Kho bạc Nhà nước Hà Giang với tiến trình cải cách hành chính Nhà nước
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Năm 2012, Kho bạc Nhà nước Hà Giang tiếp tục tập trung nhân lực triển khai mục tiêu chiến lược phát triển ngành Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 trở thành Kho bạc điện tử; dự án hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (gọi tắt TABMIS); triển khai dự án hiện đại hoá quy trình thu nộp NSNN (TCS); triển khai công tác phối hợp thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thông qua hệ thống Ngân hàng Thương mại; đổi mới cơ chế kiểm soát chi đầu tư, chi thường xuyên; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO TCVN 9001-2008 vào quản lý của ngành.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển của KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc, trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: Quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính Nhà nước; quản lý ngân quỹ và nợ Chính phủ; tổng kế toán Nhà nước nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính Nhà nước và để đến năm 2020 các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành kho bạc điện tử”.
Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) là nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, là cơ sở dữ liệu tập trung tại Trung ương, việc chuyển đổi số liệu thu chi NSNN được triển khai diện rộng toàn ngành Tài chính từ tháng 10 năm 2009 (ngành KBNN là chủ đạo thực hiện 90% công việc) và đến tháng 12.2012 tất cả 63 tỉnh, thành phố và 37 Bộ, ngành của Trung ương được hòa vào hệ thống TABMIS, đánh dấu một sự kiện quan trọng của dự án, đến nay hệ thống đang vận hành tại 1.500 điểm trên toàn quốc, với người sử dụng định danh trên hệ thống 9.000 người; yêu cầu đệ trình trên hệ thống lúc cao điểm lên 42.000 yêu cầu đồng thời. Dự án đang tiếp tục vận hành và triển khai các giai đoạn tiếp theo cho đến khi số liệu thu, chi NSNN của các Bộ, ngành, các địa phương và các đơn vị sử dụng NSNN được nhập vào hệ thống TABMIS và đến khi chỉ còn giao dịch điện tử lúc đó trở thành “Kho bạc không có tiền giấy, không có chứng từ giấy, không có kháchgiao dịch”.
Hệ thống thanh toán điện tử KBNN được triển khai từ năm 2008 là một bước đột phá trong thanh toán, các giao dịch thanh toán chuyển khoản trước đây thanh toán bằng thủ công (thanh toán liên kho) chuyển bằng chứng từ giấy sang hệ thống Ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản, có những món giao dịch đến tuần, thậm chí là tháng tiền mới đến tài khoản; từ khi hệ thống thanh toán điện tử được đưa vào sử dụng và kết nối với giao diện của TABMIS, việc thanh toán nội tỉnh, hay ngoại tỉnh, trong hệ thống hay ngoài hệ thống chỉ còn tính bằng phút tiền được chuyển đến tài khoản ngay; đồng vốn của doanh nghiệp quay vòng sớm hơn tiếp tục tái sản xuất mở rộng, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cho nền kinh tế.
Dự án hiện đại hóa quy trình thu nộp NSNN (TCS) do cơ quan Thuế thường trực (là hệ thống phần mền trung gian) triển khai năm 2010, mọi khoản thu NSNN được nhập vào hệ thống, kết nối với giao diện của TABMIS, kết nối cơ quan Thuế, với cơ quan KBNN với hệ thống Ngân hàng Thương mại; có nhiều tiện ích và hiện đại giúp cho cơ quan Thuế quản lý đầy đủ các tổ chức, cá nhân là đối tượng nộp thuế, nắm chắc số thuế đã thu nộp trong kỳ, lũy kế số đã nộp vào NSNN và phân chia cho các cấp NSNN chính xác, kịp thời.
Thực hiện thỏa thuận của KBNN Trung ương với hệ thống Ngân hàng thương mại về hợp tác phối hợp thu các khoản thuế, phí và lệ phí thông qua hệ thống Ngân hàng thương mại; tại địa bàn Hà Giang KBNN Hà Giang đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Công thương chi nhánh tại Hà Giang, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; ủy nhiệm tập trung các khoản thu ngân sách Nhà nước tại năm địa bàn (Thành phố Hà Giang, Huyện Bắc Quang, Huyện Vị Xuyên, Huyện Quang Bình, Huyện Bắc mê); việc ủy nhiệm thu là tạo thuận lợi cho các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước, có thể nộp NSNN tại cơ quan KBNN, hoặc Ngân hàng thương mại nơi gần nhất, lựa chọn thời thời gian hợp lý, giảm áp lực giao dịch cho cơ quan KBNN cùng cấp.
Về kiểm soát các khoản chi NSNN: Kiểm soát chi đầu tư trước đây theo quy trình cũ, việc thanh toán vốn đầu tư trong phiếu giá phải có chữ ký của nhà thầu, báo cáo khối lượng A- B và vài loại chứng từ và bảng kê và giấy đề nghị khác; nhưng giờ đây theo quy trình mới chỉ cần một giấy đề nghị thanh toán vốn của chủ đầu tư, không cần chữ ký của nhà thầu là đủ điều kiện thanh toán. Trong kiểm soát chi thường xuyên, mua sắm, sửa chữa theo Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 2/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước thay thế Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính, là một minh chứng nữa về cải cách hành chính và theo lộ trình phát triển KBNN điện tử, giảm thiểu hồ sơ chứng từ kế toán lưu tại KBNN; tăng trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước. Kho bạc Nhà nước chủ yếu kiểm soát theo bảng kê, hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn, ngoài ra KBNN không yêu cầu thêm thủ tục chứng từ như trước đây và tiến tới kiểm soát theo cam kết chi.
Năm 2012 cũng là năm các phòng nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước Hà Giang được cấp chứng nhận sự phù hợp theo Hệ thống quản lý chất lượng ISO TCVN 9001-2008 từ tháng 10 năm 2012 về các quy trình nghiệp vụ; hiện nay đang tập huấn, xây dựng quy trình cho KBNN các huyện dự kiến cấp chứng nhận trong quý một năm 2013; cùng với việc giao dịch qua “một cửa” trong hai lĩnh vực chi đầu tư, chi thường xuyên với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách giao dịch, chống phiền hà cho các đơn vị giao dịch.
Với việc triển khai hàng loạt nhiệm vụ theo mục tiêu chiến lược phát triển của ngành, theo lộ trình cải cách hành chính Nhà nước, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực thi nhiệm vụ chuyên môn đảm bảo tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy trình nghiệp vụ, công khai minh bạch giao tiếp văn minh, văn hóa nghề... Hệ thống Kho bạc Nhà nước Hà Giang tin tưởng chắc chắn rằng sẽ mang lại sự hài lòng với khách hàng.
Ý kiến bạn đọc