Góp một nét Xuân trên Cao nguyên Đồng Văn
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Với đặc trưng riêng có của mình, Cao nguyên đá Đồng Văn luôn là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong nước và nước ngoài; là nơi có tiềm năng, lợi thế về phát triển dịch vụ, du lịch. Nhưng nơi đây cũng có quá nhiều những thách thức, khó khăn rất lớn đối với những người làm nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các ngành, các cấp; những nỗ lực hết mình của các cơ quan chuyên môn và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn mà các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2012 cơ bản đạt và vược mức kế hoạch đề ra, góp phần tạo nên một nét xuân tươi mới trên Cao nguyên.
Chăm sóc lúa nước tại thôn Tắc Tằng, xã Ma lé.
Có thể khẳng định, năm 2012, thời tiết, khí hậu trên địa bàn huyện rất khắc nghiệt, biến đổi bất thường được thống kê qua một số trận bão lốc như: Ngày 20.4.2012, mưa đá kèm lốc xoáy gây thiệt hại hư hỏng 335 nhà (328 nhà dân, 7 công trình nhà lớp học, nhà văn hóa thôn, trạm y tế) tại 6 xã trên địa bàn huyện, thiệt hại ước tính 833,09 triệu đồng. Cơn bão số 4 gây mưa lớn kéo dài từ 26.7 – 30.7 gây thiệt hại 28 nhà (26 nhà dân, 2 điểm trường), thiệt hại ước tính 460,275 triệu đồng. Cơn bão số 5 gây mưa lớn kéo dài từ 17.7 – 19.7, làm 6 hộ thuộc 2 xã thiệt hại ước tính khoảng 36,99 triệu đồng... Tổng thiệt hại do thiên tai năm 2012 ước tính trên 1.659,56 triệu đồng. Đó mới chỉtính những thiệt hại về tài sản, vật chất. Đối với các loại cây trồng, điều kiện canh tác trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp thì những trận bão lốc gây ra những tổn thất vô cùng lớn. Vượt lên điều kiện khó khăn đó, bằng kinh nghiệm tổ chức sản xuất, trình độ chuyên môn vững vàng, tập thể phòng Nông nghiệp – PTNT huyện đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn trong huyện tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại; tổ chức cho nhân dân lao động sản xuất để lấy lại năng suất, sản lượng bị mất.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 16.098,7 ha, so kế hoạch tăng 2,6%, so với năm trước tăng 4,2% ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 28.063,35 tấn, tăng 4,5% so với năm 2011. Trong đó, diện tích lúa trồng được 829 ha, năng suất bình quân đạt 54,3 tạ/ha, sản lượng đạt 4.506,19 tấn. Cây ngô cả năm trồng được 7.067,0 ha, so với kế hoạch tăng 1,7%, so với năm trước tăng 5,9%; năng suất bình quân đạt 33,33 tạ/ha, sản lượng đạt 23.557,16 tấn. Ngoài ra, các loại cây trồng như đậu tương, khoai tây, chè, cây ăn quả, cây dược liệu... được chú trọng phát triển, nhiều loại cây trồng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Về chăn nuôi, Trong năm không có dịch bệnh lớn xảy ra, các điểm phát bệnh nhỏ lẻ được xử lý kịp thời. Chỉ tính đến 10.2012, tổng đàn trâu có 1.214 con, tăng5 con, đàn bò 19.117 con, đàn lợn 23.532 con, đàn dê 16.718 con, 228 con ngựa và 171.495 con gia cầm. Để đàn gia súc, gia cầm ổn định và phát triển, trong năm đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại Vacin; cấp 1.062 lít hóa chất Benkocid và chỉ đạo phun khử trùng tiêu độc chuồng trại được 531.000 m2. Bên cạnh đó công tác giết mổ, kiểm soát dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển nội tỉnh được thực hiện tốt. Về lâm nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật, dưới Luật về quản lý bảo vệ rừng; triển khai thực hiện các văn bản trong năm do UBND huyện ban hành; kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR-BVR cấp huyện, cấp xã và Tổ chỉ huy PCCCR-BVR tại thôn, bản. Trong năm 2012 trồng mới rừng cảnh quan được 80ha, đạt 100% KH và trồng mới được 60,6 ha rừng phân tán (cây Mác rạc). Thực hiện khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho nhân dân được 8.521 ha rừng khoanh nuôi, 9.407,9 ha rừng tự nhiên. Chăm sóc 772,4 ha rừng trồng các năm. Tỷ lệ tre phủ rừng đạt 34,5%.
Nhìn lại một năm hoạt động của ngành nông, lâm nghiệp có thể thấy rằng cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, cây trồng năng suất cao được đưa vào trồng ngày càng chiếm tỷ lệ cao, công tác thâm canh được chú trọng, đã tạo sự đột biến trong tăng năng suất, sản lượng, từng bước nâng cao giá trị sản xuất/đơn vị đất canh tác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông, lâm nghiệp. Việc sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, có sự chuyển biến về sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Đồng thời thông qua kết quả các mô hình, các lớp tập huấn kỹ thuật về các cây trồng cho nhân dân, đã từng bước tạo sự chuyển biến, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân đối với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Với cương vị là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT, đồng chí Nguyễn Thanh Tuân cho biết: Bước sang năm 2013 sẽ tiếp tục duy trì sản lượng lương thực bằng hình thức đưa giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng, thâm canh. Chỉ đạo mở rộng diện tích các cánh đồng mẫu lúa, ngô. Chỉ đạo thực hiện luân canh cây trồng, cây trồng vụ đông, với mục đích tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn. Tập trung phát triển chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình và chăn nuôi hàng hoá ở những nơi có điều kiện. Tập trung vào công tác phục tráng đàn giống gia súc. Mở rộng diện tích trồng cỏ và khoanh nuôi những cây bản địa xanh quanh năm để phát triển chăn nuôi gia súc. Tăng cường tuần tra, kiểm soát lâm sản, công tác PCCCR-BVR trên địa bàn huyện, điều tra xác minh, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, gây cháy rừng theo quy định của pháp luật. Thực hiện công tác phát triển rừng hiện có. Chủ động nguồn giống để trồng mới 10 ha rừng cảnh quan, phân tán đảm bảo đúng thời vụ. Tiếp tục xây dựng đường ranh cản lửa, bể chứa nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng...
Năm 2012 đã qua đi với khá nhiều khó khăn, thử thách nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đồng Văn đã vươn lên đạt được những thành tích to lớn về kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành nông, lâm nghiệp. Sự đóng góp đó như một nhành Xuân làm bừng lên sắc Xuân nơi biên cương thêm ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc