Mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp ở Quang Bình
HGĐT - Trong những năm gần đây, sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Quang Bình có những bước chuyển biến và phát triển rõ nét mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để có được những kết quả đó có sự chỉ đạo về cơ cấu tổ chức ngành nông, lâm nghiệp một cách hợp lý, khoa học kỹ thuật được chuyển tải đến người dân một cách kịp thời, sự phối hợp liên kết giữa “4 nhà” được chặt chẽ. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho phát triển nông nghiệp được ưu tiên và tập trung với nguồn kinh phí lớn.
Đầu năm nay huyện Quang Bình đã triển khai thực hiện mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Năm 2013 là năm đầu tiên huyện triển khai thực hiện mô hình này tại 3 xã Tân Bắc, Yên Hà và Yên Thành với diện tích gần 200 ha, trong đó lúa là 162 ha, còn lại là ngô, với 701 hộ của 17 thôn tham gia. Hình thức nhân dân nhận phân bón trực tiếp được tính giá tại thời điểm và nộp tiền sau vụ thu hoạch. Với phương thức đầu tư cho vay thông qua Ban chỉ đạo của xã dưới sự quản lý trực tiếp của UBND huyện. Các hộ vay vốn thông qua việc nhận phân bón hóa học và được quy ra bằng giá trị tiền mặt tại thời điểm cung ứng. Việc tiến hành cung ứng giống đảm bảo trên nguyên tắc là: Đúng đối tượng, đúng giá, đúng số lượng, chất lượng, đúng thời gian và đúng mục đích. Thời hạn và phương thức thu hồi vốn là khi kết thúc thời vụ, nhân dân đã thu hoạch lúa, ngô. Việc thu hồi phần vốn Nhà nước đầu tư cho nhân dân thông qua Ban chỉ đạo của xã và tổ dịch vụ của thôn. Tổ dịch vụ của thôn có trách nhiệm thu hồi toàn bộ số vốn của các hộ đã vay. Kinh phí thu hồi được tiếp tục tái đầu tư cho vụ sau, có thể ở thôn, hộ đã thực hiện, nhưng không quá 2 lần để chuyển cho thôn khác, hộ khác trong xã. Với cách thức như vậy nên diện tích cấy lúa năm nay theo bà con nông dân thì tốt hơn so với mọi năm.
Đưa chúng tôi đi thăm diện tích lúa của một số hộ gia đình đăng ký thực hiện mô hình này tại xã Tân Bắc, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Xã Tân Bắc được huyện chọn làm điểm mô hình này là vì trong những năm qua sản xuất nông, lâm nghiệp của xã có sự chuyển dịch tích cực, chuyển dần sang sản xuất hàng hoá phục vụ thị trường. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào các khâu sản xuất như làm đất, gieo cấy bằng mạ sân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đang thay thế dần các phương thức sản xuất truyền thống. Nhân dân trong xã tích cực đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng cao, các giống lúa ngắn ngày thay thế các giống lúa dài ngày, năng suất thấp. Để bà con nông dân quen với sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, vụ đông xuân năm nay xã triển khai thực hiện ở 5 thôn gồm: Lủ Hạ, Lủ Thượng, Nậm O, Nậm Sú và Mi Bắc, có 238 hộ tham gia tổng số 49,4 ha lúa và 14,1 ha ngô lai, hộ có diện tích ít nhất là 0,1 ha, nhiều nhất là 0,5 ha. Giống lúa gieo trồng chủ yếu là lúa lai mới như San ưu, Nhị ưu 838, GS9, HKT99, các loại giống này nếu gieo trồng đúng thời vụ và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật và thời điểm thì sẽ cho năng suất đạt từ 70 đến 75 tạ/ha. Chị Hoàng Thị Ty, thôn Lủ Hạ cho biết: Hàng năm người dân chúng tôi vẫn gieo trồng giống lúa này, nhưng trong thôn hầu hết các gia đình không có điều kiện để mua phân bón và không đúng chu kỳ nên cây lúa cũng phát triển kém. Năm nay được huyện hỗ trợ phân bón và có khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tỷ mỷ, cây lúa được bón phân đầy đủ đúng chu kỳ sinh trưởng nên hiện nay cây lúa phát triển rất tốt, có khả năng kháng bệnh tốt, khóm to, đẻ nhánh khỏe, bộ lá tốt, cây cứng... Như vậy, việc thực hiện mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ở Quang Bình mới được triển khai vụ đông xuân năm nay, theo nhận xét của bà con nông dân và của các nhà chuyên môn là số diện tích này ở 3 xã đang phát triển rất tốt, có khả năng cho năng suất, sản lượng cao hơn rất nhiều so với các vụ trước. Việc thực hiện mô hình này ở Quang Bình sẽ từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn đầu tư thu hồi lại để tái đầu tư cho năm sau, như vậy nguồn vốn được bảo toàn, công tác đầu tư cho nông lâm nghiệp sẽ chủ động và kịp thời hơn. Đây cũng chính là việc tổ chức lại sản xuất cho người dân, phát huy được vai trò quản lý của Nhà nước. Đồng thời, liên kết được giữa “4 nhà”, từ đó góp phần nâng cao năng suất và sản lượng các loại cây trồng.
Ý kiến bạn đọc