Hiệu quả mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng thiết bị sản xuất
HGĐT- Cùng với việc khuyến khích hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp phát triển thương hiệu, đăng ký bao bì sản phẩm và đào tạo nghề lao động tại chỗ; những năm qua, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương (KCXTCT) còn hỗ trợ nhiều HTX, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thiết bị máy móc áp dụng vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; nhằm khuyến khích các đơn vị có định hướng phát triển kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất chè đen của HTX Tiến Thành.
Hiện nay, nhiều HTX, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn áp dụng các kỹ thuật, máy móc lạc hậu, sản phẩm còn nhiều hạn chế về chất lượng, mẫu mã..., như HTX Tiến Thành, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) sản xuất, chế biến chè đen theo phương pháp cổ truyền, không đem lại giá trị kinh tế cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Nhận thức được vấn đề này, Trung tâm KCXTCT đã tìm hiểu công nghệ chế biến chè đen theo phương pháp nhiệt luyện, tạo ra sản phẩm chè đen chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Sau khi nghiên cứu, Trung tâm phối hợp với HTX Tiến Thành, thành lập Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè đen” với số tiền được hỗ trợ 120 triệu đồng từ nguồn kinh phí Khuyến công Quốc gia 2012. Thành công của mô hình đã đem lại chocho HTX Tiến Thành sản phẩm chè đen chất lượng tốt, nước mầu vàng, không có vị hăng, khi uống có vị ngọn, thơm của chè... Từ đó, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm trồng chè.
Trung tâm còn hỗ trợ Công ty TNHH Gia Long, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) lập Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến miến dong” với số tiền được hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn kinh phí Khuyến công địa phương. Dong giềng là loại cây nông nghiệp rất dễ trồng và phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, người dân trồng dong giềng từ trước tới nay chỉ phục vụ chăn nuôi là chính, một số hộ lấy bột theo phương pháp thủ công nên giá trị kinh tế mang lại không cao nên người dân chưa quan tâm nhiều trong phát triển loại cây này. Tuy nhiên, từ khi có hệ thống dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Gia Long, miến dong trở thành sản phẩm có giá trị trên thị trường, cây dong giềng mang lại nguồn thu nhập cao hơn so các cây trồng khác như lúa, ngô. Đồng thời, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Từ hiệu quả 2 mô hình, năm 2013, với nguồn kinh phí Khuyến công địa phương hỗ trợ 440 triệu đồng; Trung tâm KCXTCT tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, hỗ trợ 8 đề án, trong đó có 6 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất, 2 đề án hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, Trung tâm đang triển khai hỗ trợ 3 mô hình: Sản xuất trà xuất khẩu của công ty TNHH 1 thành viên Long Trà, Bắc Quang; Chế biến thức ăn gia súc của HTX Phúc Giang, thành phố Hà Giang; Sản xuất gạch hóa thạch của HTX Anh Lan, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) với tổng kinh phí 610 triệu đồng từ nguồn kinh phí Khuyến công Quốc gia. Các đề án được hỗ trợ đều phát huy hiệu quả sản xuất, phát triển kinh doanh.
Hằng năm, Sở Công thương đều có văn bản hướng dẫn Phòng Công thương các huyện, các đơn vị sản xuất công nghiệp nông thôn làm hồ sơ đăng ký xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất. Để đủ điều kiện hỗ trợ, doanh nghiệp, HTX cần phải có năng lực tổ chức thực hiện; đề án có khả năng nhân rộng. Khi xây dựng đề án phải được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng tình, ủng hộ; các sản phẩm sản xuất ra được sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương. Hơn nữa, sản phẩm sau khi được hỗ trợ ứng dụng máy móc phải có chất lượng và giá trị cao.
Ý kiến bạn đọc