Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp
HGĐT- Sáng 14.7, tại huyện Mèo Vạc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN & PTNT tỉnh, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc an toàn”.
Dự diễn đàn có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu phát triển bò và đồng cỏ Ba Vì thuộc Bộ NN & PTNT; lãnh đạo Sở NN & PTNT tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang. Về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ và 150 hộ gia đình chăn nuôi tiêu biểu của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng cỏ tại xã Pả Vi (Mèo Vạc).
Diễn đàn đã thông qua báo cáo về thực trạng và định hướng phát triển cây thức ăn gia súc khu vực miền núi phía Bắc; giải pháp phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc an toàn cho các tỉnh miền núi phía Bắc; kết quả phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc của vùng, tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010 - 2013 và định hướng đến năm 2015. Trong đó nhấn mạnh: Vùng Trung du miền núi phía Bắc có điều kiện đất đai rộng lớn, mật độ dân số còn thấp, có tiềm năng rất lớn để phát triển chăn nuôi, là nơi có nhiều giống gia súc có chất lượng tốt như bò sữa Mộc Châu, Tuyên Quang, bò vàng, dê núi Hà Giang. Hết năm 2012, vùng Trung du miền núi phía Bắc có 1,45 triệu con trâu, chiếm 55,27% so với đàn trâu toàn quốc; đàn bò có trên 904 nghìn con, chiếm 15,32%; đàn dê chiếm khoảng gần 50 %, đàn ngựa chiếm 90% so với tổng đàn của cả nước. Chăn nuôi gia súc quy mô trang trại đang phát triển nhanh, toàn vùng có 445 trang trại bò, chiếm 7,74% số trang trại bò cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi gia súc của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chăn thả tự do còn phổ biến ở vùng núi cao; các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi và trồng cỏ chưa đồng bộ, chưa có quy hoạch cụ thể; giống cỏ trồng chưa phong phú.
Để thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng cỏ kém hiệu quả sang hướng tăng năng suất, chất lượng, các đại biểu cho rằng: Cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ về giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ, thức ăn thô xanh là một trong những yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả chăn nuôi, do vậy các tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc nói chung, Hà Giang nói riêng có chiến lược, định hướng phát triển trồng cỏ nhằm phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa theo 2 hướng là trồng cỏ tập trung và trồng cỏ phân tán. Tại các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang là Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ,người dân đã rất sáng tạo trong việc trồng cây thức ăn thô xanh bằng cách trồng cỏ phân tán ở mọi chỗ, mọi nơi tạo nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi. Bằng cách làm này, đến cuối năm 2012 tỉnh Hà Giang có diện tích cỏ lũy kế là 15.910 ha.
Cũng tại diễn đàn, các nhà khoa học, quản lý, cán bộ kỹ thuật của các địa phương đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện trồng cỏ gắn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi của Hà Giang và của vùng Trung du miền núi phía Bắc; trả lời các câu hỏi của hộ chăn nuôi liên quan đến việc trồng cỏ, nuôi bò hàng hoá.
Trước khi tham dự diễn đàn, các đại biểu đã đi tham quan mô hình trồng cỏ và hộ chăn nuôi bò tại xã Pả Vi; thăm chợ bò trung tâm huyện Mèo Vạc.
Ý kiến bạn đọc