Hiệu quả bước đầu Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá
HGĐT- Qua 4 năm triển khai thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang đã đạt được một số thành quả nhất định, có tính khả thi cao. Đặc biệt, người dân được trực tiếp tham gia và được hưởng lợi từ dự án nên đã nhận thức rõ về các cơ chế, chính sách cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống các dân tộc trên địa bàn 4 huyện. Cùng với đó, dự án còn giúp bà con hình thành ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái cho hôm nay và mai sau...
Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư , Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hỗ trợ tiền, gạo cho người dân trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, cây dược liệu và trồng cỏ chăn nuôi nhằm bảo vệ, phát triển rừng và góp phần duy trì, đảm bảo đời sống nhân dân, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Sau 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được một số thành quả nhất định và có tính khả thi cao. Đặc biệt, bà con là người trực tiếp tham gia, được hưởng lợi từ dự án đã nhận thức rõ về các cơ chế, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đời sống nhân dân các dân tộc. Cùng với đó, đã hình thành ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái... Diện tích rừng tự nhiên núi đá, núi đất được phục hồi, công tác bảo vệ rừng được toàn dân tích cực tham gia, nhiều diện tích đất trống, đồi trọc là nương rẫy không còn khả năng canh tác cây nông nghiệp được người dân trồng rừng thay thế để cung cấp nhu cầu về gỗ, chất đốt... Dự án được thực hiện đã góp phần nâng độ che phủ rừng của toàn vùng từ gần 31% năm 2007 lên gần 40% năm 2011, đạt 56% so với mục tiêu của dự án đề ra đến năm 2015 nâng độ che phủ rừng trong vùng dự án lên 46,7%. Hệ thống rừng phát triển ổn định, đã và đang phát huy tốt chức năng phòng hộ đầu nguồn, duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất, tạo ra không gian xanh cho vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như môi trường sinh sống của bà con nhân dân; bảo tồn các loài thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, như: Thông đỏ, vàng; Bách vàng, xanh; Tùng la hán... Quan trọng hơn, từ khi thực hiện dự án, ý thức bảo vệ rừng cộng đồng ngày càng được nâng cao, không còn tình trạng phá rừng tràn lan, số vụ cháy rừng giảm mạnh; công tác phòng, chống cháy rừng được toàn thể nhân dân hưởng ứng tham gia nhiệt tình... Nhờ vậy, đã hạn chế rất nhiều thiệt hại xảy ra, diện tích rừng tự nhiên của 4 huyện vùng cao được giao khoán trên hồ sơ cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư bảo vệ nên diện tích có rừng tăng lên hàng năm. Cụ thể, năm 2007 diện tích đất có rừng đủ điều kiện đưa vào khoanh nuôi, bảo vệ hơn 96.172ha; đến nay, đất có rừng được khoanh nuôi, bảo vệ 101.869ha, tăng hơn 5.696ha so với năm 2007. Không chỉ vậy, thông qua chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng sản xuất được cấp phát vào các thời điểm giáp hạt hơn 6.477 tấn gạo, giúp cho bà con không bị đói trong thời gian khó khăn nhất. Nhờ đó, trong 4 năm qua, 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh đã có trên 28 ngàn hộ gia đình tham vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn, việc làm cho trên 50 ngàn lao động...
Nhờ lợi ích, hiệu quả của Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang mang lại quả thật không nhỏ. Thông qua dự án đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại 4 huyện vùng cao núi đá. Với hơn 4.583ha rừng trồng sản xuất thì đây sẽ là nguồn thu đáng kể về chất đốt, gỗ gia dụng đối với các hộ gia đình. Hơn thế, hiện nay nhiều diện tích rừng phòng hộ đã khép tán, phát triển tạo nguồn nguyên liệu chất đốt góp phần quan trọng trong việc giảm tải người dân tác động vào rừng tự nhiên. Ngoài ra, thông qua chính sách hỗ trợ đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp, cá nhân liên doanh, liên kết với người dân theo hình thức nhà đầu tư bỏ vốn trồng rừng, người dân góp đất và sức lao động trồng rừng. Phát huy những thành quả đạt được, trong giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của rừng; nguồn lực đất đai, lao động, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách của dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên Cao nguyên đá. Nhờ thực hiện có hiệu quả các mục tiêu dự án đã đề ra, 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh đang từng bước vươn lên, đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, xứng đáng với vị trí quan trọng ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc