Cao Bồ giàu lên từ cây chè và thảo quả
HGĐT- Ai đã từng một lần theo lộ trình Phương Thiện-Cao Bồ hẳn sẽ không quên được con đường đến xã Cao Bồ (Vị Xuyên), một con đường giờ không thể di chuyển bằng ô-tô. Việc lái xe máy qua chặng đường gần 20 km với đủ các loại đá không phải là điều dễ. Đá hiên ngang án ngữ suốt chiều dài con đường như thách thức sự kiên trì, gan dạ của bất cứ ai đặt chân đến Cao Bồ; mảnh đất của loài cây thảo quả và chè Shan tuyết ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển.
PHÁT HUY LỢI THẾ VỀ TÀI NGUYÊN ĐẤT:
Là xã vùng 3 của huyện Vị Xuyên, với địa hình phức tạp, đồi núi dốc, quanh co, hiểm trở nằm dọc hai bên sườn núi Tây Côn Lĩnh. Toàn xã có 709 hộ với 3.730 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, dân tộc Dao chiếm 95%. Ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện thuận lợi để Cao Bồ phát triển chè Shan tuyết và thảo quả... Năm 2011, cả xã có 7 hộ giàu thì nay đã có gần 20 hộ.
Với 20 ha chè đã cho gia đình ông Đặng Văn Minh, thôn Lùng Tao nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Anh Đặng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã nhớ lại: Cách đây 20 năm, có người vào tận bản hỏi mua thảo quả về làm thuốc. Khi ấy, thảo quả có sẵn ở rừng, bà con bỏ sức trèo đèo cao, vượt dốc thẳm là có những gùi thảo quả bán tại nhà với giá 16.000đ/kg. Nhận thấy giá trị của thảo quả, bà con cùng nhau nhân rộng diện tích thành những vùng thảo quả lớn dưới tán cây rừng. Đến nay, toàn xã đã có 630 ha thảo quả, tập trung ở các thôn: Lùng Tao, Tham Vè, Thác Hùng,... Thảo quả đem lại cho nhiều gia đình nguồn thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm, tiêu biểu như gia đình ông: Đặng Văn Minh, Đặng Văn Quân (thôn Lùng Tao). “Năm 2012, thảo quả chịu ảnh hưởng xấu từ những trận mưa đá khiến lượng hoa và quả giảm. Nhưng 630 ha thảo quả vẫn cho thu về trên 80 tấn quả khô, đem lại cho xã nguồn lợi trên 10 tỷ đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, nhất định thảo quả sẽ được mùa”, anh Hà cho biết thêm.
Bên cạnh thảo quả, Cao Bồ còn là vùng đất được huyện chọn làm xã động lực để phát triển cây chè Shan tuyết. Hiện xã có trên 988 ha chè, trong đó có 757 ha chè đã cho thu hoạch. Anh Hà chia sẻ: “Chè Cao Bồ sạch và có vị thơm đặc trưng. Những búp chè xanh óng thế này đảm bảo 100% không sử dụng thuốc hóa học. Ở đây, chè thực sự là cây công nghiệp bền vững, giúp XĐGN. Mỗi năm, chè đem lại cho xã nguồn lợi trên 7 tỷ đồng”.Theo chân anh, lần đầu tiên tôi được “mục sở thị” những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi của gia đình ông Đặng Văn Minh. Đứng dưới đất, tôi phải cố sức ngửa mặt lên trời, nhìn vợ chồng ông “treo” người trên cây, hái những búp chè xanh dưới ánh mặt trời. Ông Minh cười bảo: “Cô thông cảm nhé. Vừa làm vừa nói chuyện thôi. Giờ tụt xuống đất thấy ngại à!”. Hằng năm, gần 6ha chè cho gia đình ông nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Ông bảo, nếu không có rừng thảo quả và chè, không biết cuộc sống của bà con bao giờ mới khá...
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN CẢN TRỞ:
Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, trong thời gian tới, xã tập trung chỉ đạo trồng mới 12 ha chè, 17 ha thảo quả. Tuy nhiên, bài toán nan giảI nhất để nâng cao thu nhập từ cây công nghiệp thế mạnh này tập trung ở đường giao thông nông thôn. Bởi “con đường quyết định mọi vấn đề phát triển KT-XH” như đồng chí Thào Hồng Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh chia sẻ khi tiếp xúc cử tri tại xã. Hiện Cao Bồ mới có 2/22 km đường bê-tông nông thôn, còn lại là đường cấp phối quanh co, rải đầy đá khiến ai cũng phải e ngại khi di chuyển. Mùa thảo quả đến, những cân thảo quả khô được thu mua cũng trải qua rất nhiều khâu trung gian theo kiểu chuyền tay chỉ vì đường đi quá khó. Anh Hà cho biết: “Nếu thảo quả từ thôn xa nhất như Lùng Tao đến được nơi thu mua là Công ty TNHH Hùng Cường đã qua tay một vài thương lái, khiến giá thảo quả giảm qua các khâu vận chuyển. Mặt khác, việc đánh thuế cao khi đưa hàng qua Cửa khẩu Thanh Thủy để xuất sang thị trường Trung Quốc làm thương lái e ngại. Việc áp thuế như vậy khiến ngân sách của tỉnh mất một nguồn thu lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Vì họ sẽ không quản đường sá xa xôi, đem hàng sang tận cửa khẩu Lào Cai để chịu mức thuế thấp hơn”.
Bên cạnh thế mạnh là công nghiệp, Cao Bồ còn là nơi gắn với việc phát triển Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Lùng Tao. Nhưng đường sá đi lại khó khăn khiến Làng văn hóa mãi... chờ khách. Trên con đường từ UBND xã, chúng tôi vượt 9 km để đến Làng văn hóa. Đi qua con đường đá với những đoạn dốc tưởng như chạm đến tầng mây, chúng tôi được thả mình trong nắng, trong gió, ngắm nhìn những dòng thác cao đổ nước trắng xóa. Một dòng suối vừa rộng, vừa dài với những tảng đá cuội đủ kích thước tạo nên một dải suối... đá đầy thơ mộng. Dòng nước xanh trong, uốn mình quanh đá đủ hút hồn du khách. Hơn nữa, ở độ cao trên 1.500m đem lại cho du khách sự thư thái khi tận hưởng bầu không khí trong lành và mát mẻ khi thả bộ leo núi, cảm nhận sự hùng vĩ của đất trời,... Với rất nhiều lợi thế để hút khách đến Làng Văn hóa nhưng: “Những năm trước đã có hàng chục lượt khách đến tham quan. Họ chỉ đến một lần rồi không thấy trở lại. Đường khó, mất khách rồi đấy”, anh Hà ngậm ngùi.
Cuối chiều, tôi rời vùng chè Shan tuyết để trở về thành phố. Bất chợt, trời đổ mưa rào xối xả. Hai bên đường, những cây chè Shan tuyết cố vươn mình đón những hạt mưa để búp chè thêm xanh óng. Mưa về, rừng thảo quả thêm tươi tốt, hứa hẹn sự bội thu vào trung tuần tháng 8. Còn tôi khẽ rùng mình khi nghĩ đến đoạn đường phía trước. Nước từ trên cao bắt đầu chảy xối xả xuống lòng đường lởm chởm đá khiến con đường như dài hơn. Thiết nghĩ, để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Cao Bồ cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền và một cơ chế chính sách linh hoạt hơn...
Ý kiến bạn đọc