh tế. Với
26/09/2013
Trung tâm Khuyến công xúc tiến công thương: Triển khai CVĐ “Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”
HGĐT - Trước sự phát triển của đời sống, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng gia tăng và đi cùng với đó là thách thức không nhỏ từ sự thiếu hụt năng lượng... Theo đó, ngày 2.10.2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1427 về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015”. Thực hiện Quyết định này, ngành
26/09/2013
Hoàng Su Phì, Bắc Mê mở rộng diện tích cây vụ Đông
*Sáng 20.9, tại thôn Lủng Phạc, xã Sán Sả Hồ, UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức Lễ phát động phong trào phát triển cây vụ Đông, gắn với ủ phân xanh hữu cơ.
24/09/2013
Đề xuất bổ sung giống lúa thuần chất lượng cao BG1và BG6 vào cơ cấu giống của tỉnh
HGĐT - Đó là ý kiến thống nhất đề xuất tại Hội nghị Đầu bờ đánh giá kết quả mô hình mở rộng chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa thuần chất lượng cao BG1 và BG6 tại thôn Khiềm xã Quang Minh (Bắc Quang) do Sở NN&PTNT và huyện Bắc Quang tổ chức ngày 21.9.
24/09/2013