Mô hình nuôi hươu Sao bán tự nhiên ở Vị Xuyên
HGĐT- Không đơn thuần là chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhím, chim bồ câu hay lợn rừng... Cuối năm 2010, gia đình cô Nguyễn Thị Tuyết, thôn Minh Thành, xã Trung Thành (Vi Xuyên), nhận thấy địa hình, môi trường, khí hậu nơi gia đình ở rất thích hợp với loài hươu Sao. Sau khi bàn bạc với chồng là chú Trần Văn Thành, nguyên là Bí thư xã Trung Thành và nay là Bí thư xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên.
Vợ chồng cô Tuyết đã mạnh dạn vào tỉnh Nghệ An tìm và mua 5 cá thể hươu Sao với giá hơn 80 triệu đồng về nuôi. Trước đó, trong xã cũng đã có hai gia đình là: Gia đình anh Phạm Văn Hùng cũng ở thôn Minh Thành và gia đình anh Đặng Văn Luyến ở thôn Chang đã nuôi giống hươu này với phương pháp nuôi nhốt. Nhận thấy phương pháp này không hiệu quả, vì hươu là loài động vật hoang dã; tuy đã thuần chủng nhưng môi trường sống của chúng vẫn cần không gian sống rộng, gần gũi với thiên nhiên thì mới phát triển và sinh sản tốt nhất. Sẵn có diện tích vườn đồi rộng, vợ chồng cô Tuyết đầu tư xây tường bao trên diện tích gần 4000 m2 làm nơi nuôi hươu.
Với 5 cá thể hươu ban đầu, sau gần 3 năm, 3 cá thể hươu cái đã sinh sản được 3 hươu đực và 2 hươu cái con. Từ khi mua về, cứ vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm, gia đình cô đều cắt nhung trên 2 cá thể hươu đực. Với mỗi cặp nhung, gia đình cô bán với giá 12 triệu đồng. Vợ chồng cô chia sẻ: Hươu là động vật ăn cỏ nên chi phí thức ăn không tốn kém, hơn nữa hươu là loài động vật ăn tạp, chúng ăn cả khoai, sắn, lá cây và nhất là những cây có nhiều nhựa như: mít, ngõa, sung... gia đình cô còn trồng thêm cỏ làm thức ăn cho hươu. Ngoài ra, hươu là loài động vật hoang dã có sức đề kháng tốt; từ khi nuôi, gia đình cô chỉ thấy hươu bị tiêu chảy nhẹ vào mùa xuân và chỉ cần cho chúng ăn lá xoan là sẽ khỏi và chưa thấy có dấu hiệu bị bệnh gì đặc biệt. Khi hươu cái đe, không phải đỡ như lợn hay các loài động vật khác nên rất dễ chăm sóc. Tính đến nay, gia đình cô đã thu về gần một nửa tiền mua giống từ tiền bán nhung và có lãi từ 5 cá thể hươu. Năm sau, 3 cá thể hươu đực mới của cô sẽ lấy được nhung và 3 cá thể hươu cái trong đàn đang trong quá trình giao phối cho lứa sau. Cô nhẩm tính, sang năm sẽ được cắt 5 cặp nhung và với giá hiện tại thì cũng thu được 60 triệu, vậy là đã bắt đầu có lãi và có lãi cả những cá thể hươu con.
Cô Tuyết tính sang năm khi đàn hươu phát triển thêm, cô sẽ mở rộng diện tích nuôi và có thể sẽ mua thêm giống Nai về nuôi, vì loài Nai cho cặp nhung lớn đến 1.5 kg còn hươu chỉ từ 0.4-0.7 kg. Hiệu quả từ việc nuôi hươu Sao bán hoang dã của gia đình cô, hai gia đình trong xã nuôi hươu trước cô, cũng chuyển đổi phương pháp bằng việc mở rộng môi trường nuôi chứ không nuôi nhốt như trước nữa.
Ngoài chăn nuôi hươu, gia đình cô Tuyết còn nuôi cả lợn rừng và nhím. Với lợn rừng, cô cũng bắt đầu nuôi theo phương pháp bán tự nhiên như hươu, và mỗi năm, cô cũng ước thu về khoảng 60 triệu đồng từ bán lợn thương phẩm. Với con Nhím, gia đình cô chỉ mới nuôi thử nghiệm với số lượng nhỏ. Hàng năm, tổng thu nhập từ tiền bán nhung hươu, lợn rừng và một cửa hàng tạp hoá nhỏ... gia đình cô thu về trên 100 triệu đồng. Trao đổi với lãnh đạo xã về mô hình này chúng tôi được biết: Xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất có thể giúp các hộ chăn nuôi, vì đây là mô hình mới; nếu kết quả tốt, sẽ khuyến khích các hộ khác thực hiên và biến nó thành tiềm năng phát triển kinh tế trọng điểm. Chỉ cần đến xã Trung Thành, hỏi gia đình cô Tuyết, chú Thành nuôi hươu, không ai là không biết và còn nghe mọi người bàn tán về một gia đình chồng giỏi, vợ đảm; dám nghĩ, dám làm... kinh tế khá giả nhất nhì xã.
Ý kiến bạn đọc