Nhịp sống mới ở Khuôn Lùng

17:26, 20/05/2013

HGĐT- Tháng 5, lúa Xuân đã đỏ đuôi kết thành một dải bám theo triền núi chạy dọc từ thôn Trung Thành lên trung tâm xã Khuôn Lùng (Xín Mần) trông tựa bức tranh đa sắc màu. Bí thư Đảng uỷ xã Khuôn Lùng Hoàng Văn Định hồ hởi: Quê em đang bước vào mùa...


Trưởng thôn Nà Ràng Hoàng Văn Trình dẫn tôi thăm quê, say xưa kể: Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Nà Ràng đã thay đổi gần như toàn bộ. Trong làng, đường bê tông chạy dài qua các ngõ ngách nối liên gia trong ngoài xanh sạch, gọn gàng đẹp mắt. Đến giờ phút này, cả 86 hộ trong thôn đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí “không công trình”. Cả thôn đạt 8/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Trung ương quy định. Phong trào “3 không 5 sạch” được Chi hội phụ nữ thôn thực hiện ngay từ năm 2010 đến nay đã ăn sâu vào đời sống xã hội. Ăn sạch, ở sạch, uống sạch, đã từng bước nâng cao ý thức của mỗi bà mẹ trong gia đình. Còn 5 không là: Không rươụ chè, không cờ bạc... làm thay đổi lối sống của các ông chồng trong mỗi gia đình, họ tộc, làm cho làng trên, xóm dưới quây quần, tình làng xóm thêm êm ấm, yên vui. Anh Trình mải mê đưa đi khắp làng Nà Ràng, xem các ngõ ngách thôn quê, để thấy mùa này lúa đã vàng, rừng thêm xanh, ngõ thì sạch đẹp, chuồng trại gọn gàng ngăn nắp, mới hay cuộc sống miền quê hôm nay thật yên ả, thanh bình.



Công trình mới xây tại Khuôn Lùng trong phong trào Xây dựng Nông thôn mới.
 

Coi trọng xây dựng hạ tầng cơ sở để tạo nền tảng cho sản xuất và lưu thông hàng hoá. Xong, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm được Khuôn Lùng quan tâm đặc biệt. Vụ xuân này xã cấy 96 ha lúa lai bằng các giống San ưu 63, Việt lai 20; trồng 32 ha lạc VL14; tập trung chăn nuôi đại gia súc kết hợp trồng cỏ, lập các mô hình trang trại quy mô hộ, nhóm hộ gia đình. Theo con số báo cáo sơ bộ đến hết tháng 4.2013, toàn xã có tổng đàn gia súc trên 5.500 con, riêng đàn trâu 1.168 con. Để làm đến đâu chắc đến đó, Đảng bộ xã đã giao trách nhiệm cho từng cán bộ trong Ban chấp hành, cho từng Bí thư Chi bộ, cho Trưởng mỗi thôn bản theo dõi, kiểm tra chặt từng giai đoạn từ đầu tư, giống vật nuôi, cây trồng, đến làm chuồng trại, tiêm phòng, kiểm soát giết mổ đối với gia súc, gia cầm. Trong trồng trọt là quan tâm giống, nước tưới và các chế độ chăm bón, giao cho khuyến nông, các Tổ dịch vụ nông, lâm nghiệp trong xã bao quát lo cho dân làm ăn. Ông Lèng Văn Bằng, Trưởng thôn Làng Thượng cho biết: Đối với chăn nuôi, chúng tôi tập hợp dân tổ chức tham quan học hỏi các gia đình làm ăn giỏi trong làng như nhà ông Hoàng Văn Lập ở thôn Nậm Phang, hay nhà anh Hoàng Văn Đạt ở thôn Xuân Hà... Qua các mô hình, qua các bài học hay tại cơ sở đúc rút kinh nghiệm, phổ biến trong làng, trong thôn để nhà nhà cùng tham khảo, cùng làm, cùng trao đổi. Anh Hoàng Văn Đạt tâm sự: Đồng bào đến với gia đình anh được tư vấn cách làm ăn chăn nuôi, được giúp đỡ về con giống. Mong cho mọi nhà đều làm nên, ăn nên, để làng xóm no ấm, yên vui.

 

Phát huy lợi thế về đất đai, sức lao động, học hỏi thêm kinh nghiệm, cách làm của nhiều nơi đem về, nhiều nhà trong xã đã đầu tư chế biến chè chất lượng cao phục vụ tiêu dùng. Hiện nay, hàng chục hộ đầu tư làm chè, trồng chè theo quy hoạch tập trung trang trại tại thôn Phiêng Lang. Với trên 300 ha chè, mỗi năm cung cấp hàng ngàn tấn chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu và chè xanh Phiêng Lang hiện đang là mặt hàng được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, hướng trồng rừng kinh tế liên doanh với doanh nghiệp hiện nay đang trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn tại Khuôn Lùng. Năm qua, trồng được 21,5 ha rừng keo, xoan, mỡ. Năm nay, hướng làm đó được nhân rộng ra toàn xã với 6 thôn bản. Có thể nói, muốn xây dựng thành công Nông thôn mới hay làm bất cứ việc gì thì trước nhất phải làm được kinh tế, cho thu nhập cao trước đã. Và kết quả của một quá trình làm ăn được đánh dấu bằng thu nhập toàn dân trong xã năm 2012 là 11 triệu đồng/người/năm. Năm nay, Khuôn Lùng phấn đấu lên 12 hoặc trên 13 triệu đồng/người/năm. Từ đó, huy động đóng góp công, tiền của để làm đường bê tông, làm chuồng trại và các công việc khác. Riêng năm ngoái nhân dân trong xã vừa hiến đất đai, vừa góp công, của, làm trên 5 km đường giao thông. Hết năm 2012, qua khảo sát đánh giá đã hoàn thành 8/19 tiêu chí theo quy định. Mục tiêu phấn đấu từ nay đến hết năm phải hoàn thành về cơ bản các chỉ tiêu đề ra trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.

 

Rời Khuôn Lùng giữa ngày hè rực nắng, tôi nhận thấy nhịp sống mới đã và đang làm thức dậy mọi nguồn tiềm năng về đất đai, sức lao động và trí tuệ của của một vùng quê thanh bình.

 


NGUYỄN HÙNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xi măng Hà Giang – niềm vui trở lại!
HGĐT - Sau gần một năm tạm dừng hoạt động (từ tháng 4.2012), ngày 18.4.2013, Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang chính thức trở lại hoạt động, với sự điều hành của HĐQT, Ban giám đốc khóa mới, nhiệm kỳ 2011 -2016.
30/04/2013
Mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp ở Quang Bình
HGĐT - Trong những năm gần đây, sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Quang Bình có những bước chuyển biến và phát triển rõ nét mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để có được những kết quả đó có sự chỉ đạo về cơ cấu tổ chức ngành nông, lâm nghiệp một cách hợp lý, khoa học kỹ thuật được chuyển tải đến người dân một cách kịp thời, sự phối hợp liên kết giữa “4 nhà” được chặt chẽ. Đặc biệt
30/04/2013
Nông dân thành phố Hà Giang phát triển kinh tế bền vững
HGĐT - Để hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2013 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, đặc biệt là công tác chuyển đổi 30 ha diện tích đất trồng rau, tạo thành vành đai thực phẩm cũng như tiếp tục phấn đấu xây dựng 14/25 thôn đạt tiêu chí Nông thôn mới (NTM); đến nay, chương trình này thực sự đi vào cuộc sống và tạo sức lan tỏa sâu, rộng.
30/04/2013
Đường Âm phát triển trồng cỏ chăn nuôi gia súc hàng hóa
HGĐT - Chúng tôi đến thăm xã Đường Âm vào một ngày mưa bay dưới tiết trời xuân se lạnh. Dọc hai bên đường vào UBND xã là cả một mầu xanh biếc của cây cỏ, loại cỏ mà người dân nơi đây không chỉ trồng làm nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc, mà còn tận dụng nguồn cỏ này làm hàng hóa cung cấp cho các xã lân cận. Được biết, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng
30/04/2013