Nhiều hộ gia đình sử dụng hiệu quả vốn vay
HGĐT- Trong những năm qua, phường Minh Khai (TPHG) có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế đa thành phần, đa thu nhập, từ những tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm... số hộ khá, giàu của phường ngày một tăng. Để đạt được điều đó, ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự cố gắng của mỗi gia đình còn có động lực hết sức quan trọng đó là đồng vốn của Ngân hàng No&PTNT.
Trang trại nuôi lợn hàng hoá của gia đình anh Trần Văn Cường ngày càng phát triển nhờ đồng vốn vay.
Anh Trịnh Việt Hùng, cán bộ tín dụng của Phòng giao dịch Minh Khai -Ngân hàng No&PTNT tỉnh đưa tôi đi một vòng quanh Tp Hà Giang, anh khoe với tôi: “phường Minh Khai là một trong số những địa bàn có tổng dư nợ lớn lên tới114 tỷ đồng với 1.253 khách hàng, trong đó cho vay đối tượng nông nghiệp, nông thôn là 60 tỷ với 221 hộ, chiếm 53% tổng dư nợ; cho vay tiêu dùng 54 tỷ, chiếm 47% tổng dư nợ. Mặc dù số dư nợ lớn nhưng trong thời gian qua, trên địa bàn lại không có trường hợp dư nợ quá hạn”. Đây là tín hiệu tích cực, chứng tỏ người vay vốn đều đã biết, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả. Để có được những kết quả khả quan trên là nhờ sự cố gắng không chỉ của cán bộ tín dụng Ngân hàng phụ trách địa bàn mà còn nhờ vào những nỗ lực không nhỏ của chính những người vay vốn. Cán bộ tín dụng là người bám sát đồng vốn từ khâu thẩm định dự án, đơn vay vốn của người dân cho đến khâu kiểm tra việc sử dụng đồng vốn, đốc thúc người dân trả lãi, trả gốc đúng hạn và trên địa bàn phường Minh Khai cán bộ tín dụng của ngân hàng đã làm tốt điều đó.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Cường, trú tại tổ 14, phường Trần Phú, là một trong những hộ vay vốn đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi lợn hàng hoá lớn của phường. Anh Cường có hộ khẩu thường trú tại tổ 14, nhưng lại có trang trại với gần 1 ha đất ở thôn Bản Mán, xã Phong Quang (Vị Xuyên). Những năm về trước, khi vay vốn anh không phải là hộ nghèo nhưng chưa có vốn lớn nên cũng chỉ sản xuất, chăn nuôi nhỏ, thu nhập cũng chỉ giúp gia đình đủ ăn chứ chưa khá giả. Năm 2011 - 2012, anh quyết định vay thêm vốn từ Phòng giao dịch Minh Khai - Ngân hàng No&PTNT tỉnh với số tiền 150 triệu đồng. Có vốn anh Cường đầu tư tu sửa, nâng cấp hệ thống chuồng trại, mua thêm lợn giống, lợn nái về nuôi. Đặc biệt, khi có vốn, anh Cường đã mạnh dạn chuyển dần cách nuôi lợn truyền thống từ nấu, pha cám cho lợn ăn sang nuôi theo hình thức cho lợn ăn bằng chế phẩm sinh học, theo hình thức ủ chua. Nuôi bằng cách này vừa nhàn, không tốn tiền thức ăn nhiều nhưng lợn lại lớn nhanh, ít dịch bệnh, chất lượng thịt thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện tại gia đình anh nuôi 200 con lợn, trong thời gian tới anh tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô trang trại lên 400 con.
Ở TP Hà Giang, ngoài việc vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi còn có rất nhiều hộ vay vốn phát triển kinh doanh, dịch vụ. Tại các phường Minh Khai, Trần Phú, Nguyễn Trãi, Ngọc Hà... là những nơi tập trung nhiều hộ sản xuất, kinh doanh hàng hoá và có nhiều hộ vay vốn ngân hàng để phát triển kinh doanh nhất. Hầu hết các hộ kinh doanh ở đây đều đã, đang vay vốn để phát triển kinh tế, họ vay vốn để kinh doanh hàng tạp hoá hay mở quán hàng ăn... tất cả họ đều sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích và cho hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là gia đình chị Vũ Thị Giang, tổ 21, phường Minh Khai vay 1,5 tỷ đồng kinh doanh bán phụ tùng máy xúc, máy ủi, ô tô; cùng tổ với chị Giang còn có anh Kiều Văn Báo, vay 2 tỷ đồng kinh doanh đồ điện nước; chị Bùi Thị Hồ, Bùi Thị Thoa, tổ 5 phường Ngọc Hà vay 150 triệu đồng đầu tư sản xuất chăn nuôi, mua máy nghiền đá đóng gạch bi bán... mỗi năm trừ chi phí để ra cả trăm triệu đồng.
Có thể nói, vốn Ngân hàng No&PTNT đã thực sự là đòn bẩy giúp nhiều hộ dân ở thành phố Hà Giang khai thác được những lợi thế, tiềm năng trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ sẵn có ở địa phương, từ đó giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng.
Ý kiến bạn đọc