Nghị quyết “Tam nông” ngày một “bắt rễ” sâu vào đời sống
HGĐT- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH, do có sự quán triệt sâu rộng của BCH Đảng bộ tỉnh và đông đảo quần chúng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng; đời sống vật chất và tinh thần đồng bào vùng nông thôn trong tỉnh được nâng lên đáng kể; minh chứng sinh động khẳng định Nghị quyết ngày một “bắt rễ” sâu vào đời sống.
Nông dân Hoàng Su Phì cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang - Di sản cấp Quốc gia. Ảnh: P.V
“Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng Nông thôn mới có kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng KT-XH và chính trị vững chắc cho sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” là mục tiêu tổng quát của Nghị quyết T.Ư 7, khóa X (gọi tắt là Nghị quyết Tam nông).
Bà con vùng cao phía Bắc chăm sóc ngô trồng trên hốc đá.Ảnh: P.V
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình thực hiện, đồng thời thông qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai học tập, quán triệt tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của một tỉnh vùng cao, biên giới vị trí xuất phát điểm rất thấp; địa hình phức tạp; có tới 6 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước, cơ sở hạ tầng thấp kém, kỹ thuật canh tác lạc hậu... Với phương thức chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp sâu sát cơ sở, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn, lồng ghép hiệu quả Nghị quyết với các chương trình, dự án cùng sự nhiệt tình hưởng ứng của bà con thông qua phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, chương trình “Dân vận khéo”, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”...; nền kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm đạt tốc độ tăng bình quân 12,7%, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, mức thu nhập bình quân năm 2012 đạt 11,07 triệu đồng/người/năm. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2008 toàn tỉnh có 708.169 người, tổng sản lượng lương thực là 279.621 tấn và bình quân lương thực đầu người 395 kg/năm; năm 2012 là 763.503 người, tăng 5,5 vạn người so với năm 2008, nhưng diện tích đất sản xuất tăng không đáng kể... 5 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông” và các chương trình mục tiêu Quốc gia, tỉnh ta đã tập trung tuyên truyền bà con nhân dân thông qua các mô hình trình diễn, với phương thức “cầm tay chỉ việc”, bằng sự tiên phong của đội ngũ cán bô, đảng viên trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, nên kỹ thuật canh tác của bà con các xã vùng sâu, xa từ chỗ quảng canh cùng lối tư duy tự cấp tự túc đã có sự chuyển biến rõ rệt trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, luân canh, tăng vụ, tham gia hưởng ứng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” gắn cơ giới hóa, đưa hệ số sử dụng đất lúa của tỉnh hàng năm đạt tới 1,98 lần... Nhờ đó, đến năm 2012 tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 371.740 tấn, tăng 92.119 tấn so năm 2008 và bình quân lương thực đầu người toàn tỉnh đạt mức 486 kg/năm, tăng gần một tạ so với năm 2008...; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp cũng tăng đều hàng năm, như: Năm 2012 đạt 5.776,8 tỷ đồng, chiếm 31,98% cơ cấu kinh tế, tăng 195,8% so với năm 2008... Đời sống nhân dân có sự cải thiện rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm (2010 là 41,8%, 2012 giảm xuống ước còn 25%).
Hồ “treo” trên Cao nguyên đá.Ảnh: P.V
Từ cách làm sáng tạo, xây dựng kế hoạch thực hiện ngay ở cơ sở, phân định rõ từng nội dung công việc phần nào do thôn, phần nào do xã, do tỉnh và huyện và phần nào của bà con phát huy nội lực đảm nhiệm; từ Chương trình xây dựng Nông thôn mới, bà con các dân tộc trong toàn tỉnh đã hiến 448.655 m2 đất đất ở, đất vườn cùng hoa màu và gần 845 nghìn ngày công lao động xây dựng 270 km đường giao thông nông thôn; mở mới 323 km đường đất, đá; 8,8 km kênh mương; 3.804 bể nước và gần chục nghìn công trình nhà vệ sinh. Điểm nổi bật là, từ lâu trên địa bàn tỉnh phát động nhiều cuộc vận động bà con nhân dân di rời chuồng trại gia súc ra xa nhà đều chưa thành công. Nay thông qua Chương trình xây dựng Nông thôn mới, bà con đã chủ động di rời 13.766 chuồng trại gia súc ra xa nhà, góp phần thiết thực vào công tác vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Cùng với sự đầu tư tập trung của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, hiện 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô-tô đến trung tâm và có điện lưới Quốc gia, ước đến năm 2013 số hộ sử dụng điện đạt 120.000 hộ, tăng 18% so năm 2008... Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, nền kinh tế của tỉnh từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp đã dần chuyển sang nền sản xuất hàng hóa có sự phát triển tương đối toàn diện và tăng trưởng khá. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta đã phá bỏ xong nền sản xuất nông-lâm nghiệp độc canh lạc hậu từ bao đời, chuyển đổi thành nền sản xuất đa canh, góp phần lớn trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; nâng giá trị thu nhập trên 1ha canh tác từ 15 đến 20 triệu đồng/năm lên 30 - 50 triệu đồng/năm.
Cùng với Nghị quyết 30a, Chương trình 134, 135, 120/TTg, xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu việc làm và dạy nghề, nước sạch và VSMT... Nghị quyết “Tam nông” đã hòa quyện và gắn bó chặt chẽ với đời sống thường ngày của bà con nhân dân các dân tộc tỉnh ta; đời sống vật chất và tinh thần đại bộ phận người dân ngày một đổi thay, dân chủ ở cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế người nông dân ngày càng được nâng cao.
Ý kiến bạn đọc