Cây ngô ở Bản Đuốc
HGĐT- Ngô chẳng phải là cây trồng xa lại đối với người dân trên địa bàn tỉnh ta, nhưng chuyện trồng ngô quanh năm với năng suất cao như ở thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong (Bắc Mê) thì không phải nơi nào cũng làm được. Đặc biệt điều này phản ánh sự chuyển biến mạnh mẽ tập quán canh tác của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất và nguồn thu nhập.
Những ruộng ngô bắp to, hạt vàng thẳng tắp đang mang cuộc sống ấm no về cho người dân Bản Đuốc.
“Ở cái bản nhỏ nằm bên dốc núi này, cây ngô xanh tốt quanh năm; người dân trồng ngô lấy hạt làm lương thực, làm nguyên liệu nấu rượu và làm thức ăn chăn nuôi... Ngô trở thành cây trồng giúp người dân vươn lên thoát nghèo”, anh bạn ở Phòng NN &PTNT huyện Bắc Mê đã chia sẻ như vậy khi chúng tôi về thăm Bản Đuốc vào một ngày đầu tháng 7. Còn nhớ trước đây, đường lên Bản Đuốc xa xôi; cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn với nguồn thu nhập ít ỏi từ sản xuất nông nghiệp; cây trồng chính là cây lúa giống địa phương và ngô đồi cao bắp nhỏ, năng suất thấp; đời sống vật chất, tinh thần và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hầu như chưa được chú trọng; 85 hộ dân đồng bào Tày nơi đây đềuthuộc hộ nghèo. Nhưng từ năm 2012, để tạo sự đột phá và nâng cao đời sống cho người dân, huyện Bắc Mê chọn Bản Đuốc làm thôn điểm xây dựng nông thôn mới. Tuy đi sau nhiều thôn khác trong “Đại công trường” nông thôn mới nhưng Bản Đuốc lại có sự bứt phá vô cùng mạnh mẽ. Đến nay, đường bê tông nội thôn cơ bản đã hoàn thành; gần 100% nền nhà trong thôn được cứng hóa và có công trình vệ sinh đạt chuẩn; chuồng trại gia súc di dời xa nhà ở; nhiều ngôi nhà đạt tiêu chuẩn “Nhà sạch, vườn đẹp”; nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp vườn rừng đang được hình thành và phát triển... Đặc biệt mô hình kinh tế “Ngô thâm canh” năng suất cao đã mang lại hiệu quả rõ nét. Người dân Bản Đuốc được tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đưa cây ngô từ đồi cao xuống ruộng; chuyển những thửa ruộng trồng lúa không chủ động về nước sang trồng ngô lai; áp dụng thâm canh để tăng năng suất.
Dẫn đoàn đại biểu của các xã đi tham quan, học tập kinh nghiệm “Trồng ngô quanh năm”, Trưởng thôn Nông Văn Quy cho biết: “Cả thôn có trên 40 ha đất trồng ngô; phần lớn diện tích này đều được trồng ngô quanh năm với giống ngô lai NK4300; năng suất đạt trên 40 tạ/ha, cá biệt có những thửa ruộng ngô lai được chăm sóc tốt có năng suất đạt trên 50 tạ/ha. Ngô trở thành cây trồng được người dân chủ trọng phát triển vì không chỉ đáp ứng nhu cầu về lương thực mà sản phẩm từ ngô còn phục vụ tối đa cho chăn nuôi...”. Được biết ở Bản Đuốc, nhiều gia đình phát triểnchăn nuôi với quy mô trên cả chục con lợn, trâu, bò; sản phẩm của ngô ngoài làm lương thực thì được nấu rượu chăn nuôi lợn, thân cây làm củi đốt, lá cây chăn nuôi trâu, bò... Tất cả các sản phẩm từ cây ngô đều phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế gia đình và trong một thời gian không dài nhưng đã có trên 50% hộ dân ở Bản Đuốc thoát nghèo bền vững. Bởi thế mô hình trồng ngô quanh năm đã trở thành một thói quen trong đời sống của người dân nơi đây.
Lá ngô, một sản phẩm phụ giúp nhiều gia đình ở Bản Đuốc phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt.
Ông Lý Văn Thiện, người nông dân chúng tôi gặp bên ruộng ngô chia sẻ rằng: “Ngoài vụ trồng chính là ngô Xuân, thì ở đây chúng tôi trồng ngô quanh năm; hai vụ trồng ngô lai còn vụ Đông trồng ngô nếp, vừa dễ bán, lại có thể rút ngắn thời gian, đảm bảo khung mùa vụ. Những năm thời tiết không thuận lợi, cây ngô phát triển chậm, không đảm bảo thời gian mùa vụ theo chỉ đạo của chính quyền và ngành chức năng thì chúng tôi trồng xen canh các loại rau màu và trồng gối cây ngô vào vụ sau; đất canh tác ở đây chẳng bao giờ bỏ trống cả...”.
Với cách làm hiệu quả ở Bản Đuốc, có thể dễ dàng làm một phép tính: Tổng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích trồng ngô tăng cao hơn nhiều so với trồng lúa bị hạn trước đây; đồng thời hệ số sử dụng đất được tăng lên đáng kể; tập quán canh tác lạc hậu trước đây đã được thay đổi; năng suất, thu nhập của người dân tăng cao.
Những ruộng ngô vào mùa thu hoạch; bắp to, hạt vàng thẳng tắp... Thành quả ấy không chỉ là thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mang về cuộc sống ấm no cho người dân mà đang góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện.
Ý kiến bạn đọc