Nông dân thành phố Hà Giang phát triển kinh tế bền vững
HGĐT - Để hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2013 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, đặc biệt là công tác chuyển đổi 30 ha diện tích đất trồng rau, tạo thành vành đai thực phẩm cũng như tiếp tục phấn đấu xây dựng 14/25 thôn đạt tiêu chí Nông thôn mới (NTM); đến nay, chương trình này thực sự đi vào cuộc sống và tạo sức lan tỏa sâu, rộng.
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các xã, phường tăng cường tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo. Trong phát triển kinh tế, chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình trang trại, gia trại, các mô hình giúp nhau phát triển sản xuất, ngành nghề, kinh doanh hợp pháp... Bằng các giải pháp đột phá, thời gian gần đây thành phố ngày càng có nhiều điển hình với những mô hình kinh tế hiệu quả.
Theo chân ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó Chủ tịch Hội nông dân thành phố, chúng tôi đến nhà anh Phạm Quốc Tĩnh (tổ 1, phường Nguyễn Trãi). Từ hai bàn tay trắng, không ngại khó khăn, mày mò và sưu tầm, cùng đó là học hỏi, tìm hiểu sâu về các giống, loài hoa Lan của Hà Giang cũng như các tỉnh và một số giống Lan đẹp trên thế giới; cộng với lòng đam mê, yêu nghề, yêu vẻ đẹp tự nhiên của hoa Lan, đến nay vườn nhà anh có khoảng 600 loài. Có được kết quả như ngày nay, anh phải trải qua rất nhiều thất bại, nhiều lần gia đình, những người quanh anh cho rằng “không bình thường” khi đầu tư phát triển loài hoa này trên địa bàn tỉnh, nơi mà người dám bỏ tiền ra để chơi hoa Lan còn... rất hiếm. Nhưng với quyết tâm cao, anh đầu tư và tiếp tục nhân rộng địa bàn cũng như tạo sân chơi để những người yêu hoa Lan như anh tiếp tục tìm kiếm, học hỏi, nghiên cứu và làm giàu. Theo anh Tĩnh, việc trồng hoa Lan không khó, quan trọng là đam mê và yêu hoa Lan. Phát triển loài hoa này ở Hà Giang hiện còn ít, vì thế, với việc bỏ nguồn vốn trên 2 tỷ đồng đầu tư là điều khó khăn, hơn nữa số người biết chơi hoa Lan thật sự cũng hiếm nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế và không ổn định.
Chia tay gia đình anh Tĩnh, chúng tôi đến thăm hộ anh Trần Văn Cường, một thanh niên (ở tổ 4, phường Trần Phú) dám nghĩ, dám làm với việc xây dựng trang trại chăn nuôi lợn theo hình thức sinh học và bảo vệ môi trường. Chúng tôi bất ngờ trước nghị lực và quyết tâm làm giàu của người thanh niên trẻ khi đến trang trại gia đình. Anh tâm sự: Để có được quy mô trang trại như thế này anh phải rất vất vả, suy nghĩ, mày mò và qua nhiều lần thử nghiệm “hỏng ăn”, rồi cũng thành công với loại thức ăn chăn nuôi đảm bảo môi trường. Theo anh Cường, thức ăn này sau khi vật nuôi thải ra sẽ giảm đến 80% mùi hôi; không chỉ vậy, với tỷ lệ 70% cám ngô cộng 30% cám gạo ủ men, sau vài ngày tạo thành hỗn hợp thức ăn còn giúp vật nuôi dễ tiêu hóa, ít bệnh tật và không phải mất chi phí đun nấu cám. Ngoài ra, việc dùng thức ăn này còn giảm chi phí cho đầu tư thức ăn, từ đó giảm giá thành sản phẩm mà người tiêu dùng vẫn dùng, vì là sản phẩm sạch. Theo anh, với giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường hiện nay bình quân khoảng 11 đến 12 nghìn đồng/kg thì việc dùng thức ăn của anh chỉ mất từ 7,5 đến 8 nghìn đồng/kg. Từ hiệu quả đó, anh tiếp tục đầu tư phát triển đàn, hiện trong chuồng nhà anh có trên 200 con lợn thịt...
Để những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố thực sự được người dân hưởng ứng và đi vào hoạt động hiệu quả, bền vững là sự cố gắng của các ngành cùng sự đồng thuận từ người dân. Ông Nguyễn Văn Tiếp khẳng định: “Muốn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thật sự hiệu quả và tạo được sức lan toả, việc đầu tiên đó chính là thay đổi thói quen, tư duy và sức ì của người dân, từ tập quán sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún đến tiếp cận, áp dụng tiến bộ KH-KT để đưa sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với đó là chính sách đầu tư và sự vào cuộc thật sự của Nhà nước để tạo thị trường giúp người có sản phẩm tiêu thụ dễ dàng và không bị ép giá, đồng thời nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng phải ổn định và có hỗ trợ ưu đãi”.
Với những chính sách của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố, sự đồng thuận, dám nghĩ, dám làm của người dân, những mô hình phát triển kinh tế đã và đang được nhân rộng, mang lại lợi ích. Ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị thay thế sản phẩm nông nghiệp truyền thống đã và mang lại những diện mạo mới, được nhiều người học tập và nhân rộng.
Ý kiến bạn đọc