Đang về no ấm
HGĐT- Trên quê hương Mèo Vạc hôm nay, thênh thang dạo bước trên những con đường được rải bê tông sạch sẽ, giữa ngào ngạt hương ngô đang độ trổ cờ vút tầm mắt trên sườn núi, hòa trong nhịp sống mới với những ngôi nhà nối nhau mọc lên và chứng kiến sự đổi thay trong cuộc sống người dân mới thấy “bức tranh tươi mới” mang hơi thở ấm no đang về nơi đây.
Đã bao đời nay, người dân ở Mèo Vạc “sống trên đá, chết nằm trong đá” nhưng “vẫn Anh hùng vượt khó đi lên”. Trong sự đổi thay hôm nay, có thể khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những yếu tố quyết định mang lại ấm no cho người dân huyện nghèo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đi một nửa chặng đường và ngần ấy thời gian cũng đủ thấy được bước “đột phá” mang tên “xóa đói, giảm nghèo”. Nếu như trước đây, người dân chỉ biết trông vào cây ngô một vụ, năm được mùa thì no, mất mùa thì đói. Cuộc sống bấp bênh ấy dần đi vào ổn định khi người dân nhận được sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình XĐGN bền vững. Bên cạnh đó, nỗ lực của các cấp chính quyền và nội tại sức dân được phát huy đã tạo ra sự đổi thay nhanh chóng. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn đang ngày càng được nâng cao.
Người dân Mèo Vạc đổi công chăm sóc ngô vụ Xuân – hè.
Với một xuất phát điểm thấp, địa hình núi đá, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nên chuyện đói, nghèo từ lâu không còn xa lạ với người dân Mèo Vạc. Với mục tiêu đẩy lùi cái đói, giảm nghèo một cách bền vững, huyện Mèo Vạc quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những loại cây, con giống có năng suất cao vào nuôi trồng. Triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm tìm ra những loại cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng núi đá đặc trưng. Trên cơ sở hiệu quả của các mô hình, huyện đã đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Tập trung chuyển đổi diện tích trồng ngô địa phương sang trồng ngô lai, phát triển sản xuất các loại cây trồng như: đậu tương, chè, khoai tây...dần thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân. Các giống lúa lai và lúa thuần HT1, giống ngô lai chủ yếu là NK4300, NK54 và DK 9901, giống lạc L14. Đến nay có thể nói rằng, diện tích, sản lượng và năng suất một số cây trồng chính đều tăng. Tính riêng trong vụ xuân – hè năm nay, huyện Mèo Vạc trồng được 10.710,6 ha các loại cây. Trong đó, diện tích lúa xuân đạt 152 ha, cây ngô vụ 1 đạt 7.170 ha, cây đậu tương 1.050 ha và 1.844 ha rau, đậu các loại. Đồng chí Vũ Thành Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: “Bên cạnh sự chủ động của nhân dân trong việc gieo trồng đảm bảo thời vụ, huyện còn tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc các loại cây, tuyên truyền kịp thời lịch thời vụ tới các hộ gia đình. Đồng thời, triển khai các mô hình khảo nghiệm thâm canh ngô giống mới. Thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình sâu bệnh hại, chủ động kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại và kịp thời hướng dẫn nhân dân phòng trừ hiệu quả. Đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đang theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả trên một đơn vị diện tích như áp dụng các phương thức luân canh, góp phần XĐGN một cách rõ rệt”.
Không chỉ đẩy mạnh trồng trọt, huyện còn đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Bởi trên thực tế, với quỹ đất ít, trồng trọt chỉ có thể giải quyết được cái đói còn để phát triển kinh tế nhanh, giúp người dân thoát nghèo bền vững thì chăn nuôi được xem là thế mạnh. Chính vì vậy, huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa thông qua các chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho các hộ gia đình. Bên cạnh đo, còn bảo tồn và nâng cao chất lượng giống bò vùng cao, khôi phục và phát triển đàn ngựa. Năm 2013, huyện chọn con ngựa bạch là con “đột phá” trong chăn nuôi. Hàng năm, thu nhập từ sản phẩm chăn nuôi của các hộ gia đình chiếm hơn 50% tổng thu nhập, góp phần lớn trong việc XĐGN. Đồng thời, huyện còn khuyến khích phát triển nuôi ong lấy mật gắn với vùng trồng hoa bạc hà để duy trì và phát triển thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc. Nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển, chủ động nguồn thức ăn, huyện Mèo Vạc đã tập trung phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đàn gia súc. Chuyển đổi diện tích đất nông, lâm nghiệp chưa sử dụng hoặc đất trồng năng suất thấp sang trồng cỏ, chuyển dần diện tích trồng cỏ voi năng suất thấp sang cỏ VA06 chất lượng và năng suất cao. Do chủ động cùng với hiệu quả thiết thực từ chăn nuôi mang lại đã tạo ra động lực khuyến khích người dân tích cực trồng cỏ chăn nuôi. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm toàn huyện trồng mới từ gần 800 ha cỏ chăn nuôi. Đến nay toàn huyện có 3.984,40 ha cỏ chăn nuôi, đạt 79,69% so với mục tiêu Nghị quyết.
Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, Mèo Vạc đang tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng, phấn đấu diện tích gieo trồng đạt 28.300 ha, sản lượng lương thực đạt 3,4 vạn tấn. Thực hiện chuyển đổi 60% diện tích trồng ngô địa phương sang trồng ngô lai; mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi lên 5.000 ha, trồng 3.700 ha đậu tương, trồng 266,57 ha chè. Tập trung vào gia súc có thế mạnh: trâu, bò và dê, trong đó tổng đàn trâu, bò 38.800 con và dê 45.900 con, duy trì và phát triển đàn ngựa... Với tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện tại còn 50,55% dân số (giảm hơn 6% so với đầu năm 2012) đã một lần nữa minh chứng cho những đổi thay nơi huyện nghèo. Sự “bứt phá” ấy đang là cơ sở cho sự phát triển bền vững trên con đường đổi thay.
Ý kiến bạn đọc