Trên công trường xây dựng Nhà máy Quặng sắt vê viên
HGĐT - 350 công nhân của các đơn vị thi công Nhà máy quặng sắt vê viên(KCN Bình Vàng) đón Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4) và Ngày Quốc tế lao động (1.5) bằng khí thế thi đua lao động sôi nổi trên công trường. “Mỗi ngày qua đi, lại có thêm khối lượng lớn công việc được hoàn thành từ sức trẻ, lòng nhiệt huyết, từ bàn tay cần mẫn, óc sáng tạo của người lao động” - ông Đào Quang Hải, Phó Giám đốc Nhà máy quặng sắt vê viên chia sẻ!
NHÀ MÁY LỚN NHẤT NƯỚC:
“Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà máy quặng sắt vê viên của Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông (Tập đoàn Hoà Phát), xây dựng tại KCN Bình Vàng được đánh giá có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam” - Phó Giám đốc Đào Quang Hải vừa đưa tôi đi thực tế công trường, vừa khẳng định như vậy. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 7,6 ha, tổng vốn đầu tư 340 tỷ đồng, công suất 300 nghìn tấn quặng vê viên/năm. Đây là một dự án lớn, trọng điểm, được đầu tư, xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất sắt của Tập đoàn Hoà Phát. Đồng thời, nó cũng phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu, tập trung cao hàm lượng chất xám, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của tỉnh.
Hàng nghìn tấn sắt thép, thiết bị Nhà máy đã được lắp đặt.
Triển khai các hoạt động đầu tư vào Hà Giang từ nhiều năm trước, Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông hiện có 2 nhà máy chế biến tinh quặng sắt tại Vị Xuyên và Minh Sơn (Bắc Mê) đã đi vào hoạt động. Từ năm 2010 đến nay, nguồn quặng thô khai thác tại mỏ sắt Tùng Bá (Vị Xuyên) và Sàng Thần (Minh Sơn - Bắc Mê) được đưa vào tuyển luyện tại 2 nhà máy trên, sau đó vận chuyển về Hải Dương phục vụ hoạt động sản xuất sắt, thép của Tập đoàn Hoà Phát. Nhưng, đến tháng 8 năm
Nhà máy quặng sắt vê viên được khởi công xây dựng từ tháng 8.2012, đến nay tiến độ lắp đặt thiết bị đạt 60%. Các hạng mục như hệ thống phòng sấy khô, phòng tạo viên, máy bắn ngược, máy nghiền than... là những phần việc quan trọng, then chốt đã hoàn thành 80% khối lượng; phần xây dựng cơ bản đã hoàn thành. Sau 8 tháng thi công, khoảng 3 nghìn tấn sắt, thép thiết bị được vận chuyển đến công trường và được lắp đặt chính xác, đạt yêu cầu đề ra. Thành quả này, trước hết thuộc về người lao động của các nhà thầu thi công, họ đang ngày đêm bám sát công trường, đem sức trẻ, lòng nhiệt huyết, óc sáng tạo để hoàn thành tốt từng hạng mục công việc.
Công nhân nhà thầu Lilama hoàn thiện chi tiết lắp máy.
Hiện tại, trên công trường luôn có khoảng 350 công nhân của các nhà thầu thi công, cùng nhiều thiết bị hỗ trợ đang gắng sức thi đua, đưa nhà máy vào hoạt động đúng kế hoạch. Tham gia xây dựng Nhà máy quặng sắt vê viên hiện đại nhất Việt Nam là một đội ngũ hùng hậu các kỹ sư, chuyên gia của các nhà thầu lớn như: Nhà thầu lắp máy Lilama; nhà thầu chuyên lắp nhà thép Thiên Trường; nhà thầu xây dựng Thăng Long, Nam Sơn; nhà thầu thiết kế, cung cấp thiết bị Công ty TNHH An Di (Trung Quốc). Hệ thống máy móc chủ lực được Công ty TNHH An Di thiết kế riêng cho Nhà máy quặng sắt vê viên, trên cơ sở đó nhà thầu Lilama đảm nhiệm phần lắp đặt thiết bị. Đối với phần việc quan trọng này, nhà thầu An Di đã cử 6 chuyên gia giàu kinh nghiệm sang giám sát. Ông Lý Dương, chỉ huy trưởng nhà thầu An Di tại công trường cho biết: Công ty cử mỗi chuyên gia đảm trách chuyên một phần việc quan trọng của quy trình lắp máy nên đạt tiến độ, các chi tiết đều đảm bảo độ chính xác cao.
Cùng với lực lượng chuyên gia, kỹ sư của các nhà thầu, hàng chục kỹ sư trẻ của Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông cũng luôn có mặt 24/24h trên công trường. “Nhằm đảm bảo tiến độ, chúng tôi đã tổ chức lao động bằng cách chia nhỏ từng bộ phận, gắn với trách nhiệm người đứng đầu nên tất cả đều vận hành nhịp nhàng. Hơn nữa, đây là dự án trọng điểm nên mỗi cán bộ, kỹ sư, chuyên gia đều tận tuỵ với công việc” - Phó Giám đốc Đào Quang Hải chia sẻ thêm. Điều thuận lợi trong triển khai dự án này là, phía chủ đầu tư đã điều động về đây đội ngũ hùng hậu các kỹ sư trẻ, được đào tạo bài bản tại nhiều trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, nhiều người từng là giám đốc quản lý các nhà máy, dự án lớn nên nhiều phần việc, chi tiết lắp ráp khó đều thực hiện đạt yêu cầu.
Ngừng tay làm việc, kỹ sư Silicat Mai Văn Bắc người từng đảm nhiệm vai trò giám đốc 3 nhà máy sản xuất xi măng cho biết: Việc xây dựng nhà máy quặng sắt vê viên với quy mô, công nghệ lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam đòi hỏi mỗi lao động từ công nhân, kỹ sư, chuyên gia luôn phải phát huy cao độ tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính sáng tạo. Trên công trường xây dựng này, chúng tôi đã làm được điều đó, ở đây không có sự phân biệt giữa đội ngũ lao động của các nhà thầu, tất cả mọi người đều hướng đến mục tiêu chung, đưa nhà máy vào hoạt động đúng tiến độ. Và điều đó là minh chứng, khẳng định sự đồng lòng, quyết tâm, óc sáng tạo của người lao động sẽ làm lên tất cả.
Chia tay những người lao động trên công trường xây dựng Nhà máy quặng sắt vê viên lớn nhất nước, khi ánh chiều chạng vạng. Trong bóng tối nơi núi rừng đang bao phủ, từng ánh sáng phát ra từ những que hàn như ánh sao bừng sáng trên trời đêm khiến tôi luôn cảm phục tinh thần, nghị lực của người lao động. Trở về thành phố, đúng lúc mọi người bắt đầu kỳ nghỉ dài ngày nhân dịp Lễ 30.4 và 1.5, tôi thấy vui khi nghĩ đến những công nhân, kỹ sư, chuyên gia đang miệt mài lao động trên công trường, họ đón ngày lễ bằng việc làm thật ý nghĩa!
Ý kiến bạn đọc