Na Khê xóa nghèo từ khai thác tiềm năng đồng đất và con người

16:43, 17/07/2013

HGĐT- Những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã vùng cao biên giới Na Khê (Yên Minh) có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn xã đã có đến trên 16% hộ khá, giàu; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 32% và không có hộ thiếu đói lương thực trong năm. Để có cuộc sống khấm khá hơn như hiện nay là nhờ xã đã xác định hướng đi trọng tâm để khai thác những tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp cũng như sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của mỗi hộ dân trên địa bàn.



Người dân Na Khê học chăm sóc, phát triển cây chè.


Xã Na Khê có trên 700 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu sinh sống tại 10 thôn, bản. Dù là xã vùng cao biên giới nhưng xã lại có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp so với nhiều xã trên địa bàn huyện, đó là nằm trên Quốc lộ 4C, thuận tiện để người dân trao đổi hàng hóa; toàn xã có trên 1.400 ha đất trồng cây hàng năm. Hơn thế, hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều chịu khó làm ăn, tích cực học hỏi... Trong điều kiện đó, Na Khê luôn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn để nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Nhằm khai thác được lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể đến từng thôn, từng vùng. Anh Vũ Văn Quân, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đối với xã vùng cao, yêu cầu đầu tiên đó là phải ổn định lương thực cho người dân, không để dân thiếu đói. Do đó, xã đã tập trung chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng kết hợp với đầu tư thâm canh trên diện tích trồng cây ngô, lúa. Để làm được điều đó, ngoài việc chỉ đạo các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động thì xã cũng thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng những mô hình trình diễn trên cây lúa, cây ngô cho bà con học tập. Nhờ đó, diện tích lúa lai, ngô lai và diện tích thâm canh năm nào cũng đạt cao, kéo theo năng suất, sản lượng tăng lên”. Xã có 170 ha đất trồng lúa 1 vụ, trên 400 ha ngô, mấy năm gần đây, năng suất lúa bình quân luôn đạt từ 55 đến 60 tạ/ha; năng suất ngô đạt trên 34 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực toàn xã năm 2012 đã tăng lên 2.500 tấn, nâng mức bình quân lương thực đầu người đạt 630 kg/người/năm và nằm trong tốp các xã có bình quân lương thực đầu người cao nhất huyện. Khi lương thực ổn định, cuộc sống của người dân đã khá hơn, chính quyền địa phương tiếp tục vận động bà con nâng cao nguồn thu nhập từ việc nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Để làm được điều nay, xã cùng với ngành chức năng của huyện và những người có kinh nghiệm sản xuất tìm hiểu, lựa chọn và xác định giống cây, giống con cần phát triển cho từng thôn, từng bản. Nhờ đó mà ở Na Khê đã có sự đa dạng về cây trồng, có thôn bà con tập trung phát triển cây hồng không hạt; thôn trồng chè và cũng có thôn trồng dưa hấu, rau đậu các loại... Đến nay, ngoài diện tích lúa, ngô, hàng năm xã cũng gieo trồng trên 160 ha đậu tương với năng suất bình quân trên 11,7 tạ/ha; trồng trên 115 ha các loại cây có củ để phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường; trên 30 ha cây thực phẩm các loại như rau, dưa; gần 80 ha cây ăn quả; trên 90 ha chè, trong đó có trên 55 ha chè trồng mới... Việc đa dạng hóa các loại cây trồng và việc tập trung hình thành theo vùng sản xuất tập trung kết hợp với việc tập huấn kỹ thuật đã giúp người dân trên địa bàn tiếp cận hướng sản xuất hàng hóa, biết đầu tư thâm canh theo quy trình kỹ thuật. Đồng thời các loại cây trồng cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho nhân dân. Xuống thôn Bản Đả, thôn nằm ngay trên Quốc lộ 4C và được xã xác định là thôn năng động nhất, tiếp cận với sản xuất hàng hóa sớm nhất. Ngay từ những năm 2008, bà con trong thôn đã tự học hỏi kinh nghiệm của những hộ dân trồng dưa hấu từ những năm trước để phát triển thành vùng sản xuất dưa hấu tập trung duy nhất trên các huyện vùng cao núi đá. Đến nay, năm nào thôn cũng phát triển gần 10 ha dưa hấu chính vụ để cung cấp cho thị trường trong huyện cũng như khách du lịch lên cao nguyên đá, bình quân nguồn 1 ha dưa hấu cũng cho người dân thu trên 45 triệu đồng. Ngoài trồng dưa hấu, để có thêm nguồn thu phụ trong năm, bà con cũng đã gieo trồng nhiều loại rau xanh như cải bắp, bí đỏ để phục vụ nhu cầu thị trường. Nhờ trồng dưa hấu, rau xanh các loại nên cuộc sống của bà con trong thôn khá hơn, không còn hộ đói nghèo...

 

Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Quân cho biết thêm: “Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được xã xác định là hướng phát triển trọng tâm, nhất là với các thôn đất sản xuất hạn chế. Xã vận động người dân vay vốn để đầu tư giống, phát triển theo hướng chăn nuôi hàng hóa. Nổi bật trong phát triển chăn nuôi phải kể đến 2 thôn biên giới Séo Hồ, Bản Rào. Đây là 2 thôn phát triển mạnh chăn nuôi lợn hàng hóa, hầu như nhà nào trong thôn cũng nuôi từ 3 đến 10 con lợn thịt, sản phẩm làm ra không những đáp ứng yêu cầu thị trường trong xã mà còn bán cho cả thương lái bên Trung Quốc...”. Nhờ đa dạng hóa nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên người dân trên địa bàn xã không chỉ ổn định lương thực ăn, không còn hộ thiếu đói mà còn nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người lên gần 8 triệu/người/năm.

 

Đa dạng hóa nguồn thu nhập từ việc khai thác tiềm năng, thế mạnh trọng sản xuất, chăn nuôi đã giúp người dân vươn lên. Bài học đó đang được Đảng bộ, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy, vận dụng vào thực tế để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII đã đề ra.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mùa ngô no ấm
HGĐT- Đến Quản Bạ vào những ngày này, dọc theo con đường đến các xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Thanh Vân, Đông Hà... Không khí nhộn nhịp bởi tiếng gọi nhau lên nương bẻ ngô, tiếng máy tẽ hạt cả ngày không ngơi nghỉ, tiếng xe công nông, xe máy nối đuôi chở ngô về nhà. Ngô phơi đầy sân, hong trên gác bếp hoặc chất bên hiên nhà. Năm nay, ngô tiếp tục khẳng định là cây lương
17/07/2013
Quản Bạ lấy nông nghiệp làm “đòn bẩy” phát triển kinh tế
HGĐT- Huyện Quản Bạ có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và từ những thế mạnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đã xác định phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, gắn trồng trọt với chăn nuôi đàn đại gia súc để phát triển kinh tế hộ gia đình...
17/07/2013
Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp
HGĐT- Sáng 14.7, tại huyện Mèo Vạc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN & PTNT tỉnh, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc an toàn”.
17/07/2013
Cao Bồ giàu lên từ cây chè và thảo quả
HGĐT- Ai đã từng một lần theo lộ trình Phương Thiện-Cao Bồ hẳn sẽ không quên được con đường đến xã Cao Bồ (Vị Xuyên), một con đường giờ không thể di chuyển bằng ô-tô. Việc lái xe máy qua chặng đường gần 20 km với đủ các loại đá không phải là điều dễ. Đá hiên ngang án ngữ suốt chiều dài con đường như thách thức sự kiên trì, gan dạ của bất cứ ai đặt chân đến Cao Bồ; mảnh đất
16/07/2013