Chợ nông thôn - hiệu quả và những hạn chế

07:20, 23/07/2013

HGĐT- Chợ là nơi trao đổi mua bán hàng hoá, dịch vụ, cũng là nơi giao lưu văn hóa, tinh thần; là một loại hình thương mại truyền thống được duy trì và phát triển từ thành thị đến nông thôn, với quy mô, đặc điểm riêng từng địa phương.



Chợ Túng Sán (Hoàng Su Phì) được họp theo phiên, hàng hóa khá nhiều giúp bà con có điều kiện trao đổi mua bán.

Để hình thành chợ cần những yếu tố: Người bán, người mua có nhu cầu trao đổi, có địa điểm trao đổi truyền thống hoặc làm mới; chợ được hình thành đều có những tập quán thương mại và nội quy, có khả năng thu hút các dịch vụ khác như hoạt động tín dụng, tiền tệ, thanh toán, du lịch, văn hoá...


Để mạng lưới chợ phát triển đến các xã vùng sâu, xa; năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn đến năm 2015, định hướng năm 2020. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện tỉnh ta có 181/195 xã, phường có chợ, với tổng số 196 chợ các loại, trong đó có 23 chợ thành thị, 1 chợ đầu mối, 5 chợ cửa khẩu, 27 chợ biên giới và 140 chợ nông thôn (CNT). Tổng số hộ kinh doanh tại các chợ khoảng gần 5.000 hộ, tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ lưu thông qua chợ khoảng 90% so tổng lượng hàng hóa dịch vụ lưu thông trên thị trường qua các loại hình phân phối, với các loại hàng hóa chủ yếu: Thực phẩm tươi sống, nông sản khô, sơ chế (hàng nông sản tự sản tự tiêu và kinh tế hộ), hàng tạp hóa, đồ gia dụng, may mặc, giầy dép, vật tư nông nghiệp... Trong hệ thống hiện có, ngoài 44 chợ hoạt động kém hiệu quả, còn lại đều phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương.


Mạng lưới chợ hình thành, đi theo là các hoạt động dịch vụ thương mại phát triển đến các xã, góp phần tích cực trong việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu cho đồng bào vùng sâu, xa, biên giới; đồng thời, thu mua nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Hiện nay, những công việc này chủ yếu được giao cho các Công ty thương mại đóng trên địa bàn do địa phương quản lý. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 10.000 cơ sở hoạt động thương mại, du lịch, khách sạn nhà hàng, trong đó có hơn 90 cơ sở bán buôn, hơn 9.000 cơ sở bán lẻ thuộc mọi thành phần kinh tế, 23 cơ sở do T.Ư quản ly và 6 cơ sở do địa phương quản lý; 05 cơ sở thuộc thành phần kinh tế tập thể, gần 70 cơ sở hỗn hợp và hơn 9.000 cơ sở cá thể.



 Chợ Phương Độ (TPHG) xây xong họp được vài phiên rồi... để không đến nay.

Để hoạt động thương mại, dịch vụ ở các chợ ngày càng phát triển; trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đưa hàng Việt Nam về các CNT, tạo tiền đề cho hàng hóa trong nước chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy thương mại nông thôn phát triển, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng Nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức các đợt bán hàng sản xuất trong nước tại các vùng nông thôn, vùng sâu, xa, ưu tiên các cùng khó khăn, xa trung tâm thị trấn, thị tứ, hàng hóa gồm các nhóm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, có thương hiệu và do các doanh nghiệp (DN) địa phương, trong nước sản xuất như: Lương thực các loại, thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp, máy móc, thiết bị chế biến nông, lâm nghiệp, hàng gia dụng, may mặc... Tại các chợ biên giới, cửa khẩu, nơi có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, được bày bán các loại hàng hóa là sản phẩm do địa phương hoặc các DN trong nước sản xuất có khả năng xuất khẩu, vì thế thu hút được nhiều DN trong nước. Ông Hoàng Văn Long, một tư thương bán hàng tại chợ Xuân Giang (Quang Bình) cho biết: Chợ Xuân Giang là một trong những chợ có nhiều hàng hóa, sản phẩm của địa phương, so với các chợ khác trong vùng thì Xuân Giang có điều kiện trao đổi hàng hóa tốt hơn, vì địa điểm nằm ở ngã ba đường nên phiên chợ nào cũng đông người mua, bán nhộn nhịp, đặc biệt các sản phẩm của địa phương, hàng hóa sản xuất trong nước được bà con rất ưa chuộng, bởi giá cả hợp lý...


Tuy nhiên, vẫn còn những chợ không phát huy được hiệu quả, có những chợ xây dựng quy mô hàng tỷ đồng như Chợ đầu mối Vĩnh Tuy (Bắc Quang), đã nhiều năm, giờ vẫn để không; Chợ Phương Độ được xây dựng cùng thời điểm với Chợ Phương Thiện, nhưng khi khánh thành xong được vài ngày, chẳng có ai... “đến họp”(!) Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Diệu, Bí thư Đảng ủy xã Phương Độ (TPHG), cho biết: Chợ Phương Độ được xây dựng và khánh thành năm 2009, họp được vài phiên rồi cứ thưa dần và đến phiên sau không thấy ai đến bán, mua nữa. Nguyên nhân vì chợ được xây dựng dưới một thung lũng, ít người biết đến, địa điểm chợ đặt không phù hợp. Tới đây, xã sẽ quy hoạch lại chợ ở khu vực phía trên, giáp Quốc lộ 2, sẽ thuận lợi cho người mua và bán hàng hơn...


Có thể nói, việc xây dựng CNT không phải “cứ đặt đâu là được”. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều CNT khi xây dựng xong đều không đáp ứng được yêu cầu của người dân, vì nhiều yếu tố chưa hoặc không phù hợp.


Để CNT phát triển, rất mong các nhà hoạch định chiến lược có những giải pháp giúp người dân mua, bán trao đổi hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra để họ có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống và từng bước xóa nghèo...


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng kết mô hình trình diễn giống ngô lai đơn NK54 và NK 7328
HGĐT- Vừa qua, Trạm Khuyến nông Vị Xuyên, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình trình diễn giống ngô lai đơn NK54 và NK7328 tại xã Phong Quang (Vị Xuyên).
23/07/2013
Mô hình nuôi hươu Sao bán tự nhiên ở Vị Xuyên
HGĐT- Không đơn thuần là chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhím, chim bồ câu hay lợn rừng... Cuối năm 2010, gia đình cô Nguyễn Thị Tuyết, thôn Minh Thành, xã Trung Thành (Vi Xuyên), nhận thấy địa hình, môi trường, khí hậu nơi gia đình ở rất thích hợp với loài hươu Sao. Sau khi bàn bạc với chồng là chú Trần Văn Thành, nguyên là Bí thư xã Trung Thành và nay là Bí thư xã Đạo Đức,
23/07/2013
Góp phần phát triển kinh tế địa phương
HGĐT- Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Quản Bạ đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; có các chính sách, biện pháp phù hợp thu hút được đông đảo nhân dân, các tổ chức kinh tế đến giao dịch. Đặc biệt, luôn chủ động được nguồn vốn cho vay, góp phần không nhỏ vào công cuộc XĐGN của huyện.
19/07/2013
Na Khê xóa nghèo từ khai thác tiềm năng đồng đất và con người
HGĐT- Những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã vùng cao biên giới Na Khê (Yên Minh) có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn xã đã có đến trên 16% hộ khá, giàu; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 32% và không có hộ thiếu đói lương thực trong năm. Để có cuộc sống khấm khá hơn như hiện nay là nhờ xã đã xác định hướng đi trọng tâm để khai thác những tiềm năng, thế mạnh trong sản
17/07/2013