Vị Xuyên tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lúa mùa
HGĐT- Vụ mùa năm nay, huyện Vị Xuyên gieo cấy 4.670 ha lúa, đạt 99,97% so với kế hoạch. Trong đó lúa lai chiếm 3.193 ha diện tích (bao gồm các giống lúa Nhị ưu 838, 725, TH3-3, Việt Lai) và 1.477,3 ha lúa thuần với các giống HT1, Khang dân, PC6. Hiện lúa mùa toàn huyện đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, đây cũng là thời điểm rất quan trọng trong việc quyết định đến năng suất, chất lượng cây lúa nên bà con nông dân luôn quan tâm, tích cực triển khai công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ mùa.
Bà con xã Đạo Đức chăm sóc lúa vụ mùa.
Tìm hiểu về công tác chăm sóc, phòng rừ sâu bệnh cho lúa vụ mùa trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên cho biết: Để đạt được năng suất chất lượng cao trong vụ mùa này, ngay từ những ngày đầu mùa vụ, phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Trạm khuyến nông, Trạm BVTV tổ chức tuyên truyền đến bà con nông dân về đặc thù cũng như những điều cần lưu ý trong sản xuất lúa mùa vụ; dự phòng tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng, chống và xử lý kịp thời. Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT chủ yếu dành cho các đối tượng là trưởng thôn, khuyến nông thôn bản, các hội đoàn thể nông dân, phụ nữ xã với mục đích tập trung tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi tới các thôn và hộ nông dân về kỹ thuật cấy lúa lai, quy trình kỹ thuật sử dụng phân viên nén trên cây lúa; thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên các loại giống cây trồng để bà con nắm chắc được tình hình sâu bệnh, cách phòng trừ và tuân thủ nghiêm ngặt khung thời vụ từ khâu cày bừa, lật đất làm vệ sinh nội đồng, ngâm ủ, làm mạ, gieo cấy, bón phân, khơi thông mương rãnh, làm đất, gieo mạ...; chủ động tốt nhất về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp sản xuất gieo cấy đúng khung thời vụ sẵn sàng ứng phó với sâu bệnh hại và tránh tình trạng lây lan thành dịch trên diện rộng. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật nhằm tạo sức đề kháng tốt cho cây tăng cường khả năng chống chịu trong môi trường dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cử cán bộ khuyến nông triển khai thực hiện phương án phòng trừ sâu bệnh đến từng hộ dân, hướng dẫn bà con cách chăm sóc bảo vệ lúa sau cấy, các biện pháp tích nước tưới tiêu tại các ao, hồ, khe lạch, khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp 4 đúng.
Qua kiểm tra thăm đồng, những ngày vừa qua do mưa nhiều cùng thời tiết diễn biến thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh gây hại như sâu cuốn lá lớn, lá nhỏ, vàng lá... phát triển. Trước tình hình này huyện tích cực chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương kiểm tra sâu sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ bệnh hại, không để phát sinh thành dịch làm ảnh hưởng đến năng suất. Thực hiện công tác điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện sâu bệnh kịp thời để bà con nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, thời gian tới từ trung tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9, cứ 7 ngày các ngành chức năng sẽ có thông báo thường xuyên đến các xã, đặc biệt là các xã trọng điểm lúa về việc dự tính, dự báo sâu bệnh hại, thường xuyên kiểm tra diễn biến tình hình sâu bệnh, dự tính, dự báo sát đúng để bà con sẵn sàng ứng phó trước dịch bệnh, chủ động đưa ra các giải pháp cụ thể, ngăn chặn dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng; hạn chế tối đa không để tình trạng sâu bệnh gây ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển, năng suất, sản lượng cây trồng. Hiện nay người dân tập trung chăm sóc bón phân lần hai, sục bùn, làm cỏ lúa. Dựa vào tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa theo từng giai đoạn và diễn biến của thời tiết, khí hậu của địa phương; theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh, phát hiện sớm để có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, kịp thời, áp dụng những kiến thức khoa học vào thâm canh, tạo ra sản phẩm có giá trị hàng hoá.
Để đạt được mùa vụ thắng lợi, thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào ủ phân xanh làm phân hữu cơ; tăng cường công tác điều tra sâu bệnh hại trên các loại cây trồng; tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra thường xuyên đồng ruộng; tập trung chăm sóc lúa đúng quy trình kỹ thuật và tăng cường theo dõi sự phát triển của lúa; kiểm soát sâu, dịch bệnh trên từng diện tích đất, đảm bảo an toàn, sạch sâu bệnh cho lúa mùa là điều kiện quan trọng để bảo đảm năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Ý kiến bạn đọc