Mô hình trồng rừng kinh tế gắn thâm canh cách làm mới ở Bắc Quang
Đây là mô hình mới tại tỉnh ta nhằm từng bước góp phần thay đổi tập quán trồng rừng của người dân, từ trồng rừng dựa vào điều kiện tự nhiên, sản xuất theo phương thức quảng canh sang sản xuất thâm canh, góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng rừng trồng, cải tạo rừng một cách bền vững và rút ngắn chu kỳ sản xuất...
Kiểm tra mô hình rừng kinh tế gắn với thâm canh tại thôn Tân Thành 2, Liên Hiệp, Bắc Quang.
Là địa bàn có tiềm năng, lợi thế rất lớn từ lĩnh vực lâm nghiệp, những năm qua, nhiều hộ ở Bắc Quang đã có nguồn thu nhập không nhỏ từ lĩnh vực này. Cùng với đó, việc phát triển các diện tích rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc đã góp phần cải tạo môi trường sinh thái. Qua đó, khi có kế hoạch triển khai mô hình trồng rừng kinh tế gắn với thâm canh, huyện Bắc Quang đã tích cực đón nhận và chỉ đạo khảo sát và thực hiện mô hình. Huyện chọn thôn Tân Thành II (xã Liên Hiệp), nơi có phong trào trồng rừng khá tốt để triển khai mô hình với diện tích 20ha và vận động 5 hộ dân có kinh nghiệm trồng rừng, có diện tích liền khu, liền khoảnh, nằm trong vùng quy hoạch trồng rừng sản xuất tham gia.
Để triển khai hiệu quả mô hình, 5 hộ tham gia đã được hỗ trợ giống, phân bón và phải đầu tư công lao động, thuốc bảo vệ thực vật. Trên cơ sở đó, ngay từ tháng 5.2012, việc triển khai tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân đã được tiến hành kỹ với số lượng hộ được tập huấn lên đến 25 hộ. Sau khi xử lí thực bì, việc trồng rừng được tiến hành với 2 giống keo lai giâm hom và keo hạt ngoại. Đây là những giống được Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng Từ Liêm – Hà Nội. Đến giữa tháng 7, việc trồng rừng mô hình đã hoàn thành với mật độ trồng tiêu chuẩn 1.660 cây/ha. Các hộ áp dụng quy trình kỹ thuật với định mức bón phân NPK 498kg/ha gồm bón lót, bón thúc...
Đến nay, qua 6 tháng trồng, các diện tích rừng mô hình đã hoàn thành chăm sóc lần 2. Qua đánh giá, cây trồng sinh trưởng, phát triển khá tốt với tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, chiều cao trung bình đạt khoảng 1m. Thời gian qua, các cán bộ kỹ thuật thường xuyên có sự theo dõi sát và hướng dẫn các hộ trồng dặm, phát quang cỏ, tỉa cành để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt. Quá trình theo dõi, các cán bộ kỹ thuật cùng với các hộ dân còn chú ý đến việc quan sát, so sánh sự phát triển của các diện tích keo lai giâm hom, keo hạt ngoại. Đặc biệt là việc so sánh rừng trồng thâm canh với rừng trồng quảng canh trên cùng một loại giống, cùng một điều kiện lập địa để phân biệt được mức độ sinh trưởng của cây bón phân theo quy trình so với cây trồng quảng canh không bón phân. Từ đó, cho thấy một sự chênh lệch khá lớn và chứng tỏ việc trồng rừng thâm canh theo quy trình kỹ thuật, bón phân sẽ nâng cao chất lượng, sản lượng rừng.
Đồng chí Bàn Thị Vi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh triển khai mô hình trồng rừng kinh tế gắn với thâm canh với mong muốn mô hình sẽ từng bước được triển khai trên diện rộng, thay thế cho phương pháp sản xuất quảng canh, năng suất thấp hiện nay. Việc triển khai 20ha mô hình ở thôn Tân Thành II (xã Liên Hiệp) với sự phát triển khá tốt là thực tế để cho người dân thấy được vai trò của khoa học, kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp, đồng thời giúp bà con thấy được rằng có thể sống được bằng việc phát triển rừng... Anh Lương Văn Minh, một hộ dân tham gia mô hình trồng rừng thâm canh với 4ha chia sẻ, qua thời gian triển khai 6 tháng, nhưng chúng tôi đã thấy được sự phát triển rất tốt của rừng thâm canh, cây lớn rất nhanh, khác hẳn so với việc trồng rừng không theo quy trình, trồng dày và ít đầu tư như trước đây. Còn với anh Mông Văn Đỗ, gia đình tham gia 6,2ha vào mô hình thì tâm sự, đây là lần đầu tiên anh và người dân ở thôn Tân Thành II được trồng rừng theo khoa học. Ban đầu có hộ nói, lúa còn ít được bón phân huống chi là rừng, nhưng nay người dân đã hiểu rõ ý nghĩa và rất đồng tình. Nếu nhân rộng, chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng của người dân địa phương. Anh Đỗ cũng mong muốn ngành nông nghiệp cần nghiên cứu loại cây trồng xen canh phù hợp với rừng thâm canh để khuyến khích bà con trồng...
Theo ngành Nông nghiệp, với chu kỳ trồng rừng thâm canh giống keo lai ước kéo dài khoảng 6 – 7 năm, so với trồng keo quảng canh kéo dài khoảng 10 năm, sản lượng gỗ đạt được cao hơn. Hơn nữa, cây keo lai không kén đất, khả năng tái tạo dinh dưỡng cho đất lớn, thân gỗ làm giấy hoặc chế biến đồ gỗ chắc, bền hơn so với giống keo nội. Từ đó, trong tương lai, việc trồng rừng kinh tế gắn với thâm canh cây keo lai sẽ là mô hình hứa hẹn không chỉ cải thiện hiệu quả kinh tế rõ rệt, mà còn thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, để việc triển khai mô hình này ở tỉnh ta đem lại hiệu quả, cần học hỏi, khảo nghiệm thêm việc trồng xen các loại cây ngắn ngày để lấy ngắn, nuôi dài như trồng cây dược liệu, trồng sắn, đậu, lạc... trong thời gian rừng chưa khép tán để tăng thu nhập cho người dân.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc