Cần có giải pháp cho ngành chè phát triển

17:08, 17/05/2013

HGĐT - Với trên 17.000 ha chè chủ yếu là chè Shan tuyết, do vậy Hà Giang là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 3 trong toàn quốc chỉ sau các tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên. Theo đánh giá từ các nhà khoa học, cây chè Shan tuyết đã làm nên bản sắc đậm nét Hà Giang trong lòng đất nước. Vậy làm gì để cây chè ngày càng phát triển và đời sống của hàng vạn hộ nông dân được nâng cao nhờ cây chè vẫn là câu hỏi đặt ra bấy lâu nay?


Những mô hình hay:

 

Nổi lên gần đây nhất là sản phẩm chè của HTX chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) với sản phẩm Phìn Hò Trà. Năm 2012, HTX này đã thu hái, chế biến và bán ra thị trường trong cả nước trên 50 tấn chè thành phẩm, mang lại doanh thu trên 4 tỷ đồng. Với 45 xã viên, mỗi xã viên có thu nhập bình quân từ 45 đến 50 triệu đồng/năm và bản thân họ cùng góp vốn, góp vườn chè trên 400 ha và cùng sản xuất, cùng chia lợi nhuận... đã tạo cho sản phẩm Phìn Hò Trà trở thành thương hiệu được ưa chuộng trên thị trường trong nước. Trong 4 tháng đầu năm 2013, cơ sở này đã thu hái, bán ra trên 10 tấn chè thành phẩm, mang lại doanh thu không hề nhỏ đối với HTX. Mới đấy nhất, được sự giúp đỡ của Phòng NN&PTNT (Hoàng Su Phì), HTX Phìn Hồ đã cải tiến cách đốn cành, chăm bón khoa học, tạo bước đi mới trong việc thâm canh cây chè và nâng cao năng suất gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống trước kia. Chủ nhiệm HTX Phìn Hồ, anh Triệu Vàn Mềnh cho biết: Mới bước vào làm chè vài năm nay nhưng HTX đã biết tập hợp các xã viên lại để quy gom vùng nguyên liệu (VNL) , quyên góp vốn để làm ăn. Có nguyên liệu, có vốn, và “chung” mục tiêu làm ăn đã tạo cho sản phẩm chè của HTX làm ra ngày một chất lượng hơn trước khi tới tay người tiêu dùng. Điều đó, đã tạo cho HTX Phìn Hồ với sản phẩm chè Shan tuyết Phìn Hò Trà phát triển không ngừng và đứng vững trên thị trường đầy cạnh tranh hiện nay.


Tại huyện Xín Mần, HTX chè Chế Là được thành lập bởi các thành viên là xã viên HTX góp vốn để trồng, chế biến, tiêu thụ chè Shan tuyết lá nhỏ tại xã Chế Là. Tuy mới thành lập và có mặt trên thị trường vài năm gần đây, nhưng chè Chế Là đã đi vào lòng người tiêu dùng với một dấu ấn tốt, đó là chất lượng tuyệt hảo. Tại đây, sự thống nhất trong đầu tư VNL, thu hái chè búp, chế biến sản phẩm... được tuân thủ theo quy trình nhất định. Cho nên, toàn bộ sản phẩm làm ra được kiểm soát chặt, được phân phối thống nhất làm thành thương hiệu trên thị trường.

 

Tương tự 2 mô hình trên là cơ sở làm chè truyền thống từ trước đến nay tại doanh nghiệp chè của Công ty cổ phần chè Hùng An. Với trên 200 cổ đông, sở hữu gần 245 ha chè, cùng dây truyền chế biến chè khá hiện đại, mỗi năm Công ty chế biến, xuất khẩu hàng trăm tấn chè thành phẩm. Giám đốc Công ty Nguyễn Đình Mạnh cho biết: Sự bền vững của đơn vị và sống nhờ cây chè vài chục năm nay là nhờ có vùng nguyên liệu ổn định. Sản xuất được hay không, thành hay bại chính là nhờ vào sự ổn định nguyên liệu đầu vào. Không có đầu vào ổn định, thì không cơ sở làm chè nào dám đầu tư chiều sâu cho chế biến. Năm 2012 vừa qua, mặc dù thị trường chè có nhiều biến động, song doanh thu của Công ty chè Hùng An vẫn đạt gần 30 tỷ đồng, đời sồng người lao động đảm bảo, uy tín chất lượng trên thương trường không hề giảm sút...

 

Cần có giải pháp cho ngành chè phát triển:

 

Đầu tháng 5.2013, tại một Công ty làm chè tầm cỡ trên địa bàn tỉnh đứng chân tại huyện Vị Xuyên cho rằng, họ đang bị tranh mua, tranh bán nguyên liệu chè búp cho chế biến tại các xã Cao Bồ, Thượng Sơn... Cũng có cơ sở làm chè khá lâu năm tại huyện Bắc Quang bị cơ quan chức năng cưỡng chế thi hành án vì rất nhiều lý do liên quan. Điểm lại trong 13 doanh nghiệp, trên 400 cơ sở làm chè của tỉnh cho thấy hầu hết họ không hề có VNL riêng, không hề đầu tư xây dựng hoặc hỗ trợ xây dựng VNL cho riêng mình. Khi được hỏi về quá trình thu mua chế biến, họ cho rằng mua trôi nổi trên thị trường trong tỉnh, giá lên thì mua lên, và ngược lại. Bởi thế thị trường thu mua nguyên liệu chè búp trong tỉnh mới có hiện tượng lúc thì rầm rộ lên giá, lúc thì ế ẩm không có người thu mua. Hệ quả là các sản phẩm chè trong tỉnh hiện nay trên thị trường nhiều nhãn mác, nhiều sản phẩm. Còn về chất lượng chè sau chế biến hiện nay cũng rất khó xác định đâu là các sản phẩm có chất lượng tốt.

 

Sau nhiều năm, tỉnh ta đã đầu tư rất nhiều tiền của cho phát triển cây chè nguyên liệu và đến thời điểm hiện nay có thể tạm dừng đầu tư cho VNL để chúng ta xem xét khả năng đầu tư chiều sâu cho các cơ sở sản xuất chè có giải pháp làm ăn bài bản để họ tạo ra sự ổn định cho ngành chè phát triển bền vững. Đầu tư hỗ trợ cho các cơ sở làm chè chất lượng cao đủ mạnh sẽ là lời giải cho bài toán phát triển cây chè truyền thống của tỉnh ngày một bền vững trong thị trường cạnh tranh, hội nhập hiện nay.

 


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xi măng Hà Giang – niềm vui trở lại!
HGĐT - Sau gần một năm tạm dừng hoạt động (từ tháng 4.2012), ngày 18.4.2013, Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang chính thức trở lại hoạt động, với sự điều hành của HĐQT, Ban giám đốc khóa mới, nhiệm kỳ 2011 -2016.
30/04/2013
Nông dân thành phố Hà Giang phát triển kinh tế bền vững
HGĐT - Để hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2013 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, đặc biệt là công tác chuyển đổi 30 ha diện tích đất trồng rau, tạo thành vành đai thực phẩm cũng như tiếp tục phấn đấu xây dựng 14/25 thôn đạt tiêu chí Nông thôn mới (NTM); đến nay, chương trình này thực sự đi vào cuộc sống và tạo sức lan tỏa sâu, rộng.
30/04/2013
Mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp ở Quang Bình
HGĐT - Trong những năm gần đây, sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Quang Bình có những bước chuyển biến và phát triển rõ nét mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để có được những kết quả đó có sự chỉ đạo về cơ cấu tổ chức ngành nông, lâm nghiệp một cách hợp lý, khoa học kỹ thuật được chuyển tải đến người dân một cách kịp thời, sự phối hợp liên kết giữa “4 nhà” được chặt chẽ. Đặc biệt
30/04/2013
Đường Âm phát triển trồng cỏ chăn nuôi gia súc hàng hóa
HGĐT - Chúng tôi đến thăm xã Đường Âm vào một ngày mưa bay dưới tiết trời xuân se lạnh. Dọc hai bên đường vào UBND xã là cả một mầu xanh biếc của cây cỏ, loại cỏ mà người dân nơi đây không chỉ trồng làm nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc, mà còn tận dụng nguồn cỏ này làm hàng hóa cung cấp cho các xã lân cận. Được biết, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng
30/04/2013