Ngô... thay lúa trên đồng đất Bắc Mê

10:36, 25/05/2013

HGĐT- Thôn Bản Loan (xã Yên Định) dưới cái nắng nóng tháng 5 kéo dài, cỏ cây đổi sắc, nhưng những thửa ruộng ngô, lạc sắp vào mùa thu hoạch vẫn phấp phới lên xanh. Đó là thành quả bước đầu trong thực hiện “chiến dịch” ngô... thay lúa, chuyển những diện tích lúa không chủ động về nước sang các loại cây trồng khác năng suất cao, chống hạn và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Bắc Mê.



Cánh đồng ngô thôn Bản Loan sắp vào mùa thu hoạch, mô hình thành công trong chuyển đổi cây trồng ở Bắc Mê.


Toàn xã Yên Định có tổng diện tích gieo trồng lúa Xuân năm nay là 109,5 ha, năng suất lúa bình quân đạt 53,25 tạ/ha. Mặc dù là một xã nằm dọc Quốc lộ 34, địa hình tương đối thuận lợi, nhưng nhiều thôn bản như Bản Loan, Nà Han, Nà Yến, Nà Khuổn... lại có nhiều diện tích đất nông nghiệp không chủ động về nước. Trong số trên 50 ha diện tích đất trồng lúa của 4 thôn này, có tới trên 23 ha diện tích không chủ động được nguồn nước, thường xuyên chịu khô hạn, mất mùa khi nắng nóng kéo dài. Còn nhớ mấy năm trước, nắng to, kéo dài, riêng cánh đồng lúa thôn Bản Loan có đến trên 11 ha diện tích phải chịu hạn, đất nẻ hoác xé ngang cả khóm lúa đang thì con gái. Đoàn cán bộ ngành Nông nghiệp, lãnh đạo các cấp tích cực dùng mọi biện pháp để chống hạn cho lúa nhưng không có nguồn nước, đành phải cầu trời cho mưa, rồi nhìn thành quả của bà con héo dần theo cái nắng chói chang mà xót... Thực hiện chủ trương của huyện về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích lúa không chủ động nước sang các loại cây trồng khác cho năng suất cao, chống hạn, tránh mất mùa khi thời tiết không thuận lợi; hơn 3 năm nay, xã Yên Định đã chủ động tuyên truyền người dân các thôn chuyển đổi được trên 10 ha diện tích lúa Xuân sang trồng ngô, lạc và các loại cây rau màu khác. Ngay năm đầu tiên thử nghiệm mô hình, năng suất ngô tại số diện tích này đạt trên 35 tạ/ha; cá biệt như năm 2011, năng suất ngô lên tới 45 tạ/ha. Tổng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích trồng ngô cao hơn nhiều so với trồng lúa bị hạn trước đây. Chị Nguyễn Thị Thế, người dân thôn Bản Loan phấn khởi “khoe” khi dẫn chúng tôi thăm ruộng ngô sắp vào mùa thu hoạch: “Trước đây, năm nào nắng gắt kéo dài thì việc làm cỏ, vun gốc chống hạn cho lúa cũng chẳng ăn thua, người dân chỉ biết nhìn lúa héo dần mà tiếc của. Vùng này, hệ thống kênh mương tưới tiêu tuy đã được quan tâm, nhưng nguồn nước khan hiếm. Nước nguồn từ các khe suối trên núi lại xa, chưa dẫn về được nên hạn thì coi như mất trắng. Từ ngày chuyển đổi sang trồng ngô, lạc... giống địa phương nhưng bắp to, dài, năng suất rất cao, có khi còn cao hơn cây ngô trồng ở những vùng khác. Nhiều gia đình trồng ngô nếp, bán được giá thì thu nhập còn nhiều nữa... Người dân mừng lắm. Mấy hôm nay nắng to, nhưng ngô, lạc đã sắp thu hoạch rồi, giờ thì không phải lo mất mùa nữa...”.Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa không chủ động nước ở xã Yên Định là mô hình hiệu quả, giúp tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần xây dựng thành công các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn. Triển khai đồng bộ mô hình này, hiện tại toàn huyện Bắc Mê đã thực hiện chuyển đổi được trên 30 ha đất trồng lúa không chủ động nước sang trồng các loại cây lương thực, hoa màu khác, tập trung ở các xã như: Yên Định, Lạc Nông, Yên Phong, Yên Phú... tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của người dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa.

 

Ông Lê Đỗ Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Định, cho biết: “Toàn xã hiện đã chuyển đổi được trên 10 ha diện tích lúa Xuân không chủ động nước sang trồng ngô, lạc và các cây rau màu khác. Việc chuyển đổi cây trồng và chủ động gieo trồng đúng khung mùa vụ đã làm chuyển biến rõ nét tập quán canh tác cũ của người dân nơi đây, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, xã sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân ở các thôn khác tích cực chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nước còn lại, tránh mất mùa, thất bát khi thời tiết không thuận lợi...”.

 

Đi giữa cánh đồng ngô lên cao quá đầu người, nhìn thấy thành quả lao động của người dân sắp đến ngày thu hoạch, những bắp ngô to, dài, đầy hạt...như một thứ “giải khát” xua đi cái nắng chói gắt những ngày qua.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông dân thành phố Hà Giang phát triển kinh tế bền vững
HGĐT - Để hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2013 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, đặc biệt là công tác chuyển đổi 30 ha diện tích đất trồng rau, tạo thành vành đai thực phẩm cũng như tiếp tục phấn đấu xây dựng 14/25 thôn đạt tiêu chí Nông thôn mới (NTM); đến nay, chương trình này thực sự đi vào cuộc sống và tạo sức lan tỏa sâu, rộng.
30/04/2013
Đường Âm phát triển trồng cỏ chăn nuôi gia súc hàng hóa
HGĐT - Chúng tôi đến thăm xã Đường Âm vào một ngày mưa bay dưới tiết trời xuân se lạnh. Dọc hai bên đường vào UBND xã là cả một mầu xanh biếc của cây cỏ, loại cỏ mà người dân nơi đây không chỉ trồng làm nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc, mà còn tận dụng nguồn cỏ này làm hàng hóa cung cấp cho các xã lân cận. Được biết, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng
30/04/2013
Xi măng Hà Giang – niềm vui trở lại!
HGĐT - Sau gần một năm tạm dừng hoạt động (từ tháng 4.2012), ngày 18.4.2013, Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang chính thức trở lại hoạt động, với sự điều hành của HĐQT, Ban giám đốc khóa mới, nhiệm kỳ 2011 -2016.
30/04/2013
Động lực giúp nông dân Quang Bình làm giàu
HGĐT- Trở lại Quang Bình công tác, và điểm dừng chân đầu tiên là xã Vĩ Thượng; biết chúng tôi quan tâm đến những mô hình trang trại, Chủ tịch UBND xã Vũ Mạnh Tiềm đã xung phong dẫn đường. Suốt chuyến đi, anh luôn kể về những tấm gương làm kinh tế giỏi, những gia đình thoát nghèo và làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại (KTTT) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
23/05/2013