Thực trạng các doanh nghiệp sau cổ phần hóa
HGĐT- Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Sau 15 năm tổ chức thực hiện, đến nay tỉnh ta có 18 doanh nghiệp cổ phần, trong đó có 13 công ty có vốn Nhà nước, 12 công ty đã được bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Dàn máy móc, thiết bị của Công ty Cổ phần In Hà Giang có thể đáp ứng từ 2- 3 lần khối lượng công việc hiện nay.
Sau khi chuyển đổi, hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động hiệu quả, bộ máy quản lý gọn nhẹ, phương thức đầu tư được đổi mới, vốn điều lệ được bổ sung hàng năm, người lao động được làm chủ trong quản lý cũng như trong sản xuất; được chủ động lựa chọn những người có trình độ, kinh nghiệm vào các chức vụ lãnh đạo của công ty nên kết quả hoạt động của một số doanh nghiệp từng bước được phát triển. Đặc biệt là việc làm của người lao động được bố trí ổn định, đời sống công nhân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân người lao động tăng từ 3 - 4 lần so với trước khi cổ phần; doanh thu tăng cao, đến nay các doanh nghiệp cổ phần đã nộp ngân sách Nhà nước gần 195 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 534 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau cổ phần, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn như: Công tác tổ chức quản lý và điều hành các doanh nghiệp theo mô hình mới bước đầu còn bỡ ngỡ, đội ngũ cán bộ, công nhân có chuyên môn và trình độ kỹ thuật, tay nghề còn yếu, thiếu, trang thiết bị không đồng bộ, hết bao cấp, thiếu vốn. Sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp này phải chấp hành nghiêm túc Luật Doanh nghiệp, mặt khác phải chịu tác động tiêu cực với mặt trái của cơ chế thị trường, đã có nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản như Công ty Cổ phần Công nghiệp chế biến Hà Giang, trước khi cổ phần sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm liền, song là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản nên tỉnh vẫn thực hiện cổ phần hóa. Sau khi chuyển đổi, mặc dù đã được tỉnh xử lý rất nhiều về tài chính trong quá trình chuyển đổi song do năng lực quản trị, điều hành của bộ máy quản lý kém, mất đoàn kết, lại phải kế thừa các khoản nợ lớn, Nhà máy sản xuất giấy đế và xưởng bia phải dừng hoạt động, đến nay công ty này chỉ còn... cái tên. Đã từng có thời là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp tỉnh, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang sau khi cổ phần hóa đã có thời gian dài làm ăn hiệu quả, đã có những đóng góp đáng kể cho ngân sách tỉnh, đồng thời giải quyết nhiều yếu tố tích cực về mặt xã hội như giải quyết việc làm, an sinh xã hội... Từ năm 2011 đến nay công ty này cũng rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ, mất đoàn kết nội bộ... tháng 6.2012, công ty phải ngừng hoạt động, gần 200 công nhân của nhà máy phải nghỉ việc, công ty không có lương thanh toán cho người lao động, nợ bảo hiểm xã hội và đến nay Nhà máy đang khôi phục lại hoạt động... Nhìn chung các doanh nghiệp sau cổ phần hoạt động trong các ngành nghề khác nhau đang gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh như: Ưu đãi trong việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chính sách dùng vốn Nhà nước; nhiều công ty có số nợ phải thu của các cơ quan Nhà nước lớn, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư cho sản xuất, kinh doanh như: Công ty Cổ phần Xây dựng số 1, Công ty Cổ phần In, Công ty Cổ phần Văn hóa điện ảnh; Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp; Công ty Cổ phần TMTH và Du lịch Xăng dầu dầu khí Hà Giang...
Ông Lê Công, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần In Hà Giang cho biết: Từ khi doanh nghiệp được cổ phần hóa, ý thức trách nhiệm của người quản lý, người lao động được nâng lên rõ rệt, đã phát huy được tính sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành, sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu in và các dịch vụ giấy, vở trên địa bàn tỉnh, công ty đã đầu tư máy móc hiện đại (khoảng 2 tỷ đồng), tuy nhiên những máy móc này không thể phát huy hết công suất vì thiếu việc làm. Hiện tại công ty có thể đáp ứng từ 2-3 lần khối lượng công việc, vì vậy rất cần tỉnh có quy hoạch phát triển ngành nghề hợp lý, tránh cạnh tranh không lành mạnh; quan tâm ưu tiên việc làm cho các doanh nghiệp có ngành nghề đúng chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tránh thất thoát các nguồn thu đóng góp cho tỉnh, đồng thời để doanh nghiệp yên tâm đầu tư máy móc thiết bị; quan tâm cấp ngân sách các mặt hàng in đã được được tỉnh quyết định; các cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội linh hoạt trong công tác thu – phạt...
Ông Cam Thanh Thiện, Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Hà Giang khẳng định, từ khi cổ phần hóa công ty chấp hành nghiêm túc Luật Doanh nghiệp, các khoản đóng góp cho Nhà nước không bao giờ chậm, tuân thủ sự quy hoạch của tỉnh về phân bố địa lý... Tuy nhiên, công ty liên tục phải thay đổi vị trí, hiện công ty rất cần sự ổn định về mặt bằng để xây dựng trụ sở, yên tâm sản xuất, kinh doanh...
Qua tìm hiểu, hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa trên địa bàn tỉnh ngoài những mặt thuận lợi, đều có những khó khăn riêng theo từng chức năng, ngành nghề của từng đơn vị, rất cần sự quan tâm hơn nữa của tỉnh bằng các cơ chế, chính sách ưu tiên theo đặc thù của từng ngành nghề để họ vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong thời điểm suy thoái kinh tế như hiện nay.
Ý kiến bạn đọc