Tân Lập, tiềm năng và thách thức
HGĐT- Chúng tôi về Tân Lập một ngày đầu xuân, cái rét vẫn còn vấn vương nơi xã vùng 3 của huyện Bắc Quang. Nghe câu chuyện xã “vùng cao” của huyện vùng thấp này năm nay có chuyển biến mới, từ việc vận động nhân dân sản xuất vụ Xuân, từng bước đưa vụ Xuân trở thành vụ sản xuất chính mới thấy những khó khăn vẫn còn hiện hữu nơi đây.
Nhưng trong sự khó khăn của Tân Lập, vẫn thấy rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế còn ẩn chứa. Để khai thác được những tiềm năng của địa phương cũng là điều trăn trở của không chỉ riêng cấp ủy, chính quyền xã mà còn của những người dân nơi đây...
Lãnh đạo huyện Bắc Quang kiểm tra tiến độ sản xuất vụ Xuân ở Tân Lập.
Trong suy nghĩ của rất nhiều người, nói đến Bắc Quang là nói đến huyện động lực với sự phát triển KT – XH đứng nhất nhì của tỉnh. Nhưng nhiều người không biết được rằng, nơi đây vẫn có đến 4 xã vùng 3 còn rất nhiều khó khăn. Tân Lập là một trong 4 xã vùng 3 với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 17%. Toàn xã hầu như không có đường bê tông. Dù xã đã có điện lưới Quốc gia, nhưng do khó khăn về địa hình nên hiện nay số hộ được dùng điện lưới chủ yếu ở 3 thôn gần xã với vài chục hộ được hưởng thụ. Trên đường đưa chúng tôi về với thôn Chu Thượng, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Chàn Khuân cho biết, xã có trên 2.300 nhân khẩu, trong đó có 69% dân số là đồng bào Dao. Toàn xã có 8 thôn, nhưng hiện chỉ có 3 thôn là xe tải có thể chạy vào đến tận trung tâm. Bí thư Khuân nhấn mạnh, đấy là vào mùa khô anh ạ, còn mùa mưa, đường vào 3 thôn thuận lợi nhất cũng vô cùng khó khăn, có những thôn xe máy đi vào vẫn còn vất vả.
Vốn sinh ra lớn lên ở Tân Lập, giờ lại là Bí thư Đảng ủy xã nên Triệu Chàn Khuân có thể khái quát một cách rõ ràng về những khó khăn quê mình như đất dốc, điều kiện khí hậu khá khác biệt so với những xã vùng thấp, vụ Đông – xuân thường khô hạn, rét kéo dài nên việc sản xuất nông nghiệp thường rất khó. Hơn nữa, dù người dân nơi đây rất cần cù, chịu khó, nhưng tập quán bao đời nay, bà con chỉ nỗ lực tập trung cho sản xuất vụ Mùa với diện tích gieo cấy lên đến 180ha, cấy đủ lúa ăn cho cả năm là được. Vụ Xuân cứ thong thả lên rừng tìm kiếm rong, chít, lâm sản với số tiền kiếm được từ 100 – 150.000đ/ngày nên ít người giành sự quan tâm cho cấy hái. Cũng chính bởi tư duy ấy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã còn chiếm đến 22,5%, số hộ khá rất ít. Trên cơ sở đó, từ vụ Xuân năm nay, cùng với sự chỉ đạo của huyện, xã Tân Lập rất quyết tâm nhằm từng bước tạo ra chuyển biến cho sự phát triển KT – XH nơi đây. Với sự hỗ trợ của huyện, năm nay là năm đầu tiên xã triển khai kế hoạch cấy 19,5ha lúa và 15ha ngô vụ Xuân. Từ sự nỗ lực vận động bà con, đến nay diện tích gieo cấy toàn xã đã đạt 17,5ha, diện tích ngô đã trồng đạt 13ha. So với nhiều xã khác trong huyện, diện tích gieo trồng ấy chẳng thấm tháp gì, nhưng trong điều kiện thực tế ở Tân Lập, để triển khai gieo trồng đạt kế hoạch là cả một sự nỗ lực rất lớn. Bí thư Khuân cho biết, đất đai ở Tân Lập khá khô cằn, việc sản xuất vụ Xuân chỉ tập trung chủ yếu ở những thôn vùng thấp, nơi có nước, thời tiết ấm hơn. Hơn nữa, cái rét kéo dài cũng đòi hỏi phải có những loại giống, kỹ thuật chăm sóc phù hợp cho cây trồng vụ Xuân. Kết quả vận động bà con sản xuất vụ Xuân năm nay dù chưa nhiều, nhưng sự khởi đầu này hướng tới sự thay đổi nhận thức, truyền thống sản xuất của người dân về việc khai thác tối đa tiềm năng của đất để phát triển bền vững.
ề với Tân Lập lần này, không chỉ có sự quan tâm của chúng tôi giành cho xã vùng 3 này mà còn có sự quan tâm đặc biệt của Bí thư Huyện ủy Bắc Quang Đàm Xuân Lan. Có lẽ vì Tân Lập là nơi cao nhất, đất đai sản xuất khó khăn nhất của huyện nên sự quan tâm giành cho nơi đây càng nhiều hơn, đặc biệt là vấn đề sản xuất vụ Xuân và việc khai thác tiềm năng của địa phương là cây chè. Trong câu chuyện với lãnh đạo xã trên đường đi khảo sát, thực tế cơ sở, Bí thư Huyện ủy Đàm Xuân Lan luôn đề cập đến hướng có thể quy hoạch vùng sản xuất chè nguyên liệu ở Tân Lập. Đây cũng là điều rất dễ hiểu bởi Tân Lập hiện có gần 650ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng trên 400ha. Với độ cao, khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thích hợp, qua đó giúp cho vùng chè shan Tân Lập luôn được biết đến như là vùng chè “sạch”, hương vị thơm ngon nổi tiếng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Kim, hộ chuyên thu mua, chế biến chè ở thôn Chu Thượng thì một trong những cái khó khăn đang đặt ra đối với việc phát huy tiềm năng của vùng chè này là người dân trồng chè còn mang tính quảng canh, thiếu kỹ thuật chăm sóc, thu hái nên năng suất chè rất thấp, chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha. Cùng với đó, do hệ thống giao thông trong xã rất khó khăn, hầu hết các tuyến đường chỉ là đường đất nên việc vận chuyển nông sản từ các thôn ra đường Quốc lộ khá khó khăn, chi phí sản xuất cao nên lợi nhuận của người nông dân rất thấp. Do đó, khó khuyến khích người dân phát triển cây chè... Trên cơ sở đó, để có thể quy hoạch vùng chè nguyên liệu Tân Lập, hướng tới xây dựng được một sản phẩm có thương hiệu, đầu ra ổn định thì rất cần có sự giúp sức, hỗ trợ của huyện, xã trong việc quy hoạch, tập trung các hộ trồng chè vào một mối thông qua việc xây dựng cơ sở sản xuất, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu như cách làm của một số cơ sở sản xuất trong huyện Bắc Quang hiện nay.
Bên cạnh cây chè, Tân Lập còn có tiềm năng lớn trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo thống kê, đến nay toàn xã có gần 1.500 con trâu, bò, ngựa, 650 con dê, đàn lợn có gần 2.500 con, đàn gia cầm gần 1 vạn con. Đặc biệt, theo nhiều người, giống lợn đen ở Tân Lập có chất lượng thịt rất thơm ngon. Với lợi thế ở gần ngã 3 giao thương Tân Quang là cơ hội cho sự giao lưu, trao đổi hàng hóa, giúp cho sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, cũng chung với trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã Tân Lập, ông Phàn Phụ on, nguyên là Trưởng thôn Trung Hạ bày tỏ, nhà mình hiện có 3ha chè shan, chăn nuôi trâu, lợn, gà cũng khá nhiều. Nhưng cái khó nhất của mình cũng như bà con xã vùng 3 này là đường xá đi lại. Đến vụ hái chè, các hộ phải chở chè ra bên ngoài bán, đi mấy cây số đường đất dốc gập ghềnh, mất nhiều tiền xăng lắm, chẳng lãi là mấy. Nghe nhiều xã trong huyện có đường bê tông nông thôn mới, bà con ở Tân Lập cũng mong muốn lắm, có đường đi lại tốt, người dân mới khá lên được. Từ đó, bà con cũng rất mong trong thời gian tới đây, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng Nhà nước sẽ tiếp tục hướng tới những nơi còn khó khăn như Tân Lập, không chỉ giúp cho xã dần thoát khỏi diện vùng 3 mà còn giúp cho người dân nơi đây khai thác hết tiềm năng, lợi thế đang ẩn chứa.
Ý kiến bạn đọc