Ngành Thuế với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
HGĐT- Cách đây 68 năm, khi còn trong tình thế khó khăn, thế và lực giữa ta và địch hoàn toàn bất cân xứng, nạn đói diễn ra khắp mọi nơi trên đất nước Ngân khố của đất nước quá khó khăn, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời còn non trẻ đã ban hành Sắc lệnh “Lập ra một Sở Thuế và thuế Gián thu” đánh dấu sự ra đời của ngành Thuế Nhà nước, nhằm tập tập trung các nguồn thu phục cho công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước. Để tri ân các thế hệ cán bộ ngành thuế đã cống hiến cho sự nghiệp thu NSNN, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, động viên các thế hệ cán bộ ngành thuế tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1370/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10.9 là“Ngày truyền thống của ngành Thuế Việt Nam.
Ngay từ ngày mới thành lập nước, trước yêu cầu chi của Chính phủ cho công tác AN-QP và đảm bảo đời sống nhân dân, Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đã quyết định xoá bỏ thuế thân, giảm thuế điền thổ để khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất, sửa đổi và bổ sung một số thuế cũ cho phù hợp với bản chất của Nhà nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đồng thời phát động nhiều phong trào động viện, cổ vũ nhân dân tự nguyện đónggóp cho NSNN như “ Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”,“Hũ gạo nuôi quân”... Bên cạnh chính sách động viên tự nguyện, Trung ương Đảng và Chính phủ đã thực hiện “Chính sách động viên theo khả năng”, người có thu nhập nhiều thì đóng góp nhiều, người có thu nhập ít thì đóng góp ít, mọi người có thu nhập đều có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân cả nước đã đóng góp sức người, sức của phục vụ cho 2 cuộc kháng chiến; xây dựng XHCN ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; phát động các phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt ... Để đáp ứng trong tình hình mới, Đại hội Đảng lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, theo đó công tác thuế được cải cách để phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, phù hợp thực tiễn của Việt Nam và bắt nhịp với các thông lệ, tiêu chuẩn Quốc tế. Đặc biệt trong những năm vừa qua, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngànhThuế đã và đang có những bước chuyển mình tích cực, tự hoàn thiện và đổi mới thông qua những bước đi quyết liệt thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế. Sau hơn 25 năm đổi mới, trải qua ba bước cải cách lớn, đến nay ngành thuế đã đạt được những thành tích đáng tự hào: Hệ thống chính sách thuế được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực và là công cụ để Đảng và Nhà nước điều chỉnh sự phát triển nền KT-XH, động viên các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh. Công tác quản lý thuế đã chuyển từ cơ chế “chuyên quản” làm thay nhiều công việc của người nộp thuế sang cơ chế đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế trong việc tự tính, tự khai và nộp thuế vào NSNN theo quy định của Luật Quản lý thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế. Cùng với với việc ban hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý, tiến hành công tác cải cách và hiện đại hoá công tác quản lý thuế như: nộp thuế qua mang Internet, nộp thuế qua Ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự giác thực hiện các quy định về pháp luật thuế, xây dựng quy chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông” trong cả nước để phục vụ người nộp thuế. Kết quả của công cuộc cải cách và hiện đại hoá toàn diện hệ thống thuế, cùng với sự phát triển KT-XH của đất nước đã giúp làm tăng số thu ngân sách trở thành nguồn thu chủ yếu, quan trọng của NSNN, hàng năm đều hoàn thành vượt mức dự toán thu được Quốc hội và Chính phủ giao cho.
Đối với Hà Giang, trong các năm qua, nền kinh tế của tỉnh ngày càng tăng trưởng với tốc độ cao, là cơ sở vững chắc để tăng thu ngân sách; cùng với sự phát triển chung của toàn ngành, ngành thuế Hà Giang trong nhiều năm qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách, được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh giao. Đến nay ngành thuế Hà Giang đã phát triển về mọi mặt, tổ chức bộ máy ngày càng được củng cố và hoàn thiện, đáp ứng ngày càng cao của công tác quản lý thuế, ở Văn phòng Cục được tổ chức với 11 phòng nghiệp vụ, chức năng và 11 Chi cục Thuế trực thuộc đủ điều kiện tổ chức quản lý các nguồn thu theo quy định của pháp luật.
Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cũng không ngừng được tăng lên cả về chất lượng và số lượng; lúc mới tách tỉnh chỉ có 156 người, đến nay tăng lên 378 người, chất lượng được nâng lên rõ rệt: trình độ đại học và trên đại học chiếm 55,8 %, trình độ cao đẳng chiếm 7,67 %, trình độ trung cấp chiếm 28,8 %; hàng năm ngành thuế đều cử nhiều CBCC theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, QLNN, tin học... Nhiều CBCC của ngành thuế được Tỉnh uỷ tín nhiệm giao gữi các chức vụ quan trọng các sở, ngành của tỉnh, cấp uỷ, chính quyền các huyện.
Về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác cũng không ngừng được đầu tư, xây dựng mới, Trụ sở văn phòng Cục Thuế được đầu tư với quy mô 9 tầng, Trụ sở các Chi cục Thuế đều được đầu tư xây dựng với quy mô từ 3 -5 tầng, 100 % CBCC làm công tác chuyên môn ở Văn phòng Cụcvà các Chi cục Thuế đều được trang bị máy tính... Toàn ngành đã thực hiện quản lý thu hiện đại với sự tích hợp đồng bộ trong khai thác, quản lý thu nộp ngân sách. Với các điều kiện trên đây, ngành Thuế Hà Giang đã bao quát được các nguồn thu ngân sách phát sinh trên địa bàn, cơ bản đủ điều kiện để đảm đương nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ngày càng lớn hơn được cấp trên giao.
Với tinh thần đoàn kết, nhất trí, vượt khó đi lên của tập thể CBCC ngành Thuế Hà Giang, 21 năm liên tục ngành thuế đều hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được Trung ương và tỉnh giao, kết quả: khi mới tách tỉnh năm 1991, số thu chỉ có trên 1 tỷ 970 triệu đồng, sau 21 năm (đến năm 2013) số thu được tỉnh giao đã tăng lên 750 tỷ đồng, ngành thuế phấn đấu thu nộp NSNN 830 tỷ đồng, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH ở địa phương.
Ghi nhận thành tích và công sức đóng góp của các thế hệ CBCC ngành Thuế Hà Giang trong quá trình xây dựng và phát triển, Chủ tịch nước đã tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 19 Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 45 Bằng khen; các bộ, ngành và địa phương tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể, cá nhân trong ngành đã có nhiều thành tích xuất sắc trong những năm qua.
Kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống ngành Thuế Việt Nam, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, với sự năng động sáng tạo, đoàn kết vững vàng trước những khó khăn với tinh thần thực sự cầu thị, CBCC ngành Thuế Hà Giang tin tưởng trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, hăng hái thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013 và các năm tiếp theo; hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách chính là niềm tri ân sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất đối với Đảng và Nhà nước và nhân dân, đối với các thế hệ cán bộ tiền bối đã đặt nền móng tiên phong cho sự ra đời trưởng thành và phát triển của ngành Thuế Việt Nam hôm nay.
Ý kiến bạn đọc