Đậu tương thêm vững “kiềng ba chân”
HGĐT - Chưa được xem là cây trồng chủ lực, nhưng từ lâu đậu tương đã chứng minh là loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đang ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh ta. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các ngành, các cấp chính quyền dành cho loại cây này đang mở ra những vùng chuyên canh đậu tương rộng lớn, góp thêm một cây trồng thế mạnh bên cạnh cây lúa, ngô để giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Những ruộng đậu tương giống mới trên địa bàn huyện Bắc Mê góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Ngày 10.3.2011, UBND tỉnh đã có Đề án số 19/ĐA - UBND về phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung với mục đích phát huy lợi thế của cây trồng này, tạo ra sản phẩm cây đậu tương theo hướng thâm canh, tăng năng suất và chất lượng để hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Sau hai năm triển khai thực hiện đề án tại 7 huyện là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần và Bắc Mê, tình hình sản xuất cây đậu tương trên địa bàn các huyện đã có chuyển biến tích cực: Diện tích và năng suất đều tăng mạnh theo từng năm; người dân đã chủ động hơn trong việc sản xuất và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới DT84 nguyên chủng vào sử dụng, thay thế loại giống địa phương đã thoái hóa. Trong năm 2012, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 21.488 ha cây đậu tương (đạt 99,2 % KH), năng suất bình quân đạt 11,54 tạ/ha (đạt 87,9 % KH), sản lượng trên 24.796 tấn (đạt 87,2 % KH). Trong đó, đậu tương giống mới chiếm khoảng trên 90 % diện tích, chủ yếu là giống DT84, còn lại là giống địa phương; một số huyện có diện tích trồng cây đậu tương lớn như: Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì... Theo đánh giá của ngành chức năng, tuy giai đoạn đầu thực hiện đề án chưa đạt so với kế hoạch đề ra nhưng nhờ sự năng động trong công tác lãnh, chỉ đạo, sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên đã khuyến khích và thúc đẩy người dân phát triển trồng cây đậu tương với diện tích lớn; đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều cách làm hay từ cơ sở mang lại hiệu quả cao như: Mô hình cánh đồng mẫu đậu tương tại huyện Hoàng Su Phìvới diện tích 37 ha, đậu tương được gieo trồng theo phương thức “5 cùng” bằng giống DT84 nguyên chủng, kết hợp với việc sản xuất giống tại chỗ để đáp ứng nhu cầu về giống cho người dân trong toàn huyện; mô hình giống mới tại 13/13 xã, thị trấn thuộc huyện Quản Bạ nhằm đưa giống mới vào sản xuất, thay thế loại giống cũ thoái hóa kém chất lượng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản địa phương; hay xuất hiện những cánh đồng đậu tương “trăm quả” trên đất Bắc Mê... Nhiều địa phương khác cũng đã tích cực tổ chức sản xuất giống tại chỗ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi giống của người dân. Ngành Nông nghiệp tổ chức khảo nghiệm các loại giống đậu tương mới có ưu thế tại các huyện, các trung tâm KHKT để lựa chọn bộ giống đậu tương chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, có thể chịu hạn, có thể đứng chân trên đất 1 vụ nhưng vẫn mang lại năng suất cao... Theo tìm hiểu của chúng tôi tại những vùng được các huyện tập trung phát triển cây đậu tương thì điều làm những người trong ngành Nông nghiệp trăn trở là: Năng suất cây đậu tương tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ mới xuất hiện một số vùng nhỏ lẻ tại các thôn bản có năng suất cao nhưng chưa nhân rộng được mô hình; tập quán sử dụng giống thuần địa phương để gieo trồng của người dân khiến cho việc chuyển đổi giống, áp dụng KHKT còn chậm. Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện các phương án, đề án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiêp của tỉnh, nhiều đại biểu đã thảo luận các vấn đề xoay quanh đề án cây đậu tương: Tìm giải pháp nâng cao giá trị hàng hóa cho đậu tương, nhân rộng mô hình điển hình để tăng năng suất chung cho các vùng đậu tương toàn tỉnh; có cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích người dân áp dụng KHKT vào sản xuất, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề án đặt ra trong năm 2013 là tăng diện tích gieo trồng lên 22.690 ha. Tích cực áp dụng KHKT, đảm bảo quy trình thâm canh đúng thời vụ, giống, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, tiếp tục khảo nghiệm giống mới, từng bước chủ động về giống. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để tạo điều kiện cho người dân vay và sử sụng nguồn vốn vay từ ngân hàng vào đầu tư sản xuất đậu tương, giảm chi nhân sách nhà nước và đưa sản xuất theo hướng hàng hóa... Từ hiệu quả mà cây trồng này mang lại, tỉnh ta đã đưa cây đậu tương vào danh mục cây hàng hóa mũi nhọn nằm trong mục tiêu Nghị quyết số 11 – NQ/TU ngày 1.10.2012 của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2012 – 2015. Vì vậy, việc phát triển cây đậu tương chính là cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV của tỉnh.
Có mặt tại những cánh đồng đậu tương sai trĩu quả trong ngày thu hoạch, nhận thấy nét rạng ngời đổi thay trên gương mặt khắc khổ vì cuộc sống mưu sinh của người dân, chúng tôi càng hy vọng trong thời gian tới, cây đậu tương tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở những vùng quê nghèo của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc