Hội nghị đối thoại công tư – định hướng phát triển cây thảo quả tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 – 2016
HGĐT- Ngày 20.12, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) mở Hội nghị đối thoại công tư – định hướng phát triển cây thảo quả tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2016, thuộc dự án “Phát triển ngành gia vị các tỉnh miền núi phía Bắc cho xóa đói giảm nghèo”. Dự hội nghị có đại diện Tổ chức SNV; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố có diện tích cây thảo quả.
Thảo quả đang là cây mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc thiêu số ở các xã vùng cao.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp-PTNT tại hội nghị: Hiện nay toàn tỉnh có trên 8 nghìn ha thảo quả, trong đó tập trung lớn nhất ở các huyện Quản Bạ, Vị Xuyên,Hoàng Su Phì và Xín Mần. Với trên 4.800 ha thảo quả đang cho thu hoạch, hàng năm đạt sản lượng gần 1 nghìn tấn thảo quả khô, đã mang lại nguồn thu nhập từ 100-120 tỷ đồng cho nhân dân. Thảo quả đã và đang là cây có thu nhập cao và góp phần tích cực vào phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao. Tuy nhiên cây thảo quả vẫn chưa được phát huy đúng lợi thế, việc canh tác chưa có tính bền vững do tỉnh chưa có vườn ươm giống, trình độ sản xuất, thâm canh của nông dân còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ thuật canh tác hiệu quả bền vững…
Tại hội nghị, các huyện có diện tích thảo quả lớn đã tham gia thảo luận, trong đó tập trung chủ yếu vào bàn các giải pháp quy hoạch vùng thảo quả, cách thức trồng, chăm sóc, chế biến… và đề xuất kiến nghị cho chiến lược phát triển cây thảo quả trong thời gian tới.
Đại diện cho Tổ chức phát triển Hà Lan tại hội nghị cũng đánh giá cao diện tích và sản lượng thảo quả hàng năm của Hà Giang, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích cho cây thảo quả Hà Giang thông qua các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đồng thời hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, chế biến và thị trường tiêu thụ.
Hội nghị đối thoại công tư đã đạt được mục tiêu là diễn đàn để các đơn vị quản lý Nhà nước với cơ sở sản xuất, kinh doanh cây thảo quả có cơ hội đối thoại. Đây là hội nghị đối thoại công tư đầu tiên được tổ chức bàn về các biện pháp phát triển cây thảo quả của tỉnh giai đoạn 2013-2016, với mục tiêu đóng góp từ cây thảo quả chiếm 20% tổng thu nhập trở lên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh (từ 150-160 tỷ đồng/năm), tạo việc làm cho trên 5.000 hộ nông dân vùng cao và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ý kiến bạn đọc