Vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính

15:54, 24/01/2013

HGĐT- Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa đi vào trọng tâm, bà con nông dân vẫn sản xuất theo lối tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, các loại giống cây trồng chủ yếu vẫn là giống thuần địa phương, năng suất, sản lượng rất kém nên dù diện tích đất có rộng, tốn rất nhiều công sức, tiền của nhưng sản lượng sau mỗi vụ thu hoạch không đáng kể...



Người dân xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) tích cực mở rộng diện tích trồng cây ngô vụ đông.

Trước khó khăn đó, những năm trở lại đây, các cấp lãnh đạo và Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng; từ những mô hình nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang phát triển nông nghiệp theo thế mạnh, “lấy ngắn nuôi dài”, phá vỡ thế độc canh của những giống cây địa phương cho năng suất, sản lượng thấp trước đây. Đến nay, bà con nông dân đã sản xuất tập trung đi vào thế mạnh, theo hướng hàng hoá của từng vùng, miền. Do đó, sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhất là cây trồng vụ đông của tỉnh đã từng bước tạo được thu nhập ổn định cho người dân từ nguồn sản phẩm nông nghiệp hàng hoá...


Với mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, nên ngay từ trong năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã rất chú trọng tới công tác triển khai. Nhất là sau khi có Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp, chính quyền của các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh chương trình sản xuất cây vụ đông năm 2012. Theo kế hoạch, trong vụ đông năm 2012, toàn tỉnh tổ chức gieo trồng 8.500 ha cây vụ đông; trong đó gieo trồng 885 ha cây ngô đông tập trung tại các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; 480 ha cây khoai tây, tập trung tại các huyện vùng cao như Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ; 780 ha cây khoai lang và 6.355 ha cây rau, đậu các loại như cà chua, su hào, cải bắp, dưa chuột, đậu đỗ... nhằm phục vụ cho nhu cầu của thị trường và nhu cầu trong dịp Tết Quý Tỵ 2013. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, cuối vụ mùa gặp mưa dài ngày, không thu hoạch được, do đó không làm đất kịp để gieo trồng cây vụ đông nên ảnh hưởng đến tiến độ và quá trình sinh trưởng của cây trồng. Cùng với đó, không khí lạnh xuất hiện sớm làm cây sinh trưởng chậm, trên một số trà ngô đông đã trỗ cờ tung phấn gặp không khí lạnh bị ảnh hưởng đến năng suất. Nhận thức rõ những khó khăn, cản trở tới tiến độ, chất lượng của cây trồng vụ đông, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể, các huyện, thành phố linh hoạt, chủ động bàn bạc trong lãnh đạo huyện quyết định định mức hỗ trợ từng loại cây trồng theo thế mạnh của địa phương; theo sự đồng thuận của dân, sự hiệu quả về kinh tế cũng như chuẩn bị tốt, chủ động về giống, phân bón các loại. Ngành Nông nghiệp hướng dẫn các huyện, thành phố về khung thời vụ, cơ cấu giống lúa, ngô; hướng dẫn thực hiện công thức luân canh làm cơ sở để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí thời vụ hợp lý có đủ đất, nước và đủ thời gian để triển khai sản xuất vụ Đông; khuyến cáo người dân sử dụng những giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về chất lượng cũng như đảm bảo được lợi ích của người dân khi sử dụng những giống đã được nằm trong cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, của huyện. Không chỉ vậy, các địa phương còn chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn những chân đất có thể tổ chức sản xuất cây vụ đông, xây dựng quy hoạch vùng cụ thể đối với từng loại cây và triển khai cho nhân dân thực hiện chủ động các biện pháp về thời vụ, giống, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc theo công thức luân canh, nhằm phát huy tối đa diện tích có thể trồng cây vụ đông; căn cứ vào nguồn ngân sách chủ động đưa ra các hình thức hỗ trợ khác nhau cho các cây trồng trong vụ đông theo hình thức: Hỗ trợ giá giống từ 50 - 100%. Điển hình như các huyện Bắc Mê, Bắc Quang hỗ trợ 100% giá giống ngô, giống rau các loại.


Với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hữu hiệu từ tỉnh cho tới cơ sở nên tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh cơ bản đã kết thúc gieo trồng một số loại cây chính như: Ngô, khoai lang, khoai tây... Tổng diện tích đã gieo trồng trên 9.750ha, đạt 115,7% kế hoạch. Những chương trình, kế hoạch của ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai kết hợp với các cơ chế như: Hỗ trợ sản xuất cây vụ đông đối với các hộ nghèo của 6 huyện thuộc vùng 30a và hộ nghèo, cận nghèo tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn ở vùng thấp 2 năm liên tiếp với mức 100% giá giống đối với sản xuất ngô và 50% giá giống đối với cây khoai tây. Những đối tượng còn lại vay vốn qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để sản xuất cây vụ đông sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 12 tháng với mức vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 30 triệu đồng/hộ...


Từ những hiệu quả trong sản xuất vụ đông trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua, có thể thấy vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Nông dân đã tích cực mở rộng diện tích, mạnh dạn đưa những cây có thế mạnh, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như cây rau màu sớm, cà chua, bí ngô, ngô nếp, bí xanh, rau màu các loại... Bởi đây là những cây trồng phù hợp với đồng đất của địa phương, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất ổn định, thu hút được nhiều lao động. Tin rằng không chỉ vụ đông năm 2012 mà những vụ đông của các năm tiếp theo sẽ thu được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng chính nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương...


TUẤN ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả bước đầu Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá
HGĐT- Qua 4 năm triển khai thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang đã đạt được một số thành quả nhất định, có tính khả thi cao. Đặc biệt, người dân được trực tiếp tham gia và được hưởng lợi từ dự án nên đã nhận thức rõ về các cơ chế, chính sách cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống các dân tộc trên địa bàn 4
24/01/2013
Sang Phàng thoát nghèo nhờ cây mía
HGĐT- Thôn Sang Phàng (xã Đông Hà, huyện Quản Bạ) có 203 hộ với 854 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chính của người dân chỉ dựa vào 58 ha đất sản xuất nông nghiệp, nguồn nước tưới tiêu không thuận lợi, chỉ mùa mưa mới có nước, đời sống của nhân dân thiếu thốn trăm bề, đất canh tác chủ yếu là trồng ngô, lúa khoai, sắn.
24/01/2013
Qũy Đầu tư phát triển đất và bảo lãnh tín dụng triển khai hoạt động năm 2013
HGĐT- Ngày 22.1, Quỹ đầu tư phát triển đất và bảo lãnh tín dụng tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012 và triển khai hoạt động năm 2013. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Chủ tịch Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ chủ trì hội nghị. Đến dự có các đồng chí thành viên HĐQL, Ban kiểm soát, Ban điều hành, lãnh đạo và chuyên
23/01/2013
Dịch vụ kinh doanh mua, bán vàng miếng tại Agribank đem đến sự an toàn, ổn định cho khách hàng
HGĐT- Ngày 10.1 vừa qua đánh dấu một sự kiện nổi bật của thị trường năm 2013, khi Agribank Hà Giang là đơn vị đầu tiên khai trương dịch vụ kinh doanh mua, bán vàng miếng trong tỉnh. Bước đi này là kết quả trong việc thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng của Agribank Việt Nam nói chung và Agribank Hà Giang nói riêng. Từ đó, góp phần
19/01/2013