Để thảo quả thực sự trở thành cây lợi thế chính

15:51, 10/03/2013

HGĐT- Trong những năm gần đây, cây thảo quả của Hà Giang đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch... đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt tại các xã biên giới, từ việc trồng thảo quả, đã tạo thêm động lực để nhân dân bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới.



Thảo quả đang là cây đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân ở các xã vùng sâu.

Tính đến nay, tỉnh ta có 8.000 ha diện tích cây thảo quả được trồng ở hầu hết các huyện trong tỉnh, trong đó diện tích tập trung lớn tại 4 huyện: Vị Xuyên 2.900 ha; Quản Bạ 2.080 ha; Hoàng Su Phì trên 1.320 ha và huyện Xín Mần 1.466 ha, chiếm 97% diện tích toàn tỉnh và bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới được từ 150 đến 200 ha. Với gần 5.000 ha thảo quả đang cho thu hoạch, đạt sản lượng gần 1000 tấn thảo quả khô mỗi năm đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân khoảng từ 100 đến 120 tỷ đồng. Theo ước tính trong những năm gần đây có khoảng 50% số hộ trồng thảo quả có thu nhập từ 13-15 triệu đồng/năm; 10% số hộ trồng thảo quả có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm, còn lại có thu nhập bình quân từ 20 – 30 triệu đồng/năm, cá biệt có một số hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ thảo quả. Với mức thu nhập như trên, thảo quả thực sự là cây có thu nhập cao, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.


Trao đổi với anh Lưu Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, huyện có diện tích thảo quả lớn nhất tỉnh hiện nay được biết: Vị Xuyên hiện có hơn 2.900 ha cây thảo quả, trong đó có 1.180 ha đang cho thu hoạch và sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ 800 tấn, thu nhập bình quân của các hộ gia đình trồng thảo quả ở Vị Xuyên trong những năm qua luôn đạt từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi năm. Cá biệt trong năm 2012 có gia đình ông Đặng Văn Minh ở thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ thu nhập từ thảo quả được 400 triệu đồng. Việc cây thảo quả mang lại giá trị kinh tế cao đã đóng góp rất lớn vào phong trào xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn của Vị Xuyên và tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn trong lúc nông nhàn. Đặc biệt, từ việc có khoản thu nhập bằng tiền mặt hàng năm ổn định, người dân có tiền đầu tư cho nông nghiệp như mua giống mới, phân bón, thuốc BVTV; đầu tư cho con em đi học, hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học và làm giảm thiểu tình trạng quá tải lao động ở các khu công nghiệp... Anh Định cũng cho rằng: Thảo quả là cây dễ trồng, ưa bóng mát, để cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch, cần phải có độ tán che. Vì vậy nếu được quan tâm đúng mức, có kế hoạch quản lý, quy hoạch chi tiết cụ thể thì trồng thảo quả còn được coi là biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả. Và từ trồng thảo quả sẽ giữ được rừng, hạn chế được sạt lở, lũ quét xảy ra...


Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cũng cho biết: Tỉnh ta có diện tích đất lâm nghiệp và rừng rộng lớn chiếm tới 69% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích đất có rừng chiếm khoảng 445 nghìn ha, nên rất có điều kiện cho việc phát triển thảo quả, đồng thời là tỉnh có đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc, là nước tiêu thụ thảo quả lớn nên việc tiêu thụ sản phẩm không gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra thảo quả luôn có thị trường tốt, nông dân dễ bán sản phẩm ngay tại các chợ của xã vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Theo đó, trong những năm gần đây, một số huyện xác định thảo quả là cây xóa đói giảm nghèo nên đã có chủ trương hỗ trợ trồng mới được từ 100-200 ha mỗi năm với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/ha... Tuy nhiên cây thảo quả hiện nay vẫn chưa được phát huy đúng lợi thế, việc canh tác chưa thực sự bền vững. Các nguyên nhân chủ yếu được cho là: Tỉnh ta chưa có vườn ươm và nhân giống đầu dòng thảo quả; kỹ thuật chăm sóc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế; đa số các hộ trồng thảo quả đều không đầu tư phân bón, số lần chăm sóc hàng năm ít; trình độ sản xuất, thâm canh của nông dân còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ thuật canh tác hiệu quả bền vững...


Trước thực trạng phát triển cây thảo quả như hiện nay, tháng 12.2012, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã mở Hội nghị đối thoại công tư – định hướng phát triển cây thảo quả tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2016, thuộc Dự án “Phát triển ngành gia vị các tỉnh miền núi phía Bắc cho xóa đói giảm nghèo”. Hội nghị này đã nhận được nhiều sự quan tâm ủng hộ từ các huyện có diện tích cây thảo quả với các giải pháp quy hoạch vùng, chiến lược phát triển cây thảo quả cho những năm tới. Đặc biệt, Tổ chức phát triển Hà Lan cũng đánh giá cao diện tích và sản lượng thảo quả hàng năm của Hà Giang, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích cho cây thảo quả Hà Giang phát triển lớn mạnh thông qua các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đồng thời hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, chế biến và thị trường tiêu thụ. Đây là hội nghị đối thoại công tư đầu tiên được tổ chức bàn về các biện pháp phát triển cây thảo quả của tỉnh giai đoạn 2013-2016, với mục tiêu đóng góp từ cây thảo quả chiếm 20% tổng thu nhập trở lên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh (từ 150-160 tỷ đồng/năm), tạo việc làm cho trên 5.000 hộ nông dân vùng cao để góp phần xóa đói giảm nghèo.


Với mục tiêu và hiệu quả kinh tế đã được các ngành chức năng kiểm chứng, đánh giá từ thực tiễn, cùng với tiềm năng khí hậu, đất đai và kinh nghiệm trồng thảo quả lâu đời của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Đặc biệt là sự bắt tay vào cuộc của các cơ quan Nhà nước cùng với những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo ra nguồn lực, hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi. Hy vọng thảo quả Hà Giang sẽ sớm trở thành một ngành hàng kinh doanh có lợi thế của tỉnh, tạo ra thu nhập ổn định và có những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp, giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình.


HỮU THỤY

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sự no ấm của nhân dân
HGĐT - Sản xuất nông, lâm nghiệp (NLN) tỉnh ta trong năm 2012 tuy gặp nhiều khó khăn, song dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sản xuất NLN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng ổn định, có chiều hướng tăng hơn so với năm trước.
28/02/2013
Tìm lại hương... chè
HGĐT- Câu chuyện buổi “trà dư...” của nhóm “nghiện” trà đến từ Hà Nội trong chuyến du xuân lên Hà Giang mới đây có lẽ sẽ khiến những người tâm huyết với cây chè Hà Giang phải suy ngẫm: “Chè Hà Giang “ngon đứt” các loại chè địa phương khác về... vị, nhưng chè Hà Giang chỉ nổi tiếng với những người biết... uống trà, còn trên thị trường thì vẫn còn “nhạt” lắm...”.
26/02/2013
Phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh
HGĐT- Năm 2012, với những giải pháp tích cực, sự cố gắng của Ban Giám đốc và tập thể CBVC từ tỉnh đến các chi nhánh ngân hàng cơ sở, hoạt độngkinh doanh của Agribank Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các chỉ tiêu kinh doanh vẫn có sự tăng trưởng theo định hướng đề ra. Tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đến ngày 31.12.2012 đạt 1.940,3 tỷ, tăng so với đầu
22/02/2013
Vị Xuyên phấn đấu giành thắng lợi vụ Đông – xuân
HGĐT - Phát huy những năm qua, năm 2012, với sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong huyện, nông nghiệp Vị Xuyên tiếp tục có bước tăng trưởng khá; tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 50 nghìn tấn, tăng hơn 1.300 tấn so với 2011, lương thực bình quân đầu người đạt 500 kg, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 15,5
21/02/2013