Cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp “bám rễ” vào cuộc sống
HGĐT- Với phương châm không triển khai ồ ạt, làm đâu chắc đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi của Hoàng Su Phì đang tạo hiệu ứng tích cực. Từ cơ chế hỗ trợ, nhiều mô hình sản xuất lúa, ngô, đậu tương, chăn nuôi quy mô trang trại gia đình được hình thành, không chỉ giúp người dân thoát nghèo, còn góp phần thay đổi quan niệm, tập quán và phương thức sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện, Hoàng Su Phì đãban hành 9 nghị quyết chuyên đề, 13 chương trình, 15 phương án và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN. Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp điều kiện thực tế, sau nửa nhiệm kỳ Đại hội, nhiều chương trình, đề án đang “bám rễ” vào cuộc sống. Đặc biệt, các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo quy mô hàng hóa, đang phát huy hiệu quả tích cực.
Những trận mưa rào vừa qua, được người nông dân Hoàng Su Phì ví như liều “thuốc tiên”, giúp cây lúa gieo trồng trên thủa ruộng bậc thang xanh mơn mởn, thân to, lá khỏe, hứa hẹn mùa no ấm đang về. Mấy năm gần đây, những thửa ruộng bậc thang đã mang lại cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây. Sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, nó còn đang trở thành hàng hóa. Thành quả trong sản xuất nông nghiệp đã khẳng định, các cơ chế, chính sách đang tác động tích cực, làm thay đổi từ nhận thức, đến hành động của người nông dân. Phát huy thành tích đạt được, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội, huyện đã đề ra chỉ tiêu, phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 30 triệu đồng/ha. Với mục tiêu đó, huyện xây dựng phương án sản xuất với những giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định và phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương, đồng thời áp dụng công thức luân canh phù hợp. Bên cạnh đó, huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phương án sản xuất theo công thức luân canh cây trồng; cử thành viên, cán bộ phụ trách xã, thị trấn, hướng dẫn nhân dân sản xuất theo công thức luân canh, lựa chọn và bố trí cây trồng theo cơ cấu thời vụ.
Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa thâm canh đã chiếm trên 94%, cơ cấu giống lúa lai chiếm trên 75%, còn lại sử dụng các giống lúa thuần chất lượng cao HT1, HT6. Đối với cây ngô, thực hiện biện pháp thâm canh chiếm trên 90%, giống ngô lai chiếm trên 75%, diện tích còn lại trồng ngô thuần Q2, giống ngô địa phương. Từ thay đổi về cơ cấu giống và phương thức sản xuất, tổng sản lượng lương thực đạt gần 33,6 nghìn tấn trong năm 2012; bình quân lương thực đầu người đạt 534 kg/năm.
Ngoài ngô, lúa là cây trồng chủ lực, huyện đang chú trọng xây dựng vùng đậu tương hàng hóa thông qua cơ chế hỗ trợ sản xuất giống đặc sản địa phương. Năm 2011, huyện xây dựng mô hình sản xuất giống đậu tương tại xã Tụ Nhân với diện tích 10 ha, sau đó tiếp tục quy hoạch và hỗ trợ vùng đậu tương giống tại xã Chiến Phố và Pố Lồ, diện tích được mở rộng lên 37 ha, sản xuất được 30 tấn giống cung cấp cho người dân. Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng, huyện còn bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí, hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ thâm canh, với định mức cho vay 3 triệu đồng/ha. Từ cơ chế của huyện, vụ đậu tương năm 2012, nhân dân các xã trồng được gần 5 nghìn ha, tăng 274 ha, sản lượng đạt trên 6,5 nghìn tấn, tăng 355 tấn so với trước khi triển khai cơ chế hỗ trợ. Vụ sản xuất năm nay, huyện chỉ đạo tăng diện tích đậu tương bằng cách gieo trồng ở những chân ruộng một vụ, không chủ động nước tưới. Chỉ riêng vụ Xuân, nhân dân đã gieo trồng được 2.700 ha, tăng 430 ha so với cùng kỳ năm trước, năng suất ước đạt 14,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 4 nghìn tấn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các chính sách hỗ trợ cũng đang phát huy hiệu quả. Ngay từ năm 2009, huyện đã triển khai 80 mô hình chăn nuôi bò hàng hóa tại các xã phía Nam Sông Chảy với cơ chế hỗ trợ 100% lãi suất món vay 30 triệu đồng/hộ trong thời gian 3 năm. Từ cơ chế đó, đến cuối năm 2009, các hộ đã mua bổ sung 268 con bò, nâng tổng đàn bò của các gia đình lên 402 con. Sau 3 năm thực hiện mô hình, ngoài số bò đãbán hoàn trả vốn ngân hàng, đàn bò của các hộ tăng thêm 116 con. Năm 2011, huyện tiếp tục hỗ trợ chăn nuôi trâu theo hướng trang trại quy mô hộ gia đình, có 11 hộ đã mua bổ sung 31 con, nâng tổng đàn trâu của mỗi hộ lên trên 12 con vào năm 2012.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Hoàng Hải Lý cho biết: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi được triển khai đã và đang tạo hiệu ứng xã hội rất tốt. Ngoài việc kích thích người dân mạnh dạn đầu tư, nó còn trang bị tư duy và cách tiếp cận vấn đề mới, để khi không còn hỗ trợ, họ vẫn chủ động duy trì. Đồng thời, các mô hình được hình thành từ cơ chế, chính sách hỗ trợ, còn là hình mẫu để người dân trong thôn, xã học tập, áp dụng vào thực tế điều kiện sản xuất, chăn nuôi của gia đình. Sau một thời gian triển khai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, đời sống người dân Hoàng Su Phì đang có nhiều đổi mới. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đến nay, bình quân lương thực đã đạt 534kg/người/năm, đạt gần 89% nghị quyết; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu/người/năm, đạt gần 74%; số hộ nghèo, cận nghèo đang giảm nhanh, bền vững, hộ dân có cuộc sống khá giả từng bước tăng lên.
Ý kiến bạn đọc