Mùa dưa ngọt Nà Vuồng
HGĐT- Lời hẹn hò bên ruộng dưa non từ những ngày chớm xuân, khi cây dưa đang nảy mầm xanh “tý tách” trong lớp ni-lông phủ kín, chúng tôi có dịp trở lại Nà Vuồng, xã Yên Phong (Bắc Mê) khi cánh đồng dưa đang vào mùa thu hoạch. Những quả dưa to, mọng nước, san sát nhau, lăn tròn trên từng thửa ruộng minh chứng cho sự thành công khi Nà Vuồng chọn dưa làm cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Những quả dưa to, san sát, lăn tròn trên thửa ruộng là thành quả “ngọt ngào” sau những tháng ngày lao động vất vả của người dân Nà Vuồng.
Chị Dương Thị Nghiên bắt đầu câu chuyện trồng dưa với chúng tôi bằng việc cẩn thận chọn những quả dưa bở chín vàng, bổ ngay bên bờ ruộng để đoàn chúng tôi có thể cảm nhận được vị ngon, ngọt riêng có của dưa Nà Vuồng. Trong cái nắng gắt gỏng buổi trưa mùa hạ, những miếng dưa bở như một thứ giải khát vô cùng hữu hiệu. Quả thật dưa Nà Vuồng (gồm các loại dưa hấu, dưa bở, dưa leo...) có vị ngọt đặc trưng, giòn, ăn một lần thì nhớ mãi. Gia đình chị Nghiên chỉ trồng khoảng 400 m2 dưa các loại; mới đầu mùa thu hoạch, chỉ riêng dưa chuột chị đã thu được hơn 6 triệu đồng. Cây dưa “bén duyên” với Nà Vuồng từ phiên chợ tảo tần của những người phụ nữ. Trước đây, trên vùng đất này, người dân Nà Vuồng đã từng trồng các loại rau xanh, mang sang chợ Bảo Lâm (Cao Bằng) để bán, rồi họ phát hiện ra ở huyện bạn một loại dưa bở ăn ngon, giá bán rất cao thì mang về trồng thử; vụ thu hoạch đầu tiên chỉ một số gia đình trồng, không ngờ trúng lớn, thu nhập cả mấy chục triệu đồng. Đến nay, đã hơn 5 mùa trồng dưa, nhờ áp dụng gieo trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, phủ kín ni-lông khi gieo hạt để tránh rủi ro cho hạt nảy mầm nên năng suất không ngừng tăng, diện tích cũng ngày càng được mở rộng. Vụ Đông - xuân năm nay, thôn Nà Vuồng trồng gần 4 ha dưa, bí các loại; xã Yên Phong hỗ trợ cho các hộ đăng ký trồng dưa ở Nà Vuồng 250 kg phân bón trích từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp của xã. Nguồn hỗ trợ chưa nhiều nhưng là sự động viên, khích lệ người dân tham gia sản xuất, phát triển kinh tế. Sau cuộc trò chuyện với cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, nghe người dân Nà Vuồng bày tỏ về hiệu quả mà cây trồng này mang lại, đồng thời khảo sát thực tế năng suất trên cánh đồng dưa, chúng tôi làm một phép tính nhỏ: Với diện tích gần 4 ha dưa các loại, năng suất từ 9 – 10 tấn/ha, giá bán trên thị trường trung bình chính vụ là 15 nghìn đồng/kg. Vậy cánh đồng dưa nho nhỏ ở Nà Vuồng vụ Đông - xuân này đã thu về cho người dân hơn nửa tỷ đồng, một con số quả thật rất ấn tượng, trong khi nguồn kinh phí đầu tư ít, bao gồm: Tiền giống, phân bón, ni – lông phủ thời gian bắt đầu gieo hạt và công chăm sóc, làm cỏ một đợt... có thể khẳng định, cây dưa đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Từ hiệu quả mà cây dưa mang lại, thực hiện chủ trương của huyện Bắc Mê là mỗi thôn, xã chọn trồng một cây, nuôi một con thế mạnh của địa phương để tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, xã Yên Phong đã chọn trồng cây dưa (các loại) làm cây mũi nhọn của xã, nhân rộng từ mô hình điểm Nà Vuồng và xác định cây dưa là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất, tăng năng suất và thu nhập cho người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Phong Nguyễn Hồng Khanh chia vui: “Đến mùa dưa ngọt, cả thôn Nà Vuồng vui như tết; “tiếng lành đồn xa”, đã có rất nhiều đoàn từ các địa phương trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng dưa của người dân Nà Vuồng. Không vui sao được, khi mà cây dưa đã mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Trong những năm tiếp theo, xã sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân ở tất cả các thôn tích cực mở rộng diện tích gieo trồng cây dưa vụ Đông – xuân, hướng tới sản xuấtnông nghiệp hàng hóa và đưa cây vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính...”.
Người dân Nà Vuồng chủ yếu mang dưa ra chợ huyện và chợ Bảo Lâm để bán vì có thương hiệu “sạch”, không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên rau, dưa Nà Vuồng đang được người dân khắp nơi ưa chuộng, bao nhiêu cũng bán hết. Nhưng hiện tại, người dân Nà Vuồng đang trồng dưa bằng kinh nghiệm, “ăn may” theo thời tiết và cái “duyên” bán đắt hàng. Khi diện tích gieo trồng được mở rộng, sự cạnh tranh và bất ổn về thị trường là điều có thật, bên cạnh đó, người dân Nà Vuồng đã bắt đầu có “thương hiệu” rau, quả sạch vì không dùng thuốc bảo vệ thực vật, việc giữ vững thương hiệu này sẽ trở nên khó khăn khi ngày càng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh. Điều trăn trở này không chỉ đè nặng lên vai người nông dân trồng dưa mà các cấp, các ngành cần có giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững để người dân yên tâm sản xuất, giữ vững “thương hiệu”. Thành quả của ngày hôm nay không giản đơn chỉ là cây dưa phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của vùng đất này, mà quan trọng người dân Nà Vuồng đã quyết tâm làm kinh tế, vươn lên làm giàu. Trưởng thôn Hoàng Văn Pía chia sẻ thêm: “Toàn thôn có 50 hộ dân, nhưng chỉ còn lại hơn 10 hộ nghèo, nhiều gia đình nhờ trồng dưa mà đãthoát nghèo, trở thành hộ khá; sắm được nhiều trang thiết bị đắt tiền để nâng cao chất lượng cuộc sống...”.
Nà Vuồng là một trong những thôn điểm xây dựng NTM của huyện Bắc Mê; bên cạnh những đổi thay về hạ tầng cơ sở, thì “Mùa dưa ngọt Nà Vuồng” đang góp phần làm nên diện mạo mới cho vùng rừng núi xa xôi này.
Ý kiến bạn đọc