Nâng cao chất lượng công tác giải phóng mặt bằng
HGĐT- Những năm gần đây, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần tích cực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Việc bồi thường, GPMB có nhiều chuyển biến, được phân cấp mạnh cho cơ sở. Các huyện, thành phố có toàn quyền và chịu trách nhiệm phê duyệt phương án, thẩm định giá trị bồi thường, tái định cư dự án trên địa bàn. Chỉ những dự án đi qua 2 huyện trở lên, mới thuộc thẩm quyền thẩm định của Hội đồng cấp tỉnh. Do vậy, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm được nâng lên, khắc phục được tình trạng chưa GPMB sạch đã thi công, làm ảnh hưởng quyền lợi người có đất bị thu hồi, dẫn đến khiếu kiện.
Nhờ làm tốt công tác GPMB, nhiều dự án đầu tư trong Khu công nghiệp Bình Vàng được triển khai đúng tiến độ.
Trong ảnh: Nhà máy vê viên tinh quặng sắt đã hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền sản xuất, chuẩn bị đi vào hoạt động.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Các chính sách hỗ trợ đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất, giải quyết cơ bản vướng mắc trong bồi thường, GPMB, hạn chế phát sinh tiêu cực, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã thẩm định, phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB 243 công trình, với số tiền trên 179 tỷ đồng. Trong đó, Sở TN-MT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xây dựng, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt bồi thường, hỗ trợ 14 công trình, tổng diện tích đất thu hồi trên 764.489 m2, kinh phí trên 7,3 tỷ đồng; có 229 công trình, kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB trên 172 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền cấp huyện, thành phố. Điều nổi bật là các huyện, thành phố đều thành lập Hội đồng bồi thường chuyên trách, việc chỉ đạo được tập trung một đầu mối, nên kết quả giải quyết khẩn trương, tính tổng hợp cao, đạt chất lượng và đảm bảo thời gian.
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Sở TN-MT, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và GPMB vốn đã phức tạp, nay còn phức tạp hơn. Nguyên nhân, do chính sách thường xuyên thay đổi, điều chỉnh theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất. Điều này dẫn đến tình trạng, người có đất bị thu hồi trước thiệt hơn người thu hồi sau nên có hiện tượng, người dân đã nhận tiền quay về cản trở, đòi quyền lợi. Cũng do nguồn ngân sách bồi thường, GPMB các dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, hạ tầng KT-XH của tỉnh còn hạn hẹp nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và đời sống người dân bị thu hồi đất. Hơn nữa, điều kiện địa hình của tỉnh phức tạp, quỹ đất ở, đất phi nông nghiệp rất hạn chế, chi phí cải tạo mặt bằng rất lớn, nhưng mức hỗ trợ, bồi thường của Nhà nước khi thu hồi còn thấp, việc đào tạo nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó nguy cơ tái nghèo đối với những hộ bị thu hồi đất còn cao.
Những hạn chế này có nguyên nhân từ công tác tuyên truyền về pháp luật đất đai, chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chưa thường xuyên, sâu rộng; sự hiểu biết về pháp luật của một số người dân còn hạn chế nên có sự so sánh, khiếu nại về chính sách, giá đền bù giữa người được áp dụng tại thời điểm đã ban hành chính sách cũ và người đang được hưởng theo chính sách mới. Cơ chế, chính sách thường xuyên thay đổi, nên việc giải quyết thủ tục, hồ sơ các dự án phức tạp. Nguồn vốn bố trí chưa đáp ứng tiến độ, một số quy định pháp lý trong công tác giải ngân còn phức tạp, ảnh hưởng chung đến tiến độ triển khai các dự án. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai của một số địa phương còn yếu, chưa thực hiện tốt việc công bố, tuyên truyền và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chưa quản lý chặt chẽ, cập nhật kịp thời biến động đất đai, đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng đất; một số chủ dự án chưa thực sự quan tâm đầu tư xây dựng khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.
Quá trình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện dự án di dân tái định cư. Trên thực tế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư không nhất quán, thay đổi liên tục gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện, có những quy định chưa kịp triển khai thực hiện đã phải sửa đổi thay thế. Do thay đổi chính sách quá nhanh, nên trong một dự án có thể áp dụng hai chính sách khác nhau. Trên địa bàn tỉnh đã có tình trạng, một số công trình do chủ dự án tự chi trả tiền bồi thường cho người, tự GPMB, khi có khiếu kiện mới làm hồ sơ bồi thường. Những công trình này gây khó cho công tác bồi thường, thẩm định vì hồ sơ do chủ dự án lập không đúng quy trình, dẫn đến tình trạng đơn thư kiến nghị, khiếu nại nhiều.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm hoạt động của Hội đồng bồi thường chuyên trách, các đại biểu đều cho rằng: Để nâng cao chất lượng công tác bồi thường, GPMB, đòi hỏi phải có sự thống nhất, công khai quy trình thu hồi đất sử dụng vào mục đích QP-AN, phục vụ lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển KT-XH. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả phương án tái định cư, hỗ trợ sản xuất, đảm bảo đời sống cho người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, các dự án có sử dụng đất chỉ được khởi công khi đã thực hiện xong công tác bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư...
Ý kiến bạn đọc