Xây dựng bền vững thương hiệu chè Hà Giang
HGĐT- Các nhà đầu tư, quản lý theo dõi ngành chè của tỉnh cảnh báo, thời gian qua, do nhận thức chưa đầy đủ của người trồng chè và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của không ít tổ chức cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân đã làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của chè Hà Giang.
Đóng gói chè thành phẩm tại Công ty TNHH Hùng Cường, Km 17, Đạo Đức (Vị Xuyên).
Đó là hiện tượng người trồng chè thu hái theo kiểu “triệt sản”, nhiều cơ sở chè mi li chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm làm cho nhiều nơi, nhiều vùng chè giảm năng suất, gây mất uy tín, chất lượng và làm giảm lòng tin người tiêu dùng. Để ngăn chặn, giải quyết dứt điểm hạn chế trên chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ thương hiệu chè của tỉnh.
Được biết, chè Hà Giang có 2 loại chính là: Chè Shan tuyết lá to và chè Shantuyết là nhỏ, phân bố ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, là vùng chè hữu cơ (chè sạch 100%), có chất lượng rất tốt. Cả Việt Nam chỉ có 3 vùng chè như vậy, trong đó chè Hà Giang là 1 trong 3 vùng đó được xếp loại bảo tồn, đánh giá cao. Qua các chỉ số đánh giá chất lượng của các Hiệp hội sản xuất chè trong nước và Quốc tế cho thấy: Chè Shan tuyết Hà Giang có chỉ số ta nanh đạt trên gần 40%, vượt trên chỉ số mong đợi về chất lượng. Hiện nay, Hà Giang có diện tích chè đứng thứ 3 trong toàn quốc, chỉ sau Lâm Đồng 26.000 ha, Thái Nguyên 21.000 ha và Hà Giang là 19.442 ha. Trong năm 2012, tổng sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đạt trên 56.000 tấn, tăng 22.000 tấn so với năm 2005; sản phẩm chè thành phẩm được chế biến xuất khẩu là 1.207 tấn, đạt giá trị hơn 1.687.700 USD; trong 7 tháng đầu năm 2013 xuất khẩu được trên 551 tấn chè các loại, đạt giá trị 800.000 USD. Thị trường xuất khẩu là hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, điều đáng mừng là chè Hà Giang đã xâm nhập, đi vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Anh, Ấn Độ... Cũng trong thời điểm nửa năm nay, có lúc chè búp tươi có giá thu mua nguyên liệu từ 7 - 10 nghìn đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá thu mua chè tươi nguyên liệu trên địa bàn tỉnh trở lại bình ổn với giá trung bình từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, không có hiện tượng sốt giá chè nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường (Vị Xuyên) - một trong số ít doanh nghiệp của tỉnh luôn giữ được mức tăng trưởng khá trong sản xuất, kinh doanh chè của tỉnh nhiều năm liền, cho biết: Thực tế sản xuất và thị trường trong những năm qua và nửa đầu năm 2013 cho thấy, kể cả trong “cơn sốt giá” và lúc bình thường, thì doanh nghiệp nào làm ăn chân chính vẫn luôn có chỗ đứng trong người tiêu dùng. Tiêu chí để Hiệp hội Chè xét, đánh giá thương, nhãn hiệu hàng hoá đó là có vùng chè nguyên liệu ổn định, có công nghệ sản xuất từ trồng, thu hái, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có năng lực cạnh tranh về uy tín, khả năng tài chính..., trong đó có vùng nguyên liệu chè tập trung, ổn định là tiêu chí đầu tiên để đánh giá doanh nghiệp phát triển ổn định. Chè Hà Giang có vai trò chiếm giữ vị trí quan trọng không chỉ trong nền kinh tế của tỉnh mà còn ảnh hưởng lớn đến nền sản xuất chè trong nước, nhưng sự phát triển của cây chè tỉnh ta còn nhiều bất cập cần phải tháo gỡ đó là: Diện tích trồng chè còn phân tán, sẽ khó đầu tư thâm canh, dẫn đến năng suất thấp, trung bình đạt 35 - 40 tạ/ha, chỉ bằng 35% năng suất của chè tỉnh Thái Nguyên, bằng 42% năng suất chè của tỉnh Phú Thọ, Lâm Đồng. Mật độ trên một đơn vị diện tích rất thưa cần phải được cải tạo, trồng dặm; khả năng đầu tư thâm canh trong đại bộ phận nông dân chưa được chú trọng, chủ yếu là đi vào khai thác là chính, hơn nữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến trong tỉnh chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, cho nên việc đầu tư theo chiều sâu để vừa nâng cao năng suất chè nguyên liệu, vừa nâng cao giá trị sản phẩm sau chế biến gặp khó khăn.
Hiện tại, chúng ta đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thị trường. Để nền sản xuất hàng hoá phát triển thì cần có thương hiệu. Muốn xây dựng được thương hiệu cho cây chè Hà Giang thiết nghĩ ngoài việc công nhận chè có xuất xứ tốt, thì nhất thiết chúng ta phải được đầu tư tốt. Trong đó, người trồng chè cần biết quý trọng sản phẩm chè mình làm ra, qua đó từng bước thâm canh đưa năng suất, chất lượng nguyên liệu lên cao ngay từ đầu vào của sản phẩm trước chế biến. Song song với đó tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư, quy hoạch vùng nguyên liệu với người trồng chè theo hướng liên kết giữa 4 nhà. Có như vậy các cơ sở chế biến mới đầu tư cho công nghệ, thiết bị kỹ thuật chế biến chè có chất lượng cao. Cần phải quy hoạch, cải tạo vườn chè già cỗi, trồng dặm đi đôi với đẩy mạnh việc thâm canh, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Kiên quyết xử lý vi phạm đối với các cơ sở trồng, thu mua, chế biến các sản phẩm chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng chè của tỉnh. Đối với các doanh nghiệp nhất thiết phải “làm thật, ăn thật” để nâng cao uy tín, chất lượng chè của tỉnh trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng trong, ngoài nước. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của ngành chè Hà Giang trong quá trình hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Ý kiến bạn đọc