Kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu
HGĐT- Hà Giang được biết đến với đặc sản rượu ngô được nấu từ một loại men lá truyền thống, khi uống có vị cay, ngọt, thơm của ngô. Đặc biệt, rượu không gây ra cảm giác mệt khi uống vì rượu có độ cồn không cao, chỉ khoảng 25 – 30 độ.
Thời gian gần đây, rượu ngô Hà Giang càng được biết đến rộng rãi với bạn bè trong và ngoài nước, các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, cải thiện về mẫu mã sản phẩm, góp phần không nhỏ vào phát triển danh tiếng cho rượu ngô Hà Giang. Tuy nhiên, cũng phải nói đến nhiều cơ sở sản xuất còn thủ công, chưa đảm bảo các yêu cầu về thủ tục hành chính cũng như các quy chuẩn trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động kinh doanh rượu để xây dựng và phát triển thương hiệu Rượu ngô Hà Giang phát triển vững mạnh, Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127/ĐP-HG) đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm mặt hàng rượu trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Thông qua các hoạt động kiểm tra, Đoàn liên ngành sẽ thống kê, rà soát lại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhằm phát hiện các vi phạm trong hoạt động của các cá nhân, cở sở sản xuất rượu, những bất cập trong công tác quản lý, từ đó đề xuất các biện pháp, giải pháo cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể của ngành rượu tỉnh nhà.
Trong thời gian kiểm tra từ ngày 03.6 đến 27.6, Đoàn đã kiểm tra, nắm thông tin 16 cơ sở, trong đó số cơ sở kiểm tra thực tế có biên bản làm việc là 13 cơ sở, số cơ sở nắm thông tin qua các phòng Công thương là 02 cơ sở, số cơ sở khảo sát, nắm thông tin đối chiếu với các thông tin ghi trên nhãn rượu thành phẩm đang lưu thông trên thị trường là 01 cơ sở
Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở đang sản xuất Rượu trên địa bàn toàn tỉnh, Đoàn đã phát hiện 3 cơ sở có hoạt động sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh không có giấy phép; 10 cơ sở đang hoạt động sản xuất tuy đã có giấy phépsản xuất Rượu nhằm mục đích kinh doanh do các phòng Công thương (phòng Kinh tế) các huyện, thành phố cấp nhưng chưa đúng theo quy định .
Ngoài những vấn đề trên, các cơ sở còn vi phạm về thủ tục hành chính cũng như chưa đảm bảo các quy trình sản xuất , chất lượng, an toàn vệ sinh tực phẩm như: Không có Giấy tiếp nhận công bố hợp quy, thiết bị dụng cụ sản xuất chưa đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, vỏ bao bì chứa đựng chưa được đánh giá chất lượng..., không có hóa đơn, chứng từ đối với rượu thành phẩm mà cơ sở mua về chưng cất, chiết lọc.
Theo kết quả báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành về thực trạng cũng như các sai phạm của các cơ sở sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh, ngày 16.7.2013, UBND tỉnh đã có Công văn số: 2069/UBND-KTTH chỉ đạo đến các sở, ban, ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố. Theo nội dun g Công văn, thì: Sở Công thương phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ và các ngành chức năng liên quan ban hành Quy trình và các điều kiện cần thiết về sản xuất, kinh doanh rượu để UBND các huyện/thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc áp dụng thực hiện.
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện/thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc và chất lượng các loại rượu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không đủ điều kiện sản xuất nhưng vẫn sản xuất, kinh doanh và lưu thông mặt hàng rượu không đảm bảo chất lượng.
Chủ tịch UBND các huyện/thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng của mình triển khai thực hiện các nội dung như: Đình chỉ ngay các cơ sở sản xuất rượu đang hoạt động không có Giấy phép sản xuất, vi phạm nghiêm trọng điều kiện an toàn thực phẩm; phối hợp với các ngành chức năng đình chỉ lưu thông đối với những sản phẩm rượu không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện lưu thông. Đồng thời, chỉ đạo phòng Công thương (phòng Kinh tế)bãi bỏ các Quyết định về cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu không đúng quy định; đồng thời thực hiện đúng việc kiểm định các điều kiện trước khi cấp mới, cấp sửa đổi bổ sung, cấp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo đúng quy định; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc duy trì các điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu sau khi được cấp phép.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo 127/ĐP-HG tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Hy vọng, với những nỗ lực của các cấp, ngành trong tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu sẽ phát triển bền vững.
Ý kiến bạn đọc