Quản Bạ lấy nông nghiệp làm “đòn bẩy” phát triển kinh tế
HGĐT- Huyện Quản Bạ có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và từ những thế mạnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đã xác định phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, gắn trồng trọt với chăn nuôi đàn đại gia súc để phát triển kinh tế hộ gia đình...
Để quyết tâm thực hiện thắng lợi một trong những mục tiêu đề ra, thời gian qua, huyện ưu tiên hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ con giống, hỗ trợ lãi suất vay, tập huấn kỹ thuật và chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi... đã từng bước giải quyết được những khó khăn của bà con, dần nâng cao đời sống của người dân, góp phần làm tăng tổng đàn về cả số lượng và chất lượng.
Nông dân xã Quyết Tiến tích cực chăm sóc cây dược liệu - hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở huyện Quản Bạ.
Nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, ngay từ đầu năm, BTV Huyện ủy Quản Bạ chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chương trình, đề án, kế hoạch đã ban hành, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách cho phù hợp, như: Hỗ trợ nhân dân mua giống ngô lai, phân bón hóa học, thụ tinh nhân tạo cho bò... Với những giải pháp tích cực đó, trong 6 tháng đầu năm 2013, huyện Quản Bạ đã đạt được những kết quả rất khả quan và nông, lâm nghiệp đã dần trở thành “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế. Nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững hơn nữa theo hướng sản xuất hàng hoá, huyện đã, đang triển khai các đề án, như: Phát triển cây dược liệu trên địa bàn trong thời gian qua, theo đánh giá bước đầu chất lượng các loại dược liệu trồng tại Quyết Tiến (Quản Bạ), như: Nhân sâm, Bạch chỉ, Atiso, Hà thủ ô đỏ, Xuyên khung... trồng trên diện tích hơn 12ha đều phát triển, sinh trưởng rất tốt. Và theo như dự kiến, trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Thương mại phát triển NLN Bình Minh 3 sẽ tiếp tục phát triển vào các xã, thị trấn: Tùng Vài, Thanh Vân, Tam Sơn và một số xã khác có điều kiện phù hợp với việc trồng cây dược liệu. Từ mô hình này, Công ty hiện đã, đang giải quyết việc làm cho người dân tại địa bàn trên 100 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng... Ngoài ra, tỉnh ta sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp trực tiếp tham gia phát triển cây dược liệu bền vững với hình thức liên doanh chặt chẽ từ tư vấn chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên cho thuê đất xây dựng nhà xưởng chế biến khi có sản phẩm thu hoạch. Trong Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2011 – 2015, theo đó để cải tạo đàn bò địa phương, thời gian qua huyện tiếp tục triển khai thực hiện phương án thụ tinh nhân tạo bò và tạo bãi chăn thả tập trung. Phấn đấu hết năm 2013, tổng đàn gia súc tăng lên 19.500 con... Nhìn chung, về mặt xã hội: Qua các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp cho người dân dần khắc phục được sự trì trệ trong tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, thay đổi dần tập quán sản xuất tự nhiên, tự cung, tự cấp bằng việc tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức về sản xuất hàng hoá, phát huy được nội lực của bà con với ý thức tự lực, tự cường trong việc phát triển kinh tế, tự XĐGN cho chính mình, tạo việc làm, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình...
Từ những kết quả trong công tác triển khai, thực hiện các đề án, chương trình của huyện Quản Bạ, đã và đang đem lại hiệu quả cao, tạo bước đột phá trong kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững cũng như tiếp tục vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của T.Ư, địa phương để hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh thâm canh, phát triển sản xuất. Phấn đấu tổng sản lượng lương thực năm đạt trên 29.996 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 625kg trở lên và phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 30,74%...
Ý kiến bạn đọc