Phụ nữ Mèo Vạc từng bước thoát nghèo bền vững
HGĐT- Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mèo Vạc Nguyễn Thị Thanh Minh khi nói về những đổi thay trong đời sống của người dân trên địa bàn. Với quyết tâm vươn lên từng bước thoát nghèo bền vững, phụ nữ Mèo Vạc đang dần khẳng định là một trong các nhân tố quyết định tạo nên diện mạo đổi mới trên vùng đất khó.
Vườn rau của gia đình chị Nguyễn Thị Sách ở xóm Pả Vi Thượng, xã Pả Vi mang lại thu nhập ổn định.
Đối với huyện nghèo như Mèo Vạc thì phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và XĐGN được xem là một trong những việc làm trọng tâm hàng đầu. Vì vậy, những năm qua, Hội LHPN huyện đã không ngừng tuyên truyền, vận động chị em tích cực tăng gia, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống ngô, lúa, đậu tương mới có năng suất cao vào gieo trồng. Lồng ghép tuyên truyền tới phụ nữ thực hiện tốt công tác chăm sóc và phòng, chống rét, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, các Hội Phụ nữ cơ sở trên địa bàn đang tiếp tục thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Tập trung giúp đỡ hộ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm trụ cột. Tạo điều kiện cho chị em phụ nữ được vay vốn để phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Mèo Vạc Nguyễn Thị Thanh Minh cho biết: “Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng do chủ động đổi mới phương thức hoạt động, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng nên đã động viên chị em hăng hái tham gia các phong trào thi đua, tích cực học tập, sáng tạo trong lao động sản xuất, đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế của huyện. Qua đó làm cho đời sống vật chất và tinh thần của chị em được cải thiện đáng kể, vị thế của người phụ nữ từng bước được nâng cao”. Nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có thêm việc làm, tăng thu nhập, Hội LHPN huyện đã và đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc huy động tiết kiệm. Đến nay, có 100% Hội cơ sở thực hiện với 1.189 thành viên, huy động được trên 30 triệu đồng, tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các Hội cơ sở còn đẩy mạnh các hoạt động tín dụng, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân vay vốn phát triển kinh tế. Tính đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách lên tới gần 5 tỷ đồng với 3.188 hộ tham gia vay để phát triển trồng cỏ, chăn nuôi, may mặc. Thông qua đó, nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình như: Mô hình nuôi lợn nái ở xã Tả Lủng, trồng cỏ chăn nuôi ở xã Pả Vi, may mặc trang phục dân tộc ở Sủng Máng, trồng mía đen ở Khâu Vai, nuôi chim bồ câu ở Lũng Pù...
Song song với việc hỗ trợ, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp tổ chức tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho các hộ gia đình như: Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo”; chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo - việc làm ... Đồng thời, chủ động nâng cao kiến thức và khả năng áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất cho chị em phụ nữ thông qua phối hợp với cán bộ khuyến nông hướng dẫn dưới hình thức tập huấn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Ngoài ra, tổ chức 197 cuộc tuyên truyền, vận động tới trên 10.000 hội viên, phụ nữ về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Phối hợp với các đoàn thể cùng cấp vận động hội viên theo học các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Hướng dẫn cách ủ phân xanh làm phân hữu cơ, duy trì 14 Câu lạc bộ “Phát triển kinh tế” với 350 thành viên tham gia.
Thời gian qua, do chủ động bám sát vào định hướng phát triển kinh tế của địa phương, Hội LHPN huyện đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích hội viên, phụ nữ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế nên đã phát huy nội lực trong các hộ gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo, tạo thành một phong trào rộng rãi, góp phần làm cho nhiều gia đình cải thiện, nâng cao đời sống, số hộ đói nghèo giảm nhanh qua các năm. Kết quả đó đã đóng góp phần lớn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện xuống còn 50,55%. Chị Nguyễn Thị Sách, xóm Pả Vi Thượng, xã Pả Vi tâm sự: “Với sự giúp đỡ của chị em trong xã, gia đình đã chủ động chuyển đổi cây trồng, tận dụng đất để trồng rau, mang lại nguồn thu chính mỗi tháng. Điều đó đã giúp gia đình không phải lo đói nghèo. Ở đây, hầu hết các hộ trong xã đều tận dụng các khoảnh đất quanh nhà để trồng rau sạch. Các hộ không chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà còn phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc, sạch đẹp”.
Khi chị em phụ nữ có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tích cực triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM”, phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”... có thể tin tưởng vào những chuyển biến mạnh mẽ và sự đổi thay toàn diện trên mảnh đất Mèo Vạc gian khó.
Ý kiến bạn đọc