“Giải cơn khát” cho thị trấn Mèo Vạc

08:40, 19/03/2013

HGĐT - Sau hơn 4 năm điều tra, thăm dò, đánh giá, các chuyên gia, kỹ sư thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã tìm thấy nguồn nước lớn dưới lòng đất, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho khu vực thị trấn Mèo Vạc. Kết quả này không những đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân trên địa bàn mà đây còn là sự kiện quan trọng được Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn là 1/10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2012.


Thị trấn Mèo Vạc, vùng đất rất khan hiếm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, nhất là về mùa khô hạn. Trong những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng như hồ “treo” chứa nước; hệ thống cấp nước tự chảy từ hang Tò Đú; các bể chứa nước gia đình...Tuy nhiên, trữ lượng, chất lượng nước ở các điểm cấp nước còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, vào mùa khô hạn hàng năm, tình trạng thiếu nước diễn ra khắc nghiệt, nhiều hộ dân phải bỏ vài chục nghìn để mua nước về sinh hoạt hàng ngày. Người dân nơi đây vốn đã nghèo, thiếu nước làm cho cuộc sống của các hộ khó khăn hơn...

 

Nhằm giải “cơn khát” cho thị trấn Mèo Vạc, trên cơ sở phát hiện nguồn nước dưới đất tại khu vực xã Pả Vi từ những năm trước, năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xây dựng Đề án: “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc”, giao Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thi công trực tiếp. Mục tiêu của đề án nhằm: Xác định điều kiện địa chất thuỷ văn, đánh giá trữ lượng, chất lượng và khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất tại khu vực có triển vọng khai thác nước dưới đất thị trấn Mèo Vạc. Đồng thời, xác lập phương án bố trí công trình khai thác, luận chứng đánh giá và đề xuất sơ đồ bố trí công trình khai thác nhằm làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư khai thác nước dưới đất, đáp ứng nhu cầu dùng nước của địa phương.

 

Sau hơn 4 năm triển khai, các phần việc chủ yếu đơn vị thi công đã thực hiện như: Phân tích, giải đoán ảnh; khảo sát địa chất; đo địa vật lý; khoan địa chất thủy văn; hút nước thí nghiệm; quan trắc động thái nước mặt và nước dưới lòng đất; lấy và phân tích mẫu các loại... Các phần việc được thực hiện theo đúng trình tự điều tra, đánh giá tài nguyên nước cơ bản và đảm bảo thời gian theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác khoan điều tra địa chất thủy văn. Một số lỗ khoan mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức, thậm chí có lỗ khoan gặp sự cố không khắc phục được phải khoan lại. Nguyên nhân là do: Địa tầng đất đá rất phức tạp, đá nứt nẻ mạnh gây sập lở thành lỗ khoan; địa tầng có nhiều tầng hang ở độ sâu khác nhau, trong hang chứa nhiều vật liệu cuội sỏi lẫn sét dễ chồi chìa sập lở, khi khoan qua rất khó khống chế; nước cho thi công khoan phải chở từ xa dẫn đến việc thi công khoan kéo dài; đa phần các lỗ khoan có chiều sâu lớn từ 160 - 230m, máy khoan hay hỏng hóc một số thiết bị... Mặc dù vậy, đơn vị thi công đã có nhiều cố gắng khắc phục, vượt khó bằng kinh nghiệm, triển khai nhiều biện pháp thi công mới có thể hoàn thành được khối lượng công việc. Với sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, đơn vị thi công hoàn thành các phần việc theo đúng nội dung và khẳng định đề án đạt được mục tiêu, nhiệm vụ, tìm kiếm và đánh giá chính xác trữ lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc. Kết quả, đã khoan được 7 lỗ khoan với chiều sâu tổng cộng 1.353 m. Đã tìm ra 5/7 lỗ khoan có nước với tổng lưu lượng thực bơm là 12,91 l/s, tương ứng 1.115 m3/ngày. Đơn vị thị công cũng lấy mẫu nước trong khảo sát cũng như trong quan trắc và trong hút nước thí nghiệm lỗ khoan để đánh giá chất lượng nước dưới đất. Kết quả cho thấy, chất lượng nước dưới đất có hàm lượng các vi nguyên tố độc hại đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn, riêng hàm lượng vi sinh có cao hơn cần phải xử lý trước khi sử dụng. Từ Đề án: “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc”, có thể khẳng định nguồn nước tại 5 lỗ khoan tìm thấy trong khu vực thị trấn Mèo Vạc có trữ lượng lớn, có thể xây dựng các dự án cấp nước quy mô tập trung và hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân trên địa bàn. Đề án cũng nêu lên một số kiến nghị về triển vọng, phương hướng khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất: Các lỗ khoan đã có nước cần được bảo vệ và đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ cấp nước; khu vực xã Pả Vi có triển vọng khai thác nước ngầm, cần đầu tư hệ thống cấp nước tập trung khai thác quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của vùng, nhất là về mùa khô; có thể điều tra, thăm dò bổ sung lỗ khoan khai thác nước dưới đất khi cần thiết tại một số khu vực trên địa bàn; khi khai thác nước tại một số lỗ khoan có lưu lượng lớn, các lỗ khoan còn lại có thể sử dụng để quan trắc môi trường; tại các khu vực lỗ khoan dự kiến khai thác nước quy mô tập trung, cần thiết lập đới phòng hộ bảo vệ môi trường và được lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng gắn bảo vệ rừng đầu nguồn.

 

Ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết: Việc tìm thấy nguồn nước dưới đất tại thị trấn Mèo Vạc có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi Đề án không chỉ tìm ra nguồn nước lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân trên địa bàn mà đây còn là bài học kinh nghiệm trong việc tìm nước cho cả vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, từ quá trình khảo sát, tìm ra nguồn nước tới khi người dân được sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất là cả một chặng đường dài bởi nguồn nước cần có sự khai thác, sử dụng hợp lý gắn bảo vệ môi trường... Do đó, để khai thác hiệu quả cần có dự án đầu tư, xây dựng công trình cấp nước tập trung. Trong điều kiện địa phương miền núi còn nghèo, để thực hiện được điều đó, Hà Giang rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và các tổ chức nhằm đảm bảo nguồn nước dưới lòng đất được khai thác, sử dụng hiệu quả, thực sự “giải được cơn khát” cho đồng bào vùng cao thị trấn Mèo Vạc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Bài, ảnh: KHÁNH TOÀN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sự no ấm của nhân dân
HGĐT - Sản xuất nông, lâm nghiệp (NLN) tỉnh ta trong năm 2012 tuy gặp nhiều khó khăn, song dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sản xuất NLN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng ổn định, có chiều hướng tăng hơn so với năm trước.
28/02/2013
Tìm lại hương... chè
HGĐT- Câu chuyện buổi “trà dư...” của nhóm “nghiện” trà đến từ Hà Nội trong chuyến du xuân lên Hà Giang mới đây có lẽ sẽ khiến những người tâm huyết với cây chè Hà Giang phải suy ngẫm: “Chè Hà Giang “ngon đứt” các loại chè địa phương khác về... vị, nhưng chè Hà Giang chỉ nổi tiếng với những người biết... uống trà, còn trên thị trường thì vẫn còn “nhạt” lắm...”.
26/02/2013
Phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh
HGĐT- Năm 2012, với những giải pháp tích cực, sự cố gắng của Ban Giám đốc và tập thể CBVC từ tỉnh đến các chi nhánh ngân hàng cơ sở, hoạt độngkinh doanh của Agribank Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các chỉ tiêu kinh doanh vẫn có sự tăng trưởng theo định hướng đề ra. Tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đến ngày 31.12.2012 đạt 1.940,3 tỷ, tăng so với đầu
22/02/2013
Vị Xuyên phấn đấu giành thắng lợi vụ Đông – xuân
HGĐT - Phát huy những năm qua, năm 2012, với sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong huyện, nông nghiệp Vị Xuyên tiếp tục có bước tăng trưởng khá; tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 50 nghìn tấn, tăng hơn 1.300 tấn so với 2011, lương thực bình quân đầu người đạt 500 kg, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 15,5
21/02/2013