Con... “mũi nhọn” ở kẹp B

17:30, 17/09/2013

HGĐT - Người dân thôn Kẹp B, xã Minh Sơn (Bắc Mê) mấy năm nay làm ăn khấm khá, tỷ hộ nghèo giảm rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao... Nguyên nhân được lý giải cho bài toán thoát nghèo của hơn 80 hộ dân giữa vùng rừng núi này là họ đã biết chọn cho mình một con “mũi nhọn” để phát triển kinh tế bền vững, đó chính là chăn nuôi trâu, bò hàng hóa.



Gần 100% người dân thôn Kẹp B đầu tư chăn nuôi trâu, bò hàng hóa mang lại hiệu quả cao.

Thôn Kẹp B có 81 hộ dân, là thôn còn nhiều khó khăn với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đời sống của người dân thôn Kẹp B từng bước được nâng cao, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt trên 95%. Trò chuyện với chúng tôi về câu chuyện làm kinh tế ở thôn Kẹp B, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn Hoàng Văn Tuấn cho biết: “Kẹp B cũng giống với các thôn khác trên địa bàn xã, khó khăn còn trên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng Kẹp B đã tìm cho mình một lối đi đúng đắn, phù hợp để vươn lên và thoát nghèo bền vững. Giờ thì nhà nào cũng có cả ha đất trồng cỏ và trên 2 con trâu, bò nuôi nhốt hàng hóa. Mỗi con trâu, bò hiện nay có giá mấy chục triệu đồng. Với người dân nơi đây, như thế đã là cả một gia tài...”.


Thôn Kẹp B hiện còn 37/81 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Toàn thôn có trên 220 con trâu, bò với 54 ha cỏ, diện tích trồng cỏ không ngừng được mở rộng theo mức độ tăng đàn gia súc. Đặc biệt, nhiều gia đình trong thôn luôn duy trì từ 5 - 6 con trâu, bò trở lên. Mỗi năm bán ra thị trường nhiều con được nuôi vỗ béo. Được biết, Thôn Kẹp B là một trong những thôn cung cấp nhiều trâu, bò cho các phiên chợ trâu, bò trên địa bàn huyện cũng như các vùng lân cận, điều này lý giải vì sao người dân Kẹp B luôn có mặt ở các phiên chợ trâu, bò. Họ đi không chỉ để bán mà còn lựa chọn mua những con trâu, bò có khả năng vỗ béo để về nuôi vỗ béo, bán nhanh cho lãi. Trưởng thôn Vừ Mí Lừ vừa dẫn chúng tôi đi thăm các hộ gia đình có nuôi nhiều trâu, bò, vừa giãi bày: “Thực ra, bà con ở đây đã có thói quen chăn nuôi gia súc từ lâu lắm rồi, nhưng mấy năm nay mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy và chính quyền địa phương giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông; thay đổi tập quán từ chăn thả rông sang mô hình nuôi nhốt, vỗ béo; kiểm tra theo dõi tình hình dịch bệnh, phát hiện xử lý kịp thời dịch mới phát sinh; đẩy mạnh làm chuồng trại cho gia súc gắn với xây dựng nông thôn mới; tận dụng phân chuồng để ủ phân xanh hữu cơ bón cho cây trồng vụ đông...”.

 

Sức kéo tuy đã được giải phóng cơ bản khi cơ giới hóa ngày càng được áp dụng mạnh mẽ vào sản xuất, nhưng đây cũng là thời điểm mà người dân nghĩ nhiều hơn đến chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, bởi ở giữa chốn thâm sơn này, khó khăn thì trăm bề mà thuận lợi thì chỉ có việc trồng cỏ để chăn nuôi gia súc khi có diện tích đất đồi núi rộng lớn. Chọn chăn nuôi gia súc để thoát nghèo cũng chính là hướng thôn Kẹp B đang cụ thể hóa chủ trương chung của tỉnh là mỗi địa phương chọn một cây, con thế mạnh làm mũi nhọn để tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

 

Gặp Anh Thào Chờ Sáu, một trong những hộ chăn nuôi nhiều trâu, bò nhất ở thôn Kẹp B khi anh vừa đi cắt cỏ về. Bên chén trà chiều vội vã, anh Sáu chia sẻ rằng: “Trâu, bò là tài sản lớn của mỗi gia đình, nhận thức được điều đó nên người dân ở đây đã quan tâm hơn trong chăn nuôi. Kẹp B rất lạnh vào mùa đông, tôi luôn phải chú trọng công tác phòng, chống rét và dịch bệnh. Không thể gọi là giàu có, cũng không có nhiều tiền đâu, nhưng nhờ chăn nuôi tôi cũng sửa sang lại được nhà cửa, sắm thêm các vật dụng trong gia đình, mua xe máy, cho con đi học... Giờ thì gần 100% các hộ dân trong thôn đều đầu tư chăn nuôi trâu, bò nhốt”. Không giàu nhưng làm được những việc của nhà giàu, cái lý của người nông dân đôi khi chỉ thật thà và giản đơn như thế nhưng đang có hàng chục gia đình ở thôn Kẹp B hiện nay làm được những điều như thế nhờ vào chăn nuôi trâu, bò hàng hóa.

 

Một ngày đến với thôn Kẹp B, tận mắt nhìn thấy những con bò to, béo, no căng thảnh thơi nhai lại cỏ; sự chăm sóc tận tụy của người dân từ việc vệ sinh chuồng trại, xử lý thức ăn cho vật nuôi của gia đình... mới hiểu “Đầu cơ nghiệp” giờ đây đã trở thành thứ tài sản quý giá với người nông dân. Thêm được những hộ dân thoát nghèo, thêm được những mô hình chăn nuôi hiệu quả là thêm một niềm tin về tương lai tươi sáng với người nông dân.

 

 


Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lũng Phìn nuôi bò hàng hóa
HGĐT - Những năm gần đây, cùng với chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng năng suất cao, việc phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa ở xã Lũng Phìn (Đồng Văn) cũng thay đổi theo hướng tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
17/09/2013
Tăng diện tích ngô vụ 2-bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Minh
HGĐT - Năm 2012, xã Thắng Mố thực hiện thành công mô hình trồng ngô vụ 2, mở hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ kết quả đó, năm 2013, huyện Yên Minh xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trồng ngô vụ 2 trên địa bàn toàn huyện. Đến nay, diện tích ngô vụ 2 trên địa bàn huyện đã trồng không chỉ đạt mà còn vượt cao so với kế hoạch. Điều đó khẳng định
17/09/2013
HTX dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Hoa Sơn: Vì nông thôn phát triển
HTX dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Hoa Sơn là một trong loại hình kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Quang được thành lập ngày 1.4.2003; với ngành nghề đăng đăng ký kinh doanh, gồm: Kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải hàng hóa; xây dựng các công trình dân dụng và giao thông, thuỷ lợi; sản xuất và xuất nhập khẩu vật tư phân bón,
17/09/2013
Khánh thành công trình cầu xã Hồ Thầu
HGĐT - Sáng ngày 14.9, Tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì tổ chức Lễ khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình cầu cứng Hồ Thầu thuộc km 13 + 700m đường Nậm Dịch đi xã Hồ Thầu.
16/09/2013