“Nhất nước...”
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Cha ông ta từ ngàn đời xưa đã đúc kết kinh nghiệm “Nhất nước, Nhì phân, Tam cần, Tứ giống” để nói về vai trò quan trọng của nước - yếu tố đứng đầu, đóng vai trò quyết định đến thành bại của sản xuất nông nghiệp. Nước là thứ ta uống hàng ngày mỗi khi khát, thứ ta tắm mỗi khi nóng.
Hệ thống kênh dẫn nước thuỷ lợi Nà Ray.
Nước gắn bó với cuộc sống hàng ngày của con người, nhưng mỗi khi mùa nước lên, những làng mạc, bãi bờ vùng ven sông Hồng quê tôi bị nhấn chìm trong bể nước mênh mông, đục ngàu, trở thành nỗi khiếp đảm của con trẻ. Thế nhưng, càng đi xa những ngày thơ ấu, càng xa vùng bãi ven sông Hồng, tôi càng hiểu, càng thấm thía vai trò quan trọng của nước. Đối với Hà Giang - mảnh đất miền biên viễn nơi tôi đang sống, làm việc, nhiều nơi nước còn quý hơn vàng. Những ngày mùa đông khắc nghiệt, nước ngọt để uống còn khan hiếm, chứ chưa nói gì đến nước dùng sinh hoạt hàng ngày, chăn nuôi, cấy trồng. Năm nào mưa thuận, gió hoà, nguồn nước dồi dào, năm đấy không những mùa màng tươi tốt, các hồ chứa đầy nước để dùng trong mùa đông. Còn năm hạn hán, ít mưa, cây cối kém xanh tươi và cơn khát càng khắc nghiệt hơn.
Các công trình thuỷ lợi dẫn nước về đồng ruộng đã làm nên những vụ mùa bội thu.
Hiểu rõ vai trò quan trọng của nước, càng hiểu hơn về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên việc đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ lợi, dẫn nước từ các khe suối về phục vụ sản xuất được tỉnh ta rất chú trọng. Hiếm có nơi nào như quê mình, đồng đất manh mún, có những cánh đồng chỉ rộng vài héc ta thế nhưng cũng phải đầu tư công trình thuỷ lợi dẫn nước về phục vụ sản xuất. Đồng đất manh mún, không tập trung, độ dốc lớn nên đa phần công trình thuỷ lợi là hệ tự chảy với quy mô tưới từ 5 đến dưới 300 ha. Nhỏ như vậy, nhưng đã mang lại hiệu quả rất lớn, đã làm nên những mùa vàng bội thu, đưa tỉnh ta từ một địa phương thường xuyên phải xin trợ cấp lương thực của Chính phủ, nay vươn lên đảm bảo an ninh lương thực, và còn đang hướng đến một nền sản xuất hàng hoá. Ngay như năm 2012 vừa qua, trong khi các lĩnh vực kinh tế khác gặp nhiều khó khăn, thì sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tăng trưởng nông, lâm nghiệp bền vững. Tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt trên 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2011, trong đó trồng trọt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, chăn nuôi, thuỷ sản đạt trên 325 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt gần 37 vạn tấn, lương thực bình quân đạt 486kg/người/năm, đảm bảo an ninh lương thực.
Theo kết quả rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện đã đầu tư xây dựng được hơn 1 nghìn công trình thuỷ lợi. Trong đó, 19 hồ chứa có công trình đầu mối là đập đất, được xây dựng tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Còn lại là các công trình thuỷ lợi nhỏ, đập đầu mối bằng bê tông hoặc đá xây, với hiệu ích phục vụ tưới cho 9 nghìn ha lúa đông xuân và hơn 20 nghìn ha lúa mùa, hiện các công trình hoạt động tương đối hiệu quả. Còn ở các vùng khó khăn về nguồn nước như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, hiện có 148 công trình phục vụ tưới tự chảy cho trên 1 nghìn ha lúa xuân và gần 5 nghìn ha lúa mùa, còn gần 28 nghìn ha ngô, cây trồng khác vẫn phải trông chờ vào nguồn nước mưa.
Dẫn ra con số trên để khẳng định, nguồn nước vùng cao khan hiếm, đầu tư hệ thống thuỷ lợi, gom nước phục vụ tưới tiêu càng khó khăn, và việc quản lý để các công trình này phát huy hiệu quả luôn là nhiệm vụ nặng nề. Vì vậy, hàng năm Chi cục Thuỷ lợi luôn chủ động rà soát hiện trạng các công trình trên địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tổ chức kinh tế, cá nhân trong việc khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, các công trình sau khi đầu tư xây dựng xong được bàn giao về cho địa bàn cơ sở trực tiếp quản lý, bảo vệ và khai thác. Từ đó, các huyện đã đôn đốc các xã có diện tích lúa được hưởng lợi từ các công trình thuỷ lợi thành lập HTX hoặc BQL công trình được củng cố, kiện toàn, mở tài khoản để tiếp nhận nguồn kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí của Chính phủ. Hiện nay, tỉnh đã thành lập được 172 tổ quản lý, 28 HTX dùng nước.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Mạnh An, Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi khẳng định: Các công trình thuỷ lợi được đầu tư trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần làm nên những mùa vàng bội thu. Hơn nữa, công tác quản lý các công trình thuỷ lợi được kiện toàn, phát huy hiệu quả thực sự nên các công trình được bảo vệ, kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố, tính an toàn, hiệu quả của hồ đập, kênh dẫn nước luôn được phát huy.
Ý kiến bạn đọc