Kinh tế tập thể đổi thay cả chất và lượng
HGĐT- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 - BCH T.Ư (khóa IX) về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể xác định: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã (HTX) là nòng cốt”, “kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Theo hướng đó, cần củng cố những tổ hợp tác và HTX hiện có, tiếp tục phát triển rộng kinh tế HTX với hình thức, quy mô, trình độ trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn có điều kiện. Với lĩnh vực nông nghiệp, trước hết tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, từng bước mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh tổng hợp; lĩnh vực phi nông nghiệp, vừa tổ chức sản xuất vừa kinh doanh dịch vụ...
Các tổ hợp tác được hình thành từ đời sống thường ngày của người dân.
Trong ảnh: Người dân xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên) giúp nhau xóa nhà tạm.
Sau hơn 10 năm Nghị quyết được triển khai, đi vào thực tiễn cuộc sống trên địa bàn tỉnh ta đã tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX có sự phát triển cả về chất và lượng. Cụ thể, nếu như vào thời điểm cuối năm 2001 trước khi có Nghị quyết, toàn tỉnh có 162 HTX được chuyển đổi và thành lập mới, trong đó số HTX được chuyển đổi là 112 HTX, thì đến nay sau khi hơn 10 năm tỉnh ta tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, số HTX trong tỉnh tăng nhanh đáng kể, hiện toàn tỉnh đã có 722 HTX được chuyển đổi và thành lập mới (bình quân mỗi năm phát triển thêm 54 HTX; tổng số xã viên tham gia HTX 6.018 xã viên, tổng số lao động trong các HTX 7.058 người và tổng vốn điều lệ của các HTX214,025 tỷ đồng.
Phát triển song hành cùng các mô hình HTX kiểu mới là mô hình các tổ hợp tác cũng phát triển mạnh trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và các khu vực. Đâylà mô hình hình thành chủ yếu trên cơ sở các hộ tự thành lập, không có đăng ký với chính quyền địa phương, không có góp vốn, hoạt động chủ yếu của các tổ là trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Sự đa dạng của các loại hình tổ hợp tác trong các ngành và các lĩnh vực đã phản ánh nhu cầu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau của người dân trong hoạt động sản xuất, đời sống. Về mặt kinh tế, các tổ hợp tác đã thúc đẩy sản xuất trên địa bàn phát triển, tận dụng được nguồn lực (đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động...) tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống các hộ thành viên. Về mặt xã hội, các tổ hợp tác là mô hình tương trợ, tự giúp nhau cùng vươn lên thoát khỏi đói, nghèo và phát triển kinh tế hộ cũng như cho xã hội, đề cao tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng. Tính đến thời điểm tháng 12.2012, trên địa bàn tỉnh có 6.286 tổ hợp tác với 60.340 người tham gia, hoạt động đa dạng trong các ngành và các lĩnh vực. Các tổ hợp tác phần lớn do các tổ chức đoàn thể (phụ nữ, thanh niên, nông dân) lập ra với số lượng trung bình từ9-10 thành viên/tổ; bao gồm 2.052 tổ hợp tác phụ nữ, 1.090 tổ hợp tác thanh niên, 2.358 tổ hợp các của Hội Nông dân; số còn lại do các hộ có chung mục đích, điều kiện tự nguyện lập ra. Cần nhấn mạnh, các tổ hợp tác cơ bản được hình thành từ năm 2002 trở lại đây.
Có thể khẳng định, với những tác động tích cực từ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX), với 93,7% đảng viên toàn tỉnh được tổ chức học tập, hàng trăm ngàn lượt quần chúng được tuyên truyền, phổ biến, cùng hàng loạt các chủ trương, chính sách, chương trình hành động của tỉnh và các cấp cơ sở được cụ thể hóa từ những vấn đề cốt lõi trong nội dung Nghị quyết đã hòa vào đời sống thực tiễn của người dân, đó cũng là động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể tỉnh nhà có những chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ cùng cả tỉnh từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ý kiến bạn đọc