Trên những cánh đồng dưa Nà Vuồng

20:13, 30/01/2013

HGĐT- Cái rét ngọt miền sơn cước trong những ngày áp Tết không ngăn được không khí lao động sôi nổi đang diễn ra trên đồng ruộng Nà Vuồng, xã Yên Phong (Bắc Mê), nơi những thửa ruộng xác xơ cỏ mọc trong vụ Đông – xuân trước đây đã được thay thế bằng những ruộng dưa, bí cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững.



   Không khí lao động sôi nổi trên những cánh đồng dưa trải dài như góp phần đưa xuân về Nà Vuồng sớm hơn...


Thực hiện chủ trương của huyện Bắc Mê là mỗi thôn, xã chọn trồng một cây, nuôi một con thế mạnh của địa phương để tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thôn Nà vuồng đã chọn trồng cây dưa (bao gồm dưa hấu, dưa bở, dưa leo...) làm cây mũi nhọn của thôn. Nhờ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, lại không sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào nên dưa Nà Vuồng có vị ngọt đặc trưng, nhiều người thích ăn, ăn một lần thì nhớ mãi. Người dân Nà Vuồng chia sẻ rằng: Khoảng 5 năm về trước, Nà Vuồng chủ yếu trồng rau, mà rau Nà Vuồng cũng ngon đến lạ, mang ra chợ bán bao nhiêu cũng hết. Trong một lần đi bán rau ở chợ Bảo Lâm (Cao Bằng), những người phụ nữ tảo tần của thôn đã phát hiện ra loại dưa bở được trồng phổ biến nơi đây, ăn thấy ngon, giá cao nên ngỏ ý xin giống về trồng.

 

Vụ đầu tiên chỉ mấy hộ làm thử, nhưng dưa hợp đất nên “trúng” lớn, chỉ trong 3 tháng, trên thửa ruộng trước đây vẫn bỏ không vụ Đông - xuân, lần đầu tiên người dân thu về trên 20 triệu đồng. Đó là bước ngoặt tìm ra con đường thoát nghèo của người dân nơi đây. Từ mô hình trồng thử mà đến nay, cây dưa phát triển dần đến mọi nhà trong thôn, và giờ thì thành cây mũi nhọn được người dân Nà Vuồng đón nhận. Dừng tay cuốc bên ruộng dưavừa trồng xong và được phủ kín ni-lông, chị Mã Thị Thuyên cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng bí xanh, gần 5 năm nay thì chuyển qua trồng các loại dưa; cây dưa dễ trồng, ít đầu tư, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh mà giá bán khá cao, làm được bao nhiêu cũng bán hết. Năm 2012, tôi trồng gần 1.200m2 mà bán dưa được trên 20 triệu đồng. Lợi ích kinh tế cao nên năm nay thôn Nà Vuồng trồng kín cả cánh đồng làng gần 5 ha luôn đó”. Nhìn những ruộng dưa được trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, phủ kín ni-lông, tránh rủi ro khi hạt nảy mầm, chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Chị cán bộ Phòng NN&PTNT huyện ghé tai: “Bà con tự học kỹ thuật trồng dưa từ những người quen ở Bảo Lâm, nhờ chịu khó học hỏi mà giờ họ dày dạn kinh nghiệm như thế...”. Trưởng thôn Hoàng Văn Pía phấn khởi kể thêm về câu chuyện trồng dưa của dân mình: “Toàn thôn Nà Vuồng có 55 hộ dân, trong đó còn 15 hộ nghèo. Từ trước đến nay, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa, nuôi vài con lợn. Chăm chỉ làm ăn mà chẳng giàu lên được. Giờ thì có cây dưa, chỉ mới mấy năm mà nhiều hộ đã thoát được nghèo, làm nhà mới khang trang, to đẹp, sắm thêm nhiều thiết bị đắt tiền để nâng cao chất lượng cuộc sống...”.

 

Minh chứng điều vừa nói, ông chỉ cho chúng tôi thăm hộ gia đình chị Nông Thị Huyên, là một trong những gia đình năng động trong phát triển kinh tế, đi đầu trong việc đưa cây dưa về làng. Cây không phụ lòng người, chỉ mấy năm mà cây dưa đã góp phần giúp chị trở thành hộ giàu của thôn. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng dưa vừa gieo trồng, đến từng chân ruộng để cảm nhận sự nảy mầm, sức sống trên mỗi mầm xanh, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt của người nông dân; vui lắm vì người dân đã biết cách làm giàu nhưng tôi vẫn nhận ra niềm trăn trở hiện rõ trên khuôn mặt đăm chiêu của Chủ tịch UBND xã Yên Phong Hoàng Văn Tưởng: “Từ hiệu quả mà cây dưa mang lại, không chỉ thôn Nà Vuồng chọn cây trồng này làm cây mũi nhọn mà xã Yên Phong cũng xác định đây là cây trồng thế mạnh của địa phương; là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất, tăng năng suất và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, làm nông nghiệp hàng hóa mà chưa có sự ổn định về đầu ra thì sợ giá bán bị hạ thấp, người dân lại thiệt; trồng nhiều thì nguy cơ bị sâu bệnh đại trà cũng tăng lên; bên cạnh đó, do chưa có hệ thống thủy lợi nội đồng nên người dân vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công, gánh từng gánh nước từ xa về để tưới cho mấy ha diện tích như thế thì mất nhiều sức lao động...”.

 

Niềm trăn trở của Chủ tịch UBND xã quả đúng có lý do khi mà hiện nay, người dân Nà Vuồng vẫn chỉ trồng dưa theo kinh nghiệm, “ăn may” theo thời tiết và cái “duyên” bán đắt hàng. Khi diện tích gieo trồng được mở rộng, sự cạnh tranh và bất ổn về thị trường là điều có thật, bên cạnh đó, người dân Nà Vuồng đã bắt đầu có “thương hiệu” rau, quả sạch vì không dùng thuốc bảo vệ thực vật, việc giữ vững thương hiệu này sẽ trở nên khó khăn khi ngày càng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, trong khi người dân vẫn có thói quen mua thuốc trừ sâu trôi nổi trên thị trường? Xin gửi niềm trăn trở này của người dân Nà Vuồng đến cơ quan chức năng và ngành chuyên môn, sớm có cơ chế hỗ trợ giúp người dân yên tâm sản xuất và giữ vững “thương hiệu” sẵn có. Được biết, vụ Đông – xuân năm nay, xã Yên Phong hỗ trợ cho các hộ đăng ký trồng dưa ở Nà Vuồng 250 kg phân bón trích từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp của xã. Nguồn hỗ trợ chưa nhều nhưng là sự động viên, khích lệ người dân tham gia sản xuất, phát triển kinh tế. Nà Vuồng là một trong những thôn điểm xây dựng NTM của huyện Bắc Mê, bên cạnh những đổi thay về hạ tầng cơ sở thì cây dưa đang góp phần làm nên diện mạo mới cho vùng rừng núi xa xôi này.

 

Chia tay Nà Vuồng trong cái bắt tay bịn rịn hẹn ngày gặp lại bên những ruộng dưa chín vàng, đoàn chúng tôi về phố huyện trong niềm vui ấm áp của những ngày Tết cổ truyền đang cận kề. Nà Vuồng - Xuân đang về trên những ruộng dưa non...


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kho bạc Nhà nước Hà Giang với tiến trình cải cách hành chính Nhà nước
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Năm 2012, Kho bạc Nhà nước Hà Giang tiếp tục tập trung nhân lực triển khai mục tiêu chiến lược phát triển ngành Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 trở thành Kho bạc điện tử; dự án hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (gọi tắt TABMIS); triển khai dự án hiện đại hoá quy trình thu nộp NSNN (TCS); triển khai công tác phối hợp thu ngân sách Nhà
30/01/2013
Yên Minh quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư XDCB
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Năm 2012 được đánh giá là năm gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Yên Minh. Tuy nhiên, với sự tham mưu tích cực của BQL Đầu tư Xây dựng (ĐTXD) giúp huyện quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng trên cơ sở đảm bảo nghiêm túc sự chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh.
30/01/2013
Xuân về trên vùng rau, hoa
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Trong không khí vui tươi của toàn Đảng, toàn dân đón chào mùa Xuân mới, năm nay, người dân vùng rau, hoa Quyết Tiến (Quản Bạ) đón Xuân với một tâm trạng vui mừng, phấn khởi hơn, bởi năm qua, bà con nơi đây đã gặt hái được nhiều thành quả, đảm bảo cho người dân đón một cái Tết sung túc, đầm ấm với nhiều niềm tin mới.
30/01/2013
Công ty TNHH Một thành viên XSKT Hà Giang: Tiếp tục là đơn vị dẫn đầu
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết (XSKT) Hà Giang được giao nhiệm vụ quản lý và tổ chức phát hành kinh doanh các hoạt động xổ số kiến thiết trên địa bàn tỉnh, nhằm huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của các tầng lớp nhân dân, góp phần đấu tranh
30/01/2013