Hàng Việt Nam đã đến với người dân vùng cao
HGĐT- Là tỉnh miền núi, biên giới có địa hình phức tạp, người dân vùng cao sống chủ yếu ở các bản làng xa xôi, ít được tiếp cận những mặt hàng do Việt Nam sản xuất, chính vì vậy Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Sở Công thương tổ chức tại các huyện đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là chương trình nằm trong Cuộc vận động “Người Việt
Hàng Việt
Người dân được tiếp cận hàng Việt
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức thành công 9 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” về các huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi phiên chợ đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan và mua hàng. Tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, chúng tôi thật ngỡ ngàng vì phiên chợrất đông người dân đến mua hàng. Có mặt trong quầy hàng bán quần áo ấm của Công ty May 10, anh Nông Kim Tuân, ở thôn Chợ Kế, Bạch Đích cho biết: Từ hôm tổ chức phiên chợ ở đây, tôi cho cả nhà đi mua sắm hàng hóa về dùng, nhà tôi ai cũng thích đến chợ vì hàng ở đây toàn là hàng Việt Nam chính hiệu mà trước đến nay tôi chưa bao giờ được mua. Vì là xã biên giới có chợ cửa khẩu mốc 358, được tổ chức theo phiên nên người dân ở đây thường dùng hàng của Trung Quốc. Nói về giá thành, anh Tuân cho biết thêm: Cũng chiếc áo phao ấm ở phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” này là hàng của Việt Nam sản xuất nên mẫu mã đẹp hơn mà giá lại rẻ hơn gần 150 nghìn/cái so với hàng Trung Quốc được bán trên biên giới, tôi rất thích với những mặt hàng mà mình đã mua. Cùng ý kiến với anh Tuân, anh Sùng Mí Páo, xóm Mèo Vá, xã Phú Lũng cho biết: Tôi không biết giá ở đây có rẻ hơn hàng Trung Quốc không những mỗi cái áo phông đẹp chỉ có 20 nghìn nên tôi mua vài cái về cho mọi người, thế là vui lắm rồi. Lom khom vác chiếc đệm lên xe máy bác Lù Thải Ngán, thôn Bản Mường 5, Bạch Đích cho biết: Vì là phiên chợ được thông báo bán toàn hàng Việt Nam nên tôi cũng ra mua chiếc đệm này về dùng cho đỡ lạnh, sống chừng này tuổi rồi lần này tôi mới thấy bán nhiều hàng Việt Nam đến vậy, giá cũng rẻ hơn rất nhiều, cùng một loại hàng như thế này, mua ngoài huyện đắt hơn rất nhiều...
Tại phiên chợ Bạch Đích có rất nhiều hàng hóa được các doanh nghiệp tham gia bày bán, chất lượng đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giá thành thấp hơn hoặc bằng giá bán tại thị trường hiện tại. Hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình như: Chăn, ga, gối, giầy, dép, nồi, xoong... có nhiều mặt hàng khi mua còn được khuyến mại. Với địa bàn được tổ chức phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” chủ yếu là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, nên những dịp tổ chức phiên chợ này được người dân đến mua rất nhiều, ai cũng hồ hởi đón nhận.
Các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng địa bàn kinh doanh:
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương, để chuẩn bị tổ chức một phiên chợ “Đưa hàng Việt về Nông thôn”, Sở Công thương giao cho Trung tâm chủ động trong công tác tổ chức, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia. Mỗi phiên chợ có trung bình 25 gian hàng bày bán, 15 doanh nghiệp tham gia, tổ chức trong 3 ngày. Công tác tuyên truyền được Trung tâm đặc biệt chú trọng như làm băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh nên khi diễn ra phiên chợ thu hút rất đông người đến mua hàng, vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp tăng lên, nhiều doanh nghiệp muốn gắn bó lâu dài và thường xuyên với chương trình như: Viễn thông Hà Giang VNPT bán sim, thẻ và điện thoại di động; Công ty TNHH Bảo Sơn, chuyên cung cấp bột giặt Lix. Ông Nguyễn Văn Lộc, tổ 10, Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, chủ gian hàng sản phẩm May 10, cũng là đơn vị đã tham gia các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” từ năm 2011 đến nay, cho chúng tôi biết: Một phiên chợ gian hàng của chúng tôi doanh thu khoảng 14-15 triệu đồng. Chúng tôi bán chủ yếu là hàng thanh lý của công ty, giá gốc nên so với thị trường rẻ hơn khoảng 70-80%. Từ kênh bán hàng này, công ty đã thanh lý một lượng lớn hàng đã sản xuất... Bên cạnh đó, khi tham gia bán hàng, các doanh nghiệp không phải đầu tư gian hàng cũng như mặt bằng thuê địa điểm, được hỗ trợ tuyên truyền quảng cáo... Điều quan trọng là trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thì việc tổ chức các phiên chợ về nông thôn, vùng sâu, vùng xa không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong nước mà giải pháp mở rộng thị trường. Đẩy mạnh hoạt động kết nối với các cửa hàng bán lẻ, đại lý mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường nông thôn, miền núi. Qua đó, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và phát triển hệ thống phân phối lâu dài.
Có thể nói, “Đưa hàng Việt về nông thôn” là một trong những hoạt động nhằm kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện để người dân nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng, giá phải chăng. Với địa hình phức tạp như tỉnh ta lại giáp với nước bạn Trung Quốc rất phong phú các loại hàng hóa nên người dân đã bao năm nay phần lớn là dùng hàng của Trung Quốc, nay các phiên chợ đưa hàng Việt đến tay người dân là một việc làm mang nhiều ý nghĩa, dần thay đổi thói quen và ưa dùng hàng nội địa của người dân. Với hy vọng đó, mong muốn của người dân trong thời gian tới là tỉnh ta sẽ tổ chức thêm nhiều phiên chợ “Đưa hàng việt về nông thôn” để người dân có cơ hội tiếp cận hàng Việt chính hiệu.
Ý kiến bạn đọc