Rộn ràng mùa lạc Bằng Lang

09:31, 22/06/2013

HGĐT- Đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ngay sáng sớm trên khắp con đường làng, nông dân xã Bằng Lang (huyện Quang Bình) đã tất bật, í ới gọi nhau ra đồng để thu hoạch lạc. Dưới cái nắng hè oi ả, những giọt mồ hôi thấm đẫm nhọc nhằn không làm phai được niềm vui trên gương mặt của mỗi người. Vừa thu hoạch vụ lúa, người dân lại phấn khởi trước một vụ lạc được mùa, được giá.



Niềm vui được mùa lạc của người dân thôn Trung Thành, xã Bằng Lang (Quang Bình).


Bằng Lang là xã trồng lạc nhiều nhất nhì của huyện, vài năm trở lại đây cây lạc đã trở thành hàng hóa. Vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy được trên 300 ha lạc giống L14, những cánh đồng lạc rộng lớn xanh thẫm một màu, từng luống thẳng tắp, xanh mỡ màng báo hiệu một vụ bội thu. Tranh thủ tiết trời tạnh ráo, nhân dân trong xã tấp nập ra đồng thu hoạch lạc. Hoà lẫn trong tiếng nói cười rôm rả, vấn đề được bà con quan tâm bàn tán nhất là giá cả và tình hình thu mua. Câu chuyện càng trở nên hấp dẫn hơn khi chị Lâm, chị Sắm chia sẻ với chúng tôi về những dự định của gia đình chị sau khi thu hoạch nhưbán lạc để có thêm tiền mua quần áo cho các con chuẩn bị vào năm học mới, số tiền còn lại dành dụm để đầu tư tái sản xuất... Những chia sẻ chân chất, mộc mạc của các chị khiến chúng tôi cũng thấy vui lây. Mấy hôm nay, trời đã có mưa nên việc thu hoạch trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ cần nhẹ tay nhổ là từng khóm lạc bật lên khỏi lòng đất. Lạc năm nay rất “sai” củ, nhổ lạc xong, từ người già đến con trẻ đều ngồi tách lạc ra khỏi rễ, phân chia thành từng loại tốt, xấu đổ vào bao. Mấy năm nay, lạc trở thành loại hàng hóa rất được ưa chuộng, chỉ cần nông dân nhổ xong, giũ sạch đất là thương lái đến tận ruộng thu mua. Năm nay, lạc được bán với giá 7.000 - 9.000 đồng/kg lạc tươi, tuỳ loại. Bây giờ, công nghệ thông tin hiện đại đã len lỏi đến từng thôn, xóm, người dân bán nông sản cũng dễ dàng hơn. Một người thu mua cho biết: “Lạc ở đây chất lượng tốt nên được mang đi tiêu thụ khắp nơi, từ các xã vùng thấp, thành phố cho đến miền xuôi. Lạc ngon và đẹp nên hàng bán chạy, nhiều khi không đủ hàng để bán. Để mua được lạc của nông dân, chúng tôi phải hẹn trước, làm ăn phải giữ chữ tín. Vụ sau họ mới lại bán cho mình, đã qua rồi cái thời người trồng lạc phải thu hoạch, phơi khô rồi mang ra chợ bán, người mua lại chê lạc non, lạc già, kỳ kèo bớt một thêm hai”.

 

Ông Sùng Seo Sìn, thôn Khuổi Thè, là một trong những hộ tham gia trồng lạc giống L14 đầu tiên cho biết: “Được cán bộ khuyến nông triển khai, hướng dẫn trồng lạc giống mới, bà con xung phong hăng hái lắm. Giống lạc này sai củ, chắc hạt, vỏ mỏng, chịu hạn tốt mà năng suất đạt 32 đến 36 tạ/ha, gấp đôi so với giống lạc địa phương. Năm đó, bà con mừng rơi nước mắt, nhà tôi trồng 1,3 ha thu được 21 triệu, còn năm nay chắc cũng khá hơn... Ở Bằng Lang bây giờ, mỗi khi vào mùa lạc mọi người lại bận rộn chạy đua với thời tiết để thu hoạch vì nếu chậm trễ, lạc sẽ nảy mầm, gây thất thu. Trồng cây lạc cho thu nhập gấp 2 lần trồng lúa nên bà con “ham” lắm”...

 

Do phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng, giống lạc L14 bây giờ đã được nhân rộng đến các thôn trong xã, người dân tận dụng những diện tích đất soi, bãi ven suối, ruộng 1 vụ sang trồng lạc. Nhà nào cũng đua nhau trồng, trung bình mỗi hộ có 1 ha đến 2 ha đất trồng lạc. Trồng lạc không phải đầu tư nhiều vốn, ít bị sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. So với những loại cây trồng khác, cây lạc có giá trị kinh tế cao nhất từ trước đến nay trên đất Bằng Lang, mang lại thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thậm chí giúp nhiều hộ dân trong xã có điều kiện vươn lên làm giàu. Không khó để nhận ra điều này qua “bộ mặt” nông thôn của xã. Dọc theo trục đường chính hay bên những con đường bê tông sạch đẹp mọc lên ngày càng nhiều những ngôi nhà mới xây kiên cố thay cho nhà gỗ, nhà vách đất. Cây lạc đã “đổi đời” cho người nông dân trong xã, giúp họ có cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tiến Thạch, Bí thư Đảng ủy xã không giấu được niềm vui: “Nhờ lạc, việc thông thương, trao đổi hàng hóa ở xã ngày càng tấp nập. Xã xác định, lạc là một trong 3 loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế, 70% dân trong xã đều trồng lạc, dự tính năm nay toàn xã ước đạt gần 400 tấn, đây là một tín hiệu lạc quan cho người dân và cũng là niềm vui chung của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhờ lạc, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện tại chỉ còn 7,89%”.

 

Lạc được mùa đã góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân và là nguồn động viên tinh thần rất lớn để bà con yên tâm sản xuất, gắn bó thêm với đồng ruộng, quê hương. Đây cũng là một minh chứng xác thực khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, thâm canh tăng vụ của xã đang đi đúng hướng; khích lệ bà con mặn mà hơn với cây lạc và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất.


TRẦN HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì Tổng kết giai đoạn II Dự án tăng cường sự tham gia phát triển KT-XH
HGĐT - Ban điều hành Dự án Plan Hoàng Su Phì (Văn phòng Dự án Plan vùng Hà Giang) vừa tổng kết giai đoạn II (2011-2013) Dự án tăng cường sự tham gia phát triển KT-XH giảm nghèo.
31/05/2013
Hiệu quả mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng thiết bị sản xuất
HGĐT- Cùng với việc khuyến khích hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp phát triển thương hiệu, đăng ký bao bì sản phẩm và đào tạo nghề lao động tại chỗ; những năm qua, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương (KCXTCT) còn hỗ trợ nhiều HTX, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thiết bị máy móc áp dụng vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; nhằm khuyến khích các đơn vị
30/05/2013
Thực hiện dân chủ – “chìa khóa” thành công của các HTX
HGĐT- “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu nói của Bác Hồ đã trở thành “kim chỉ nam” cho mọi sự thành công, không chỉ ở một lĩnh vực nào đó mà ở tất cả mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, VH-XH, AN-QP, bảo vệ và xây dựng đất nước... Từ khi có Luật Hợp tác xã (HTX) mới, tỉnh ta có nhiều HTX ra đời, góp phần không nhỏ vào mô hình kinh tế tập thể,
20/06/2013
Thực trạng các doanh nghiệp sau cổ phần hóa
HGĐT- Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Sau 15 năm tổ chức thực hiện, đến nay tỉnh ta có 18 doanh nghiệp cổ phần, trong đó có 13 công ty có vốn Nhà nước, 12 công ty đã được bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
19/06/2013