Để Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” hiệu quả hơn
HGĐT- Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” gắn Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng; được sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sau thời gian ngắn triển khai, bên cạnh kết quả đạt được,vẫn còn những khó khăn tồn tại cần tháo gỡ.
Nhiều người dân vùng sâu, xa tin tưởng sử dụng hàng hoá do Việt
Trong ảnh: Phiên chợ hàng Việt xã Xín Cái (Mèo Vạc).
Kết quả:
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” gắn CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng việt Nam”, Ban chỉ đạo CVĐcủa tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh thực hiện cụ thể, phù hợp, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, làm thay đổi nhận thức và hành vi mua sắm trong xã hội về ưu tiên sử dụng hàng Việt. Từ năm 2009 - 2012, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công nhiều đợt “đưa hàng Việt về nông thôn” với sự tham gia của 70 doanh nghiệp, thu hút khoảng trên 20.000 lượt người dân địa phương đến mua sắm; các mặt hàng phục vụ nhân dân tại phiên chợ được niêm yết và bán đúng giá niêm yết. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức được 11 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi, biên giới tại các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên. Mỗi phiên chợ tổ chức từ 3 - 6 ngày, trung bình tham gia phiên chợ có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt
Hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức tổ chức hội chợ, triển lãm được đẩy mạnh; đã thực hiện 38 Hội chợ thương mại ở 11 huyện, thành phố, với 5.600 gian hàng và 3.205 lượt doanh nghiệp tham gia; doanh thu ước đạt trên 200 tỷ đồng. Qua đó, tạo cơ hội tốt để các tổ chức, cá nhân trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hoá, là “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hàng hoá buôn bán tại các hội chợ là hàng tiêu dùng tổng hợp, trong đó chiếm 70% sản phẩm sản xuất trong nước. Sở Công thương cũng tiếp nhận tổng số trên 3.150 đợt khuyến mại do các doanh nghiệp tổ chức, giúp người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận, mua và sử dụng hàng trong nước sản xuất.
Khó khăn cần tháo gỡ:
Theo đồng chí Nguyễn Đình Bẩy, Giám đốc Sở Công thương, Phó Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh, việc triển khai thực hiện CVĐ đã tạo chuyển biến trong hành vi mua sắm của người dân, khuynh hướng chọn hàng sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại nhập ngày càng tăng; nhiều cấp, nhiều ngành cũng tổ chức sinh hoạt, có quy định về chi tiêu công trong sử dụng mua sắm tiện nghi, máy móc, văn phòng phẩm phục vụ công tác trong cơ quan, có ưu tiên dùng hàng Việt. Tuy nhiên, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn” tổ chức còn hạn chế, phần lớn người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập thấp, sức mua không nhiều; hơn nữa, do tâm lý, thói quen dùng hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá rẻ... đã ăn sâu vào người dân địa phương. Các doanh nghiệp tham gia phiên chợ chưa có sự kết nối, liên kết hợp tác kinh doanh với thương nhân địa phương; chưa nghiên cứu, mở rộng thị trường mà chủ yếu tập trung bán hàng cho người dân địa phương, khi không tổ chức phiên chợ người dân lại quay sang mua các mặt hàng tại những nơi quen thuộc trước đây; chưa kể đến nhiều chợ vùng nông thôn duy trì không đều, hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động phân phối hàng hoá phục vụ nhân dân.
Theo nhận định của các doanh nghiệp đã tham gia Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” trên địa bàn tỉnh: Phần lớn tham gia đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kinh phí khảo sát, nghiên cứu thị trường. Mặc dù có điều kiện để tiếp cận các nhà bán lẻ, các tiểu thương tại địa phương, nhưng đây là thị trường có sức mua thấp, việc xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, cước phí vận chuyển cao, có lãi ít, vì vậy để đồng hành cùng người dân ở nông thôn, vùng sâu, khu vực biên giới rất cần một cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ tỉnh, ngành Công thương trong việc hỗ trợ vốn đề đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán lẻ; có biện pháp quản lý tốt việc nhập lậu hàng hoá từ bên ngoài vào, để các mặt hàng trong nước có điều kiện cạnh tranh và đứng vững trên thị trường nội địa; xử lý nghiêm các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng gây mất lòng tin của nhân dân.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, kể cả trong mua sắm công; thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về tư vấn, định hướng tiêu dùng trong nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ các doanh nghiệp bằng những việc cụ thể về đầu tư, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; đồng thời, tiếp tục tổ chức các chương trình hội chợ, đưa hàng Việt về nông thôn, cụm dân cư vào dịp Tết Nguyên đán năm 2014...
Ý kiến bạn đọc