Xây dựng KCN động lực phát triển KT-XH của tỉnh
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh xác định một trong những mục tiêu trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH là hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư lấp đầy các KCN hiện có. Từ thực tế quá trình phát triển cho thấy, việc hình thành và phát triển KCN là bước đột phá mang tính chiến lược, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, nguồn lực sẵn có, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định xã hội.
Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh tham quan khu vực sản xuất Nhà máy gạch không nung trong KCN Bình Vàng.
Sau nhiều năm theo đuổi chiến lược phát triển các KCN, đến nay trên địa bàn tỉnh có KCN Bình Vàng nằm trong quy hoạch phát triển các KCN của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. KCN Bình Vàng có quy mô gần 255 ha, gồm 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn I có diện tích gần 143 ha, tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng. Qua gần 5 năm hình thành, KCN Bình Vàng bước đầu khẳng định vai trò hạt nhân, động lực cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong KCN Bình Vàng, hiện có 16 dự án đăng ký đầu tư. BQL các KCN đã cấp GCN đầu tư cho 11 dự án, chấp thuận đầu tư 1 dự án, tổng số vốn đăng ký trên 3.136 tỷ đồng. Hiện tại, hầu hết các dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng, có 3 dự án đã đi vào hoạt động gồm: Trung tâm đào tạo - sát hạch lái xe mô tô và xe cơ giới đường bộ, Nhà máy gạch không nung công nghệ “đất hóa đá” và Nhà máy sản xuất Ferromangan của Công ty TNHH Ban Mai. Bước đầu, các dự án đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, có đóng góp cho ngân sách. Dự kiến, năm mới này có thêm 4 dự án khánh thành, đi vào hoạt động.
Các đồng chí lãnh đạo T.Ư, tỉnh tham quan khu Công nghiệp Bình Vàng.
Gần 5 năm xây dựng, tại KCN Bình Vàng đã hình thành ngành công nghiệp nặng gồm các nhà máy sản xuất Ferromangan và Silicomangan công suất 40 nghìn tấn/năm; gỗ công nghiệp công suất 100 nghìn m3/năm; vê viên tinh quặng sắt công suất 300 nghìn tấn/năm; chì thỏi - chì kim loại công suất 10 nghìn tấn/năm; sản xuất than coke công suất 600 nghìn tấn/năm; sản xuất tinh quặng sắt vê viên công suất 300 nghìn tấn/năm; thủy điện Sông Lô 2 công suất 28 MW; sản xuất mangan kim loại điện giải công suất 20 nghìn tấn/năm.
Các nhà đầu tư triển khai dự án tại KCN Bình Vàng sẽ tận dụng, khai thác được tiềm năng sẵn có về khoáng sản, lâm sản; được miễn tối đa 15 năm giá thuê đất, phí thuê hạ tầng thấp; nguồn lao động địa phương dồi dào. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn cũng gặp khó khăn do khoảng cách địa lý quá xa so với các trung tâm phát triển của đất nước; lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao rất ít, chủ yếu chưa qua đào tạo; không có doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cho thuê, dẫn đến khó khăn cho việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN.
Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển, BQL các KCN sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN; thực hiện các giải pháp chính sách, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào KCN, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng giai đoạn I như đường giao thông nội bộ, hệ thống điện, nước, nhà máy xử lý nước thải, khu tái định cư và triển khai lập dự án giai đoạn II KCN; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, thi công, hoàn thành các dự án đã đăng ký xây dựng tại KCN Bình Vàng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đồng thời, triển khai các dự án, công trình trọng điểm như: Trụ sở làm việc BQL các KCN tại KCN Bình Vàng, nhà ở cho công nhân...
Tổ hợp lò cao sản xuất Ferromangan của Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc đã được lắp đặt hoàn thiện.
Việc hình thành, phát triển KCN trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng với điều kiện của một địa phương miền núi với những khó khăn mang tính đặc thù nên rất cần được các bộ, ngành T.Ư rà soát, phân nhóm đối với các KCN đã được Chính phủ quyết định thành lập, từ đó có phương án cân đối ngân sách, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong đó, nâng mức hỗ trợ ngân sách T.Ư đối với KCN tại các địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn từ 100 lên 200 tỷ đồng. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN trong thời gian 5 - 10 năm. Hàng năm, tỉnh cũng cần bố trí vốn ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng.
Nhằm thu hút đầu tư vào các tỉnh Trung du, miền núi, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp thế mạnh, dựa trên tiềm lực sẵn có của các địa phương. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi riêng đủ mạnh với các dự án đầu tư tại các tỉnh miền núi điều kiện KT-XH khó khăn về thời gian thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần giao quyền chủ động cho BQL các KCN trong việc thẩm tra cấp GCN đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở các dự án, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trường hợp cần thiết mới xin ý kiến các ngành nhằm giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Ý kiến bạn đọc