Tín dụng vùng cao: “Ba tiêu chí”
HGĐT- Những năm 90, dòng xoáy khởi đầu dữ dội cho một thời kỳ đổi mới đã chỉ đường mở lối. Tôi lên với Đồng Văn, địa đầu cực bắc Tổ quốc. Niềm khao khát về một vùng đất lạ giúp tôi mạnh dạn nộp hồ sơ xét tuyển vào Agribank. Cần trên tay quyết định làm cán bộ tín dụng tại Agribank Đồng Văn, tôi vô cùng phấn khởi. Nhớ ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất cao nguyên đầy gió và rét, bước xuống xe, đứng giữa thị trấn vùng cao nhỏ bé, yên tĩnh, tôi tự hứa với chính mình: Với vùng khó khăn càng phải cố gắng để không phụ lòng Agribank tin tưởng.
Trong tôi, trái tim tuổi hai hai tràn đầy hạnh phúc.
Những ngày đầu làm tín dụng vùng cao, ba tiêu chí: Biết uống rượu, đôi chân không bao giờ được mỏi và nói được tiếng đồng bào dân tộc, cho tôi bao cảm xúc ấn tượng, không bao giờ quên.
Cán bộ tín dụng phải biết uống rượu ngô !
Giám đốc Agribank bảo vậy, ban đầu tôi ngạc nhiên lắm, rồi thắc mắc, sao lại có tiêu chí “biết uống rượu”trong nghề tín dụng ?
Lần đi thu nợ tại một tổ vay vốn, biết các thành viên chần chừ chưa muốn trả, nhiều lần đến với nhiều biện pháp mà không đạt kết quả, tôi hẹn trước Chủ tịch xã. Khi đến đã thấy mọi người đông đủ ngồi trước một mân cơm thịnh soạn, tôi ngỡ ngàng song vẫn đề cập vào công việc, mọi người xua tay: “dẹp”. Chủ tịch xã với khuôn mặt nghiêm nghị tuyên bố: Nợ quá hạn rồi, cứ cho cán bộ Ngân hàng say đi.
Lo không thu nổi nợ, thất vọng với cán bộ cơ sở, tôi đành ngồi vào cuộc, rồi bất ngờ thực sự, trong cuộc rượu mọi người lần lượt trả nợ đầy đủ. Họ bảo tiền ngân hàng cho thêm nhiều bò, nhiều lợn thì phải uống rượu cám ơn cán bộ, chứ không phải họ sợ trả nợ. Cán bộ biết đồng bào nghèo, tài sản không có gì mà dám cho vay tiền thì chẳng có lý do gì không trả nợ.
Hỏi kỹ ra mới biết, nhiều lần đi thu nợ, không có chén rượu hộ vay khó trình bày, khó tập trung các thành viên, cán bộ có nói hộ vay cũng chỉ biết lặng thinh, đành chịu... và tôi hiểu: Nơi vùng núi cao nay, phong tục rồi, đồng bào uống rượu để trao nhau yêu thương, trao nhau niềm tin, cách người ta giải quyết công việc công bằng, hợp lý...
Đôi chân không bao giờ được mỏi!
Bí thư Huyện uỷ Đồng Văn Sùng Đại Hùng nói với tôi trong một chuyến cùng anh đi cơ sở. Chúng tôi đi bằng xe “căng hải” (ngày đấy đi cơ sở 100% là đi bộ) vào với Lũng Thầu, một xã “vùng 3 với nhiều cái không”: không đường, không điện, không hộ khá, giàu... và là điểm trắng chưa có vốn tín dụng đầu tư. Trong tôi lúc đó nhiều lo lắng, bài toán Tín dụng Ngân hàng đang khó. Những ngày đầu ở Lũng Thầu, ghi nhớ lời Bí thư Huyện uỷ: Đôi chân không bao giờ được mỏi, tôi miệt mài đi cơ sở, vào từng thôn bản và tôi nhận ra rằng: Để xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho đồng bào trước tiên phải là vốn và cách làm. Vốn thì Agribank có, bà con dân tộc thiểu số không biết tìm tới vay vốn thì Agribank chủ động tìm bà con đưa vốn. Còn cách làm không thể nói với dân được, phải cầm tay chỉ việc, nuôi con gì, trồng cây gì ...? Tôi chọn ra mỗi xóm một gia đình đầu tư vốn phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế hàng hoá, phù hợp thế mạnh tại địa phương với: Nghề thủ công truyền thống, trồng trọt, chăn nuôi; tham mưu cho chính quyền huyện hỗ trợ lãi suất vay vốn. Vậy thôi mà thành công ngoài mong đợi, các mô hình phát triển, mang lại thu nhập từ 20 triệu - 60 triệu đồng/năm. Lúc đó tôi mừng lắm, bà con trong xã thấy mô hình hiệu quả làm theo. Từ điểm trắng vốn tín dụng Lũng Thầu trở thành xã có dư nợ tín dụng cao nhất nhì huyện phát huy hiệu quả.
Thiết nghĩ, ở mảnh đất khó thì nhiều, dễ chỉ duy nhất là lòng dân, thật thà, cần cù, chịu khó, phải thường xuyên đi cơ sở với giải pháp “bốn cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng nghĩ, cùng làm, là cách tốt cho Agribank khẳng định vị thế và trách nhiệm. Rồi cùng bàn, chỉ cho đồng bào cách làm để phát huy hiệu quả đồng vốn Agribank, xua tan nghèo, đói vươn lên khá, giàu...
Học tiếng Mông mới có thể gần dân !
Lần tôi được đi với bác Sùng Tài Dùng, người cả cuộc đời dành cho việc trồng cây “Đại đoàn kết” trên vùng cao nguyên đá. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước được bác truyền đạt bằng tiếng dân tộc cho đồng bào nghe đến hiểu. Bác nói: Agribank là ngân hàng của nông dân thì phải gần dân,phải thật thà, đặt niềm tin vào họ và muốn vậy tiếng dân tộc là cách tốt nhất ở nơi này.
Bác Dùng hỏi: Thế cậu biết nói tiếng Mông không, bác dạy ?
Tôi khiêm tốn trả lời bác: Có, nhưng cháu mới chỉ biết khoảng 50% thôi.
Bác vỗ vai tôi khen ngợi: 50% là có thể gần dân, dạy nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Những ngày đầu đi cơ sở, trở ngại của tôi là giao tiếp với đồng bào, muốntriển khai công việc thì phải có phiên dịch, mà lúc nào cũng có người dịch đâu, khó vô cùng, giải ngân một khoản vay có khi cả buổi chưa xong, rồi đồng bào tưởng mình làm khó bỏ về... thế là mất một ngày làm việc không hiệu quả, thêm mấy ngày về cơ sở vào dân giải thích.
Giám đốc nói: Chứng chỉ B tiếng Anh của cậu ở đây thì bỏ “sọt rác”, cậu học tiếng Mông cho tôi nhờ.
Tôi quyết tâm học tiếng Mông, tôi học mọi lúc, mọi nơi (kể cả trong mơ tôi vẫn nhảm nhí tiếng Mông). Chẳng có cách học nào tốt bằng học trực tiếp từ chính đồng bào, tôi đã đến nhà, đi chợ phiên, gặp bà con và... học tiếng, rồi tôi nói được tiếng Mông. Lúc đó, thấy tôi nói được tiếng của dân tộc mình đồng bào vui lắm, đặt tên cho tôi là Nỏ Hờ, coi như người thân và mọi công việc đều được giải quyết nhanh, thuận tiện.
- “Nỏ Hờ, thể tiền pinh, lỷ”: Nỏ Hờ trả tiền gốc và lãi này.
- “Nỏ Hờ, can tùlo u chê sua tù nhù”: Nỏ Hờ, ngày mai về nhà mình xem con bò nhá...
Giờ nghĩ lại thấy vui vô cùng, tiêu chí trở thành cán bộ tín dụng vùng cao ngẫu nhiều thêm ba tiêu chí: Biết uống rượu, đôi chân không bao giờ được mỏi và nói được tiếng đồng bào dân tộc...
Hôm nay đây, nơi vùng núi cao này, với nhiệt huyết của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình “mang tiền Chính phủ, cho bản làng vay đủ...”.Khẳng định vị thế và trách nhiệm của Agribank với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tôi thực sự tự hào về Agribank, đã cho một “vùng đất khó”, thậm chí rất khó đổi thay. Những địa danh Sủng Là, Lũng Thầu, Vần Chải, Ma Lé, Lũng Cú... nghe đã thấy rất cao, rất xa và vô cùng gian khó... vậy mà ở đó đang chuyển mình, khởi sắc từng ngày.
Đức Hào
(Agribank Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc