Trên công trường Thủy điện Sông Bạc
HGĐT - Trong những ngày trung tuần tháng 7, nắng nóng gay gắt kèm theo những trận mưa rào như trút nước, chúng tôi lại có dịp đến thăm công trình Thủy điện Sông Bạc tại xã Tân Trịnh (Quang Bình). Đây là một công trình hiện đại có công suất 42 MW đang được kỹ sư, công nhân của Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bạc khẩn trương ngày đêm miệt mài lắp đặt các thiết bị với quyết tâm trong quý III.2013 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Công trình Thuỷ điện Sông Bạc được triển khai thực hiện từ năm 2007 và chính thức khởi công xây dựng tháng 4.2010, với công suất 42 MW và được xây dựng trên địa bàn 4 xã của huyện Quang Bình gồm: Tân Trịnh, Tân Bắc, Xuân Minh và Tiên Nguyên. Công trình do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bạc làm chủ đầu tư, các nhà thầu chính tham gia thi công gồm: Công ty Cavico trực tiếp thi công tuyến hầm; Công ty Cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát thi công xây dựng tuyến đập và nhà máy; Công ty LiLama10 thực hiện việc lắp đặt thiết bị.
Trạm biến áp đang được công nhân, kỹ sư của Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bạc khẩn trương lắp đặt các thiết bị.
Sau khi bắt tay vào triển khai thi công, biết bao những khó khăn về cơ sở vật chất cũng nơi ăn nghỉ, làm việc, nhưng tập thể cán bộ công nhân viên của Công ty đã khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt những phần việc được giao. Trao đổi về những khó khăn ban đầu đi đến vùng đất này, anh Đỗ Văn Nguyên, Phó giám đốc Công ty cho biết: Được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và huyện; Công ty đã phối hợp với UBND các xã trên địa bàn từng bức hoàn thành các thủ tục pháp lý về thu hồi đất cho dự án, đồng thời hoàn thành công tác thanh toán tiền bồi thường đất đai, cây cối hoa màu, vật kiến trúc cho các hộ gia đình bị thu hồi đất với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Thực hiện chi trả một phần các chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho các hộ gia đình tại các xã trong vùng dự án. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định và quy định của tỉnh, đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất, không để xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu nại. Bên cạnh đó, Công ty còn phối hợp với Hội đồng bồi thường, UBND các xã tuyên truyền, vận động hộ gia đình di chuyển nhà ở, tài sản đến vị trí ở mới...
Theo hồ sơ thiết kế, công trình Thủy điện Sông Bạc được thiết kế với các hạng mục gồm: Hồ chứa nước với diện tích 30.8 ha, có dung tích toàn bộ là 3.282 m3, lưu lượng nước lớn nhất qua nhà máy là 28.76m3/s; cao trình đỉnh đập là 268m... Công trình được bố trí tổng thể gồm tuyến áp lực và tuyến năng lượng kiểu đường dẫn; tuyến áp lực gồm đập dâng và đập tràn; đập dâng được kết cấu bê tông trọng lực và đập tràn toàn tuyến có dạng mặt cắt thực dụng. Tại tuyến đập có bố trí cửa lấy nước và cửa xả cát. Tuyến năng lượng kiểu đường dẫn gồm cống lấy nước, kênh dẫn, cửa lấy nước, đường hầm, tháp điều áp, nhà máy thủy điện và kênh xả nước. Chiều dài từ tuyến đập đến nhà máy dài 7 km, có 2 tổ máy hoạt động, điện lượng trung bình hàng năm đạt 166,19 triệu KWh...
Trong gần 3 năm khẩn trương thi công, đến nay công trình Thủy điện Sông Bạc đã cơ bản hoàn tất một số hạng mục chính đó là nhà máy, kênh xả, tháp điều áp, cụm đầu mối, kênh dẫn nước, bể áp lực và cửa lấy nước đầu hầm, hầm dẫn nước. Công tác lắp đặt thiết bị đang được triển khai đồng bộ và khẩn trương. Ngoài mục tiêu chính là xây dựng và kinh doanh sản xuất điện, Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bạc còn là đơn vị chủ đầu tư nên hiểu được trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ những khó khăn của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong quá trình thi công, Công ty đã ủng hộ đồng bào trên địa bàn nhiều phần quà trị giá hàng chục triệu đồng vào Quỹ xóa đói giảm nghèo, các gia đình bị thiên tai, quỹ an sinh xã hội, quỹ khuyến học, xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo... Đồng thời kết hợp với việc xây dựng thủy điện, Công ty cũng đã làm mới, cải tạo hệ thống đường giao thông của địa phương kết hợp với phục vụ cho công trường mà trước khi có công trình việc đi lại còn hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên phát động phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “An toàn vệ sinh lao động”; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng phát triển với các nhà thầu thi công. Thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Đến nay, công trình đã và đang được đẩy nhanh thi công theo đúng tiến độ của dự án. Khi hoàn thành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp cho đất nước 166,19 triệu KWh, giải quyết một phần khó khăn tình trạng thiếu điện, góp phần đẩy nhanh CNH-HĐH đất nước và bảo vệ an ninh biên giới. Đây là dự án tương đối lớn của Hà Giang, hàng năm đóng góp thêm sản lượng công nghiệp của tỉnh hàng trăm tỷ đồng và đóng góp một phần lớn ngân sách địa phương (hàng năm từ 20 đến 25 tỷ đồng). Khi có đầy đủ nguồn điện thì các ngành kinh tế khác của địa phương cũng phát triển theo như du lịch, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thuỷ sản xây dựng phát triển các khu dân cư, đô thị mới.
Nhà máy thuỷ điện Sông Bạc, hồ chứa nước kết hợp với địa danh làng văn hóa du lịch cộng đồng My Bắc xã Tân Bắc sẽ là địa điểm du lịch văn hoá và sinh thái. Với cơ sở hạ tầng xã hội được cải thiện, việc giao thương sẽ thuận lợi, sản phẩm nông, lâm nghiệp của đồng bào các dân tộc được tiêu thụ, các dịch vụ phục vụ du lịch sẽ phát triển, đời sống vật chất tinh thần, văn hoá của nhân dân các dân tộc địa phương sẽ được nâng cao. Với dung tích hồ chứa nước của thủy điện trên 3,2 triệu m3, sẽ cải tạo khí hậu khu vực ở đây tốt hơn, hồ nước sẽ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân quanh vùng, đặc biệt sẽ cung cấp nguồn thủy sản giúp nhân dân có điều kiện cải thiện cuộc sống từng bước XĐGN và vươn lên làm giàu.
Ý kiến bạn đọc