Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo ở Mèo Vạc

07:58, 24/04/2013

HGĐT- Cuộc sống ấm no, ổn định đang dần đến với người dân Mèo Vạc khi các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ phát huy hiệu quả. Với nguồn vốn được sử dụng hợp lý trong giải quyết việc làm cho người lao động kết hợp với việc triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế trong thời gian qua đang cho thấy, khi chính sách thực sự đi vào cuộc sống cũng là lúc diện mạo huyện nghèo được đổi thay.



Từ nguồn hỗ trợ trong trồng cỏ chăn nuôi, người dân Mèo Vạc có thêm nhiều điều kiện phát triển kinh tế gia đình.


Với một huyện nghèo và còn nhiều khó khăn như Mèo Vạc thì việc giảm nghèo nhanh và bền vững luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Khi Nghị quyết 30a phát huy hiệu quả được xem như đã mang đến “luồng gió mới” giúp người dân thoát khỏi đói, nghèo và dần ổn định cuộc sống. Đồng chí Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Từ khi Nghị quyết 30a được triển khai trên địa bàn, mỗi năm huyện đều xây dựng kế hoạch đi cơ sở để kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời thành lập BCĐ và phân công phụ trách, phối hợp, giúp đỡ các xã trong quá trình triển khai. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia ủng hộ các nguồn lực để khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, thường xuyên sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm ra vướng mắc, đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả. Dựa trên việc thực hiện kế hoạch ngân sách, các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện được bố trí ngồn vốn 195.232 triệu đồng, huyện Mèo Vạc đã phân bổ nguồn vốn và sử dụng hợp lý vào việc đầu tư các công trình giao thông, điện, thuỷ nông; đầu tư khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ khai hoang, tạo ruộng bậc thang. Triển khai cho các hộ nghèo vay vốn không lãi suất từ nguồn vốn tín dụng để mua giống gia súc, gia cầm. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; quy hoạch sản xuất và ổn định dân cư...

 

Theo đó, các chính sách hỗ trợ đã mang lại nhiều chuyển biến trong việc sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tính đến nay, từ chính sách hỗ trợ thông qua khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng, giao đất để trồng rừng sản xuất đã thu hút trên 2.133 hộ gia đình tham gia trồng và bảo vệ 16.492 ha rừng. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, từ nguồn vốn 2.800 triệu đồng hỗ trợ một lần chuyển đổi giống gia súc đã giúp cho 560 hộ dân có điều kiện mua giống gia súc, chủ động phát triển kinh tế gia đình. Đối với các hộ nghèo, hỗ trợ các hộ không có khả năng mua giống nhằm giúp người dân có trâu, bò cày, phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó còn hỗ trợ làm chuồng trại, hỗ trợ giống lợn đen, giống ngựa nhằm phục hồi đàn ngựa và phát triển đàn lợn. Qua đó đã có 995 hộ gia đình được hưởng lợi ích từ chính sách hỗ trợ này. Trong những năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, huyện đã hoàn thành 2.353 nhà ở cho người dân; huy động nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ xoá nhà tạm, xây dựng nhà lớp học cho học sinh, hỗ trợ thiết bị y tế, giáo dục. Với đặc thù diện tích đất sản xuất ít, khí hậu khắc nghiệt, trên cơ sở giúp người dân chủ động phát triển kinh tế, huyện Mèo Vạc đã hỗ trợ phân bón, giống ngô lai, đậu tương, khoai tây, cỏ chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất rau an toàn sản xuất hàng hoá..., tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Ngoài ra, huyện Mèo Vạc đã phối hợp với 3 công ty xuất khẩu lao động, đồng thời hỗ trợ dạy nghề gắn với việc làm, mở trên 100 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lương thực, thực phẩm, kỹ thuật cắt may... cho 3.402 học viên. Đến nay, số lao động qua đào tạo đã nâng cao tay nghề, tự giải quyết lao động tại chỗ cho lao động nông thôn.

 

Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai ở Mèo Vạc đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Đó là cơ sở để huyện Mèo Vạc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công khai, dân chủ và bàn bạc trong nhân dân để tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chính sách. Số hộ nghèo được giảm xuống từng năm, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao đã một lần nữa khẳng định, Nghị quyết 30a với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đang đi vào cuộc sống, thực sự mang lại “hơi thở mới” trong cuộc sống người dân nghèo Mèo Vạc.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu tăng lên mức tối đa 1.430 đồng/lít
Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu từ 20h ngày 28/3. Theo đó, mức tăng giá lần lượt cụ thể giá xăng điều chỉnh tối đa 1.430 đồng/lít, dầu điêzen điều chỉnh tối đa 362 đồng/lít, dầu hỏa điều chỉnh tối đa 480 đồng/lít, dầu madut điều chỉnh tối đa 807 đồng/kg.
29/03/2013
Hội thảo về những thử thách và cơ hội hợp tác kinh tế vùng biên
HGĐT - Ngày 28.3, Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tiếp tục tổ chức Hội thảo với 7 tỉnh miền núi phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc để nhằm hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức trong việc phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc, cũng như đánh giá các cơ hội tài trợ từ ADB.
29/03/2013
Công tác Khuyến công tích cực hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp
HGĐT - Xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hóa mà đơn vị sản xuất ra là một việc làm quan trọng, cần thiết. Bởi khi có thương hiệu, sản phẩm được nhiều người biết hơn, giá thành cao hơn và quan trọng là sản phẩm đó sẽ đứng vững trên thị trường ...
29/03/2013
Cộng đồng doanh nghiệp mong được gỡ khó
HGĐT- 498/1.292 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giải thể, hoặc tạm dừng hoạt động trong thời gian khó khăn của khủng hoảng kinh tế. Nhưng đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, còn nhiều doanh nghiệp khó vượt qua “cơn bĩ cực” - ông Phạm Công Nhân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp chia sẻ. Đồng thời, người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp cũng gửi nhiều tâm huyết tới lãnh đạo
29/03/2013