Tạo đà để nông dân phát triển kinh tế
HGĐT- Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở thành phố Hà Giang đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển KT-XH, người dân ổn định đời sống, nông thôn ngày càng đổi thay với những diện mạo mới.
Từ vườn tạp gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, tổ 9, phường Ngọc Hà (TPHG) đã chuyển đổi sang trồng các loại hoa đã mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Thăm vườn hoa đủ loại đang mùa tươi sắc của gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, tổ 9, phường Ngọc Hà, ai cũng tấm tắc trước thành quả xoá vườn tạp của người nông dân cần cù, chịu khó, lại biết tiếp thu cái mới này. Từ mảnh vườn tạp, ông đã tập trung bồi đất trồng với đủ loại: hoa cúc, hoa hồng, hoa ly, quất cảnh... mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập ổn định cho gia đình. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự chịu khó, cần cù lao động của ông Lộc, thì một trong những yếu tố góp phần quyết định thành quả đáng ghi nhận đó chính là sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, cùng Hội Nông dân thành phố luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào nông dân SXKD giỏi đến từng người dân trên địa bàn với nhiều hoạt động thiết thực góp phần mạnh mẽ tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cần cù lao động sản xuất của nông dân, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân và qua đó đã được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ cao. Hội Nông dân thành phố đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi một cách hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn cho hội viên, nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức diễn đàn hội viên hội nông dân với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho cán bộ hội viên các xã, phường... Nhờ vậy, bà con nông dân có điều kiện ứng dụng kiến thức đã học, đầu tư phát triển kinh tế đa dạng, xây dựng nhiều mô hình phát triển bằng nỗ lực của chính mình. Chẳng hạn như mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP của 24 hộ dân (phường Ngọc Hà); mô hình trồng na của gia đình ông Vi Quốc Bảo (phường Quang Trung) v.v.. Bên cạnh sản xuất cây lúa, cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, Hội còn vận động nhiều hội viên, chuyển đổi diện tích đất lúa và đất khác sang trồng rau, hoa, đào ao thả cá, tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế trang trại. Cho đến nay, với việc thường xuyên đẩy mạnh thực hiện phong trào SXKD giỏi, toàn thành phố đã có trên 150 hộ nông dân đạt tiêu chí SXKD giỏi, với thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Những kết quả đạt được đó cho thấy người nông dân thành phố luôn năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, từ đó, đã mở ra nhiều hướng làm ăn mới, cải tạo vườn tạp, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tự mình vươn lên trong sản xuất, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Ông Đặng Thế Phong, Chủ tịch Hội nông dân thành phố cho biết: “Các phong trào mà Hội Nông dân thành phố phát động trong những năm qua đã mang lại hiệu quả rất tốt, nhất là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương”. Muốn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thật sự hiệu quả và tạo được sức lan toả, việc đầu tiên đó chính là thay đổi thói quen, tư duy và sức ì của người dân, từ tập quán sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún đến tiếp cận, áp dụng tiến bộ KH-KT để đưa sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với đó là chính sách đầu tư và sự vào cuộc thật sự của Nhà nước để tạo thị trường giúp người dân có sản phẩm tiêu thụ dễ dàng và không bị ép giá, đồng thời nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng phải ổn định và có hỗ trợ ưu đãi.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, Hội còn quan tâm đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, giữ vững và mở rộng một số ngành nghề truyền thống, dịch vụ thương mại, sửa chữa cơ khí, sản xuất gạch ngói. Hội còn là cầu nối cho các hội viên, nông dân vay vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tính đến nay, Hội nông dân thành phố đang quản lý 31 tổ vay vốn các hội viên, nông dân đã vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 13 tỉ đồng. Nhờ đó, gương điển hình SXKD giỏi xuất hiện ngày càng nhiều. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Cường (phường Trần Phú) với mô hình chăn nuôi lợn sạch, từ hộ nghèo nhưng nhờ chịu khó lao động, được Hội tạo điều kiện trong làm ăn, đến nay vợ chồng anh phát triển chăn nuôi thành trang trại, hiện trong chuồng nhà anh có trên 200 con lợn thịt, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Anh Cường cho biết: “Trước kia gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, lại thêm làm ăn ở bên ngoài, vất vả nhưng thu nhập cũng chẳng khấm khá hơn cũng nhờ Hội tạo điều kiện về vốn, tập huấn về kỹ thuật, bây giờ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.
Đến các xã, phường của thành phố hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy đó là cuộc sống ở đây đang thay da đổi thịt từng ngày, thể hiện rõ ràng nhất là đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, những ngôi nhà khang trang xuất hiện ngày càng nhiều, đường, ngõ phố đẹp đẽ... Tất cả những thành quả đó đều xuất phát từ việc người dân thành phố nỗ lực hết mình thi đua vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Có thể khẳng định, sự nỗ lực trong của người nông dân đã khai thác được tiềm năng đất đai, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đây chính là nhân tố quan trọng để thành phố Hà Giang vững bước phát triển trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc