Phát huy thế mạnh chăn nuôi ở Đồng Văn
HGĐT - Để ngành chăn nuôi thực sự là mũi nhọn, huyện ban hành Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc, giai đoạn 2012 – 2013; hỗ trợ 6,909 tỷ đồng cho 987 hộ nghèo mua trâu, bò, dê, lợn từ kinh phí chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ (7 triệu đồng/hộ); hỗ trợ 635 gia đình sửa chữa chuồng trại chăn nuôi (mỗi hộ 1 triệu đồng).
Bán lợn địa phương tại chợ Phó Bảng.
Đã có 554 gia đình mua được gia súc, 456 hộ sửa chữa chuồng trại. Đề án cũng hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò đực giống, thụ tinh nhân tạo đối với trâu, bò; hỗ trợ lãi suất vốn vay... Với sự hỗ trợ của Đề án và một số chương trình khác cùng nhận thức rõ nét trong dân về phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi đại gia súc nói riêng, đến hết năm 2012, tổng đàn gia súc có 60.809 con. Nếu tính cả số gia súc hàng hóa bán ra ngoài địa bàn và giết mổ phục vụ nhu cầu thị trường tại chỗ thì tổng đàn là 66.647 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, đặc biệt là vào mùa đông, huyện Đồng Văn triển khai trồng mới 399 ha cỏ. Đây là nguồn thức ăn quan trọng giúp cho việc tăng cũng như đảm bảo chất lượng đàn gia súc. Những năm qua, huyện đã nỗ lực cải tạo, phát triển đàn gia súc, đặc biệt là đàn bò vàng theo hướng giảm tỷ lệ bò có thể trạng nhỏ bé; bảo tồn đàn bò đực giống đã được tuyển chọn; hỗ trợ kinh phí phát triển cây bản địa làm thức ăn cho gia súc kết hợp trồng lại diện tích cỏ chăn nuôi đã già cỗi; hỗ trợ cải tạo chuồng trại chăn nuôi... Bằng nhiều nguồn lực, huyện đang phấn đấu nhân rộng mô hình mỗi gia đình có từ 1 – 2 con trâu, bò và 600 khóm cỏ để tăng tỷ trọng trâu, bò xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng đó, huyện cũng quan tâm phát triển vật nuôi, đến nay có 23.523 con lợn, 16.718 con dê và 171.495 con gia cầm các loại. Ngoài sản phẩm từ chăn nuôi bò vàng giá trị kinh tế cao, các loại vật nuôi trên của Đồng Văn góp phần quan trọng phục vụ, đáp ứng nhu câu tiêu dùng của nhân dân trong huyện và địa phương lân cận. Dạo qua các chợ phiên ở Đồng Văn, ngoài các sản phẩm nông, lâm sản địa phương và nhiều loại hàng hóa khác, phiên chợ nào cũng dễ bắt gặp nhân dân các dân tộc mang đến chợ trao đổi, mua bán những sản phẩm từ vật nuôi, như trâu, bò, lợn gà, ngan, mật ong... với hình thức bán buôn, bán lẻ. Tại các phiên chợ Lũng Phìn, Phố Cáo hay Đồng Văn, không ít xe tải các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc... trở trâu, bò của huyện về xuôi.
Bên cạnh việc tăng đàn và đảm bảo chất lượng đàn gia súc, gia cầm, huyện còn chú trọng phòng, chống dịch bệnh. Trong năm 2012, đã thực hiện tiêm phòng 151.567 liều vác–xin các loại, tăng 1,04% so kế hoạch năm. Trong đó, vác–xin lở mồm, long móng 38.396 liều; tụ huyết trùng trâu, bò 36.573 liều; tụ huyết trùng lợn 38.276 liều; nhiệt thán 19.392 liều và 18.957 liều dịch tả lợn. Cấp 1.062 lít hóa chất Benkocid và chỉ đạo phun khử tiêu độc chuồng trại được 531.000 mét vuông. Triển khai kiểm soát giết mổ được 5.536 con gia súc; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển nội tỉnh được 14 chuyến với 236 con trâu, bò, ngựa, dê.
Việc tăng đàn, đảm bảo chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tăng được tỷ trọng sản phẩm gia súc, gia cầm của huyện trên thị trường trong và ngoài tỉnh đã khẳng định, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ở Đồng Văn là bước đi đúng hướng; khai thác được tiềm năng, thế mạnh địa phương, từ đó nâng cao mức sống người.
Bài, ảnh: AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc